Cả nước chăm lo, thực hiện tốt chính sách đối với người có công
- Tây Y
- 17:29 - 04/08/2017
Cả cộng đồng tri ân người có công
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng 7 vừa qua chúng ta đạt được thành tựu rất tốt, trong đó về vấn đề an sinh xã hội, y tế, giáo dục đạt kết quả cao. Kỳ thi THPT quốc gia, xét tuyển ĐH cũng rất tốt, được xã hội, dư luận quan tâm. Đặc biệt là tổ chức thành công kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017), một chỉ đạo toàn diện ở tất cả các ngành, các cấp và tự giác tham gia, tri ân của cả cộng đồng chăm lo, thực hiện chính sách đối với người có công cách mạng, gia đình liệt sĩ rất đầy đủ.
Về tình hình KT-XH của tháng 7 và 7 tháng kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chỉ số tiêu dùng tiếp tục được kiểm soát và tháng 7 tăng 0,31% so với tháng 12/2016 và tăng 0,11% so với tháng trước. Chỉ số CPI bình quân trong phạm vi bảo đảm kiểm soát. Đặc biệt tín dụng tăng trưởng cao nhất cùng kỳ của 6 năm gần đây, tăng 8,92% so với tháng 12/2016. Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại đều giảm. Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, 18,7%. Thu ngân sách đạt khá so với dự toán năm 2017. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt; công nghiệp chuyển biến tích cực, các lĩnh vực sản xuất công nghiệp tăng 6,5%. Tổng mức hàng hoá bán lẻ, dịch vụ tăng 10%. Đến thời điểm này chúng ta đã có 7,24 triệu khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 28,8% so với cùng kỳ của năm 2016. Đây là dấu hiệu tích cực cho ngành du lịch sau khi thực hiện một số giải pháp như miễn visa, cấp visa điện tử cho khách quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được chúng ta cũng còn không ít những khó khăn. Ngành công nghiệp trên đà phục hồi nhưng chỉ số IID thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Khai khoáng giảm 7,5%, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu giảm như ô tô giảm 0,7%, khí đốt thiên nhiên giảm 8,3%, dầu thô khai thác giảm 11,4%… Đây là vấn đề thực hiện tích cực chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và năm nay chúng ta quyết tâm đạt chỉ số khai khoáng như nghị quyết của Chính phủ đã đề ra là 13,28 triệu tấn của năm 2017, như vậy so với 2015 vẫn thấp hơn, năm 2015 là 16,8 triệu tấn, năm 2016 là 15,2 triệu tấn. Doanh nghiệp thành lập mới nhưng còn nhiều khó khăn. 7 tháng có 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh tăng 16,2% và trên 27.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, tăng 24,5%. Như vậy có 43.000 doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là trong vấn đề tiếp cận vốn, thủ tục chính thức, đất đai, tín dụng… Giải ngân vốn đầu tư công đạt 38,6% theo kế hoạch tuy có tăngtrưởng so với 30/6 nhưng chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Thủ tướng.
Quyết liệt dập tắt dịch sốt xuất huyết
Tình hình dịch bệnh, nhất là dịch sốt xuất huyết (SXH), đến nay cả nước ghi nhận trên 58.000 bệnh nhân mắc SXH trong đó 49.000 trường hợp nhập viện và 17 trường hợp đã tử vong. Thủ tướng yêu cầu phải thực hiện các biện pháp quyết liệt nhất để vây và dập tắt dịch bệnh và xử lý tất cả các yếu tố liên quan đến. Hậu quả thiên tai đã làm cho hàng chục người chết và mất tích, tổng giá trị thiệt hại của các địa phương ước sơ bộ là 2,3 nghìn tỷ đồng. Ngay đêm hôm qua một số địa phương đã xảy ra lũ quét, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản.
Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng của 2017 là 6,7%. Quý I đạt tăng trưởng 5,15% và quý II đạt tăng trưởng 6,1%. Như vậy 6 tháng chúng ta đạt tăng trưởng 5,6% và quyết tâm 6 tháng còn lại chúng ta phải đạt tăng trưởng 7,43% để có mục tiêu chung của cả năm 2017 là tăng trưởng 6,7% từ các biện pháp tích cực của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt là khối sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, chế tạo. Về tăng trưởng nông nghiệp, chúng ta phải bảo đảm tăng trưởng 3,05%, công nghiệp là 10,91%, dịch vụ thương mại là 7,19% để chúng ta có chỉ số chung là 6,7%. Ngay phiên họp cũng có chuyên đề giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức do Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo. Trong đó có các giải pháp giảm chi phí đường bộ qua trạm BOT, giảm phí hạ tầng công cộng, khu vực cảng như báo cáo Bộ Tài chính đề xuất, giảm tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30-35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc xử phạt đối với trường hợp xe không có giấy tờ gốc
Tại phiên họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, liên quan đến việc xử phạt phương tiện giao thông không có giấy tờ gốc, tại Nghị định 163 có quy định khi thế chấp, bên đi thế chấp vẫn được quyền nắm giữ giấy tờ các tài sản này, trong khi đó Bộ luật Dân sự cho rằng việc thế chấp tài sản để vay, còn bên nhận thế chấp có quyền nắm giữ giấy tờ phương tiện đó nếu có trong thoả thuận vay mượn giữa 2 bên.
Ngân hàng Nhà nước đã nhận thấy được vấn đề khó khăn, bên nhận thế chấp vẫn nắm giữ giấy tờ đó, có thể chuyển nhượng, mua bán, cầm cố, cầm đồ, nên các ngân hàng thương mại khi cho vay khó kiểm soát, dẫn đến nợ xấu phát sinh. Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Công an, Tư pháp cho phép người điều khiển giao thông được dùng bản sao, có xác nhận của tổ chức tín dụng và đề nghị Bộ Công an không xử phạt. Hiện các cơ quan liên quan đang phối hợp xử lý vướng mắc này.
Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, hiện nay các ngân hàng thương mại đang thực hiện tốt việc khuyến khích người tiêu dùng mua ô tô trả góp. Nếu giao bản gốc và tài sản cho người thế chấp, thì các ngân hàng không thể bảo đảm khi chuyển nhượng tài sản, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Khi có thông tin này, Thủ tướng đã chỉ đạo giao Bộ Tư pháp rà soát toàn bộ thủ tục theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Khi chính thức có ý kiến bằng văn bản, VPCP sẽ thông báo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tới các cơ quan báo chí.