Hầu hết các doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn manh mún
- Công nghệ mới
- 15:01 - 26/11/2015
Đây là hoạt động thường niên nhằm tổng kết, đánh giá thực tiễn hoạt động phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên cả nước, đồng thời là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường, doanh nghiệp thảo luận về các chính sách và giải pháp phát triển hệ thống doanh nghiệp KH&CN ở Việt Nam.
Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, tính đến tháng 11/2015, cả nước có 204 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN và còn nhiều hồ sơ đang trong quá trình xử lý, họp hội đồng và hoàn thiện hồ sơ.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, dù Nhà nước ban hành nhiều chính sách khuyến khích và ưu đãi về thuế, đất đai... nhưng doanh nghiệp khoa học, công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn. Phần lớn các doanh nghiệp này có cơ sở hạ tầng, sản xuất, kinh doanh, đầu tư manh mún, việc thương mại hóa sản phẩm còn nhiều rào cản từ cơ chế chính sách.
Các sản phẩm khoa học, công nghệ luôn đổi mới, sáng tạo, trong khi chưa có các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng của sản phẩm mới này, còn các cơ quan quản lý nhà nước lại lúng túng trong việc cấp phép lưu hành.
Về định hướng phát triển doanh nghiệp khoa học, công nghệ trong thời gian tới, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: “Đến năm 2020, phấn đấu có 5.000 doanh nghiệp khoa học công nghệ trên cả nước. Để đạt mục tiêu này, sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách khoa học công nghệ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp khoa học công nghệ được hưởng những lợi ích thiết thực. Đề nghị các địa phương và sở, ngành quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học, công nghệ phát triển và coi đây là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh".