Cả nước có 16 triệu lao động đã hưởng gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng
- Dược liệu
- 13:12 - 16/06/2020
Phát biểu phiên thảo luận tại nghị trường chiều 15/6, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội (đoàn Thanh Hóa), cho biết: Tỷ lệ thất nghiệp tại đô thị nhanh chóng tăng trong những tháng đầu năm 2020.
Thống kê qua 4 tháng, tỷ lệ thất nghiệp tăng 20% so cùng kỳ. Đến đầu tháng 6, cả nước có nửa triệu lao động hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.
Về việc làm và tạo việc làm mới cũng giảm rất nhanh trên thị trường lao động. Theo ông Bùi Sỹ Lợi, hiện nay, tỷ lệ tạo việc làm mới chỉ bằng 77% so với cùng kỳ 2019, "trong khi tỷ lệ lao động mới tham gia vào thị trường chỉ còn 75,4%, thấp nhất trong 10 năm gần đây", ông nói.
Đặc biệt, số doanh nghiệp và người lao động tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất lên tới 1.400 doanh nghiệp và 124.000 lao động. Theo đại biểu Lợi, điều này cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn.
Cung cấp thêm thông tin, đại biểu Lợi cho biết: Hiện nay, cả nước đã có 16 triệu lao động được hưởng gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng "chưa từng có tiền lệ" này, trên tổng số dự báo khoảng 20 triệu lao động thuộc đối tượng được thụ hưởng. Trong đó có 6 triệu lao động đã được hưởng hỗ trợ do bị giảm sâu thu nhập.
"Điều này cũng đánh giá được gói hỗ trợ của chúng ta rất tốt", ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh thêm về gói 62 nghìn tỷ.
Mặt khác, theo đại biểu đoàn Thanh Hóa, gói hỗ trợ 16.000 tỷ cho doanh nghiệp vay để trả lương cho người lao động với mức 1,8 triệu đồng/người, hiện nay các doanh nghiệp chưa tiếp cận được. Qua đó, đại biểu đề nghị Chính phủ điều chỉnh giảm điều kiện và tiêu chí để xử lý.
Vấn đề cuối cùng, đại biểu Bùi Sỹ Lợi quan tâm, đề nghị Chính phủ nên có ưu tiên phân bổ ngân sách cho lĩnh vực xã hội và đặc biệt quan tâm đến vấn đề 5 mục tiêu, 5 chỉ tiêu về dịch vụ xã hội cơ bản.
"Trong đó quan tâm đến vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân ở các khu công nghiệp. Đặc biệt là vấn đề nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị khô hạn và xâm nhập mặn", ông Lợi nhấn mạnh.
Cùng với đó, đại biểu lưu ý việc chuyển cơ sở khám chữa bệnh từ công lập sang tự chủ, và cho rằng: "Điều này rất đáng suy nghĩ. Cần phải chuyển những đơn vị nào hoàn toàn có điều kiện, không nên chuyển một cách ồ ạt".
Chung mối quan tâm về lĩnh vực lao động, việc làm, để nâng cao năng suất lao động, đại biểu Mùa A Vảng (đoàn Điện Biên) cho rằng cần tiếp tục các giải pháp nâng cao năng suất lao động.
Đại biểu lạc quan, năng suất lao động của Việt Nam thời gian vừa qua đã được cải thiện đáng kể, là quốc gia có tốc độ tăng trưởng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Đưa số liệu để minh chứng, đại biểu nêu rõ, nếu trong giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,91%/năm, trong đó lao động tăng 1,5%/năm, tăng năng suất lao động đạt 4,35%/năm thì trong ba năm 2016-2018 lao động chỉ tăng 0,88%/năm, nhưng năng suất lao động đạt tốc độ bình quân 5,77%/năm, cao hơn giai đoạn trước 1,42%, GDP tăng trưởng bình quân 6,7%/năm.
"Chính phủ nghiên cứu ban hành, chương trình mục tiêu quốc gia về tăng năng suất lao động cho giai đoạn từ nay đến năm 2045, mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Cần tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa cho lĩnh vực khoa học công nghệ, nhất là lĩnh vực khoa học công nghệ có tác động tăng năng suất lao động", đại biểu Mùa A Vảng nói.