THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:13

Cả làng say nhạc

Thiếu niên làng Báo Đáp chơi kèn Tây.

Đến làng Báo Đáp, khách phương xa như “rơi” vào một thế giới khác. Đó là ngôi thánh đường uy nghiêm cổ kính, những ngôi nhà mái ngói liêu xiêu rêu phong, con đường, ngõ xóm được lát gạch nghiêng lâu đời vẫn giữ được khá nguyên vẹn. Thi thoảng ở trong một con ngõ, một lớp học nhỏ lại vang lên tiếng đàn du dương, tiếng luyện kèn tây hào sảng. Ở Báo Đáp, nhiều em nhỏ có thể chơi được hai ba loại nhạc cụ, từ violon, ocgan, nhưng sôi động nhất là đoàn kèn đồng của người lớn, chuyên phục vụ các buổi lễ, giao lưu. Tất cả những điều đó tạo nên không khí thanh bình nhưng rất độc đáo của một vùng quê xứ đạo. Làng Báo Đáp có nghề làm hoa nhựa, dù vẫn còn nghèo, nhưng người dân ở đây luôn yêu đời và khát khao làm đẹp cuộc sống bằng âm nhạc.

Những người nông dân yêu âm nhạc ở Báo Đáp

Hỏi chuyện, mới biết để có những chiếc ocgan, hay cây violon trị giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, người dân phải bán thóc, thậm chí bán đất lấy tiền mua. Nhiều người tích tiền đi làm thuê nhiều năm trời mới có được. Những gia đình khấm khá, không tiếc tiền mua nhạc cụ cho con chơi, nhưng với nhiều nhạc cụ có giá trị lớn, thì chỉ có đam mê âm nhạc, mới tậu được.

Bộ sưu tập kèn Tây ở làng Báo Đáp.     Ảnh: Minh Sơn

Ông Nguyễn Tri Phương, đoàn trưởng đoàn kèn tây Báo Đáp cho biết: “Truyền dạy âm nhạc, sử dụng các nhạc cụ là thầy Phố, thầy Súy, thầy Điềm, thầy Công... Các thầy dạy không lấy tiền, cứ thấy học trò học, đam mê theo học, các thầy cảm thấy sung sướng lắm!” Chính vì niềm đam mê và khát vọng, những “nhạc sĩ làng” này đã đầu tư công sức, tâm huyết dạy các em kèn Tây, violon, piano, organ, tam thập lục, đàn tranh, đàn nguyệt... Nhiều con em của Báo Đáp được nuôi dưỡng âm nhạc từ nhỏ, đã thi đỗ vào các trường văn hóa, nghệ thuật lớn.

Nước ta có nhiều làng yêu âm nhạc, như làng violon ở Bắc Giang, làng chèo Khuốc ở Thái Bình, làng chèo Trung Lập ở Phú Xuyên (Hà Nội), làng nói khoác Văn Lang ở Phú Thọ và rất nhiều ngôi làng có truyền thống, dùng âm nhạc, văn hóa dân gian để làm giàu đời sống tinh thần. Ông  Bùi Đắc Điềm, được người dân phong “giáo sư âm nhạc”, vì thông hiểu nhiều loại nhạc lý, tâm sự: “Nếu mỗi người chơi nhạc giỏi được gọi là “nghệ sĩ”, thì làng chúng tôi có nhiều “nghệ sĩ” nhất.

Có những nhạc cụ, bọn trẻ có thể chơi ở bất cứ đâu, thậm chí ngoài cánh đồng, trên một gò đất. Còn đoàn kèn tây mỗi khi vào hội, biểu diễn thì hoành tráng lắm!” Hồi còn nhỏ, ông Điềm là một cậu bé cần mẫn chăm chỉ, học tập các loại nhạc cụ và được các cha xứ bồi bổ thêm kiến thức âm nhạc.

Những người nông dân yêu âm nhạc ở Báo Đáp

Hiện ông Điềm đã chinh phục được vài chục loại nhạc cụ và còn có thể sáng các bản nhạc mới cho kèn. Ông Điềm được dân làng quý mến, được mời đi dạy liên miên, đến nỗi, ông phải sắp xếp lịch tỉ mỉ từng giờ để không bị lỡ hẹn. Nhiều lão nông ở làng cho biết, cách đây hơn 50 năm, một số thanh niên của làng đã biết học và chơi kèn.

Họ là những hạt giống đầu tiên để làng âm nhạc phát triển. Sau đó, những người thầy này lại đi dạy ở khắp nơi, xây dựng các đoàn kèn ở các giáo xứ khác. Vì “máu” văn nghệ, nên trong một lần khảo sát người ta tính ra, có đến 60% số thanh niên, trung niên và người cao tuổi biết sử dụng kèn Tây.

Đoàn kèn Tây của làng gồm 62 thành viên, được đánh giá là chuyên nghiệp nhất trong các xứ đạo cả nước, được tổ chức chặt chẽ, hài hòa. Có đoàn trưởng, đoàn phó và người chuyên dạy những bài mới, người chỉ huy nhạc. Đoàn trưởng kèn là ông Nguyễn Tri Phương, một nông dân thuần túy, nhưng khi ngơi công việc nhà nông, ông lại cùng anh em trong đoàn luyện tập, đi thổi kèn giao lưu, hoạt động trong các ngày lễ... “Không chỉ những ngày lễ của làng, lễ các nhà thờ họ mà nhiều đám hiếu chúng tôi cũng tham gia nhiệt tình. Để sử dụng tốt loại kèn Tây, đòi hỏi chúng tôi phải luyện tập kỹ lưỡng, khi thổi mới không bị đứt hơi và khớp bài. Trong đoàn, tuổi tác thành viên chênh lệch, nhưng rất đoàn kết và khi biểu diễn cũng rất ăn khớp”-ông Phương tâm sự.

Dân Báo Đáp ngày thường lại lao đi làm, kiếm sống, mưu sinh. Nhưng đến dịp lễ Tết, họ lại tề tựu đông đủ, chơi nhạc, thổi kèn, cùng hát thánh ca. Ai cũng cố gắng đóng góp được một điều gì đó, dù là nhỏ bé cho làng, cho xứ đạo. Từ bờ tre, gốc lúa, từ làng quê luôn cất lên tiếng nhạc, tiếng đàn, những âm thanh trầm bổng, rộn rã.

Văn Học

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh