Cả hệ thống chính trị vào cuộc để đảm bảo VSATTP
- Tây Y
- 17:29 - 27/04/2016
Hội nghị bàn về các nội dung: Tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm, cho ý kiến đối với Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về bảo đảm an toàn thực phẩm; việc triển khai Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.
Toàn cảnh Hội nghị
Thành phần dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, có: Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN; các bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương, Công an, Quốc phòng, Tài chính, TN&MT, TT&TT, VHTT&DL, KH&CN, KH&ĐT, Nội vụ; Ban Chỉ đạo 389, Tổng cục Hải quan; thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP; Tổng cục Cảnh sát; Hội Nông dân Việt Nam, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam...
Thành phần dự hội nghị tại điểm cầu các địa phương gồm có: Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND và Phó Chủ tịch UBND phụ trách lĩnh vực VSATTP; lãnh đạo các sở: Y tế, NN&PTNT, Tài chính, Công Thương, Công an; các thành viên khác của Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh; lãnh đạo một số quận, huyện trọng điểm về ATTP.
Thay đổi cách tiếp cận để tạo chuyển biến rõ nét trong quản lý ATTP
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và cảm ơn các đồng chí Bí thư, Chủ tịch 63 địa phương họp cùng các thành viên Chính phủ để cùng bàn thảo, tìm hướng giải quyết vấn đề nhân dân, xã hội đặc biệt quan tâm và Nhà nước chưa làm tròn trách nhiệm bảo đảm ATTP cho nhân dân và người tiêu dùng.
Thủ tướng nhấn mạnh, để bảo đảm ATTP đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Làm rõ trách nhiệm của các chủ thể, nhất là trách nhiệm của người sản xuất, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương… Đặc biệt là trách nhiệm giám sát của các cấp, ngành, cơ quan dân cử để tạo ra sự chuyển biến đồng bộ trong bảo đảm VSATTP.
Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát... nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét về quản lý ATTP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng nhấn mạnh các ý kiến thảo luận phải tập trung đề ra cơ chế, giải pháp, cách làm tháo gỡ vướng mắc, cách làm tốt nhất, rõ nét nhất để thực hiện công tác đảm bảo ATTP.
Các cơ quan chức năng như Công an, thanh tra, quản lý thị trường phải thanh tra, kiểm tra mạnh mẽ hơn từ xử lý hành chính đến hình sự để răn đe các cá nhân, tổ chức vi phạm về ATTP, bảo vệ quyền lợi sức khỏe của người dân.
Nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm
Báo cáo tóm tắt về tình hình và những giải pháp chính nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm của Văn phòng Chính phủ nêu rõ: Vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống nên luôn được nhân dân đặc biệt quan tâm.
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt được những kết quả nhất định; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cơ bản đầy đủ, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành, địa phương được phân định rõ ràng, nhiều vụ việc vi phạm lớn đã được phát hiện, xử lý.
Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, cần được tiếp tục chỉ đạo quyết liệt hơn nữa.
Vấn đề nổi lên hiện nay là việc tổ chức thực hiện trong cả nước chưa tốt, chưa nghiêm minh, kết quả còn hạn chế.
Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị
Qua báo cáo của các bộ, ngành cho thấy hiện nay trên cả nước còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác bảo đảm ATTP, nổi lên là:
Thứ nhất, khâu tổ chức thực hiện bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm và thiếu tập trung trong quản lý ATTP, chậm phát hiện và không kịp thời xử lý các vụ việc vi phạm ngay trên địa bàn mình quản lý, hầu hết các vụ vi phạm là do báo chí và các cơ quan chức năng của Trung ương phát hiện; rất ít vụ vi phạm do địa phương phát hiện. Nhiều ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tại địa phương (được tổ chức tại cấp tỉnh, cấp huyện) hoạt động chưa hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức nhận thức chưa đầy đủ về trách nhiệm quản lý ATTP. Nguồn lực ở một số địa phương cho công tác này còn hạn chế.
Thứ hai, việc ban hành các văn bản dưới luật, nhất là thông tư hướng dẫn thi hành luật trong những năm đầu còn chậm.
Thứ ba, chưa có cơ chế tài chính phù hợp giải quyết kinh phí, ngay cả kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Lực lượng kiểm tra còn hạn chế về số lượng và chất lượng, thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật, các phòng kiểm nghiệm chưa phát triển phương pháp kiểm nghiệm theo kịp nhu cầu (như kiểm nghiệm vàng ô trong măng, chất nhuộm màu ruốc…).
Thứ tư, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Việc xử lý vi phạm chưa nghiêm minh, chưa chú ý xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ, công chức.
Thứ năm, chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội, công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm và đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại cơ sở.
Thứ sáu, công tác truyền thông về thực phẩm an toàn và không an toàn còn hạn chế. Chưa có hình thức tuyên truyền theo các ngạch của hệ thống chính trị (như trong tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ…) nên chưa sâu sát đến được các hội viên, đoàn viên, cá nhân, các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, trang trại…
Trong tuyên truyền còn nặng về các nội dung tiêu cực, chưa có nhiều thông tin về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng, hoang mang trong nhân dân, thậm chí làm ảnh hưởng đến xuất khẩu và chưa kết nối được thực phẩm an toàn với người tiêu dùng; chưa có nhiều hỗ trợ cho người tiêu dùng phân biệt đâu là thực phẩm an toàn, không an toàn; chưa tạo được động lực khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Thứ bảy, hiện tại, vẫn còn rất nhiều vấn đề nổi cộm cần được quan tâm xử lý để giải quyết dứt điểm như vấn đề sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, quản lý tại các chợ, nhập khẩu rượu giả, kinh doanh thực phẩm chức năng.
Bên cạnh đó, còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm vệ sinh ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến khâu bảo quản, sơ chế, chế biến... đặc biệt tại cơ sở giết mổ, sơ chế nội tạng, cơ sở chế biến mỡ động vật rất mất vệ sinh...
Bốn nhóm giải pháp cơ bản
Từ tình hình thực tế và đòi hỏi bức xúc của xã hội cũng như yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong thời gian tới, các bộ, cơ quan đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành một Chỉ thị về bảo đảm ATTP với nhiều giải pháp mới, quyết liệt và cụ thể gắn với đề cao trách nhiệm của các cơ quan, công chức Nhà nước. (Dự thảo Chỉ thị này đã được gửi đến các đại biểu dự Hội nghị). Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh một số giải pháp chính trong đề xuất của các bộ, cơ quan như sau:
Một là, đề cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhất là của chính quyền địa phương:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn thực phẩm trên địa bàn; coi đây là nhiệm vụ cần tập trung, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; ưu tiên bố trí đủ nguồn lực cho công tác này; xác định việc bảo đảm an toàn thực phẩm là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa.
Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm của cơ quan nhà nước cấp dưới; kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý.
Các địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP và hình thành hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn.
- Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với ngành hàng được phân công, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm.
- Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các địa phương nắm chắc tình hình các tuyến, địa bàn trọng điểm về vi phạm an toàn thực phẩm, điều tra, khởi tố một số vụ án điểm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
- Sớm có phương án kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm theo hướng cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm và có kinh phí tăng cường từ ngân sách nhà nước bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là kinh phí cho kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Trước mắt, ứng trước từ ngân sách cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2016.
Hai là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện an toàn thực phẩm
Các cơ quan báo chí tăng cường các bài viết, chuyên mục về an toàn thực phẩm; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm.
Đài Truyền hình Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ: Y tế, NN&PTNT, Công Thương thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm.
Đài Tiếng nói Việt Nam khẩn trương xây dựng và phát sóng chuyên mục về an toàn thực phẩm.
Ba là, phát huy vai trò của nhân dân trong việc đấu tranh, phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm quy định về bảo đảm ATTP.
Các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Chính phủ và Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tập trung thực hiện tại một số địa bàn trọng điểm và địa phương theo sự thống nhất với Mặt trận Tổ quốc.
Các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Công an, Bộ đội biên phòng và các địa phương có cơ chế phù hợp (như đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Bốn là, tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ nét trong năm 2016 một số vấn đề sau đây:
- Việc nhập khẩu, sản xuất, sử dụng các chất, thuốc trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong sản xuất, chế biến thực phẩm.
- Bộ Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, bảo đảm vệ sinh an toàn, vệ sinh trong ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp.
- Bộ Công Thương siết chặt quản lý việc ngăn chặn nhập lậu rượu giả, nước giải khát không truy xuất được nguồn gốc.
- UBND tập trung kiểm tra, xử lý dứt điểm các điểm nóng về an toàn thực phẩm đang được dư luận và xã hội quan tâm trên địa bàn.