THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:43

Buýt sông TP. HCM luôn trong tình trạng quá tải

 

Trước đó, ngày 25/11, buýt đường sông số 1 chính thức đi vào vận hành. Tuyến buýt đường sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), thuộc dự án đầu tư 2 tuyến vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy nội địa trên địa bàn TP. Lộ trình tàu qua 5 bến: Hướng từ Linh Đông (Q.Thủ Đức) - Bạch Đằng (Q.1): Linh Đông - Hiệp Bình Chánh - Thanh Đa - Bình An - Bạch Đằng; hướng từ Bạch Đằng - Linh Đông có lộ trình ngược lại.

Sau 10 ngày miễn phí, ngày 5/12 chủ đầu tư bắt đầu bán vé 15.000 đồng/người, hành trình mỗi chuyến khoảng một giờ qua 5 điểm đón trả khách. Theo kế hoạch, toàn tuyến có 5 tàu, mỗi tàu chở tối đa 75 hành khách. Nhưng hiện chỉ mới đưa vào hoạt động ba tàu, trong đó có hai chiếc chạy thường xuyên, một chiếc dự phòng.

 

Đây là tuyến buýt đường sông đầu tiên của TP nên được kì vọng rất nhiều

 

“Tôi thấy buýt sông phù hợp với du lịch hơn giao thông, giá rẻ lại có thời gian thưởng thức khung cảnh hai bên sông. Chứ nếu đi làm như tôi, hằng ngày ngồi xếp hàng chờ mua vé, ngồi ở ghế đợi cả tiếng đồng hồ mới lên tàu, 2 chuyến bus cuối ngày không có chuyến khứ hồi thì không phù hợp” chị Mai Phương (Phường Linh Chiểu, Thủ Đức) chia sẻ.

Do số tàu phục vụ còn ít, lượng khách tham quan, đi lại nhiều nên bến tàu luôn trong tình trạng hết vé, rất nhiều người không mua được vé buýt sông để đi từ bến Bạch Đằng về bến Linh Đông. Theo nhân viên bán vé, tình trạng hết vé, hay khách đợi đặt mua vé của ngày mai xảy ra thường xuyên bởi nhu cầu quá lớn.

Ở bến Bạch Đằng không ít những khách đường xa chờ đợi để được tận mắt chứng kiến buýt trên sông nhưng gặp chung cảnh hết vé. Chị Mai cũng trong tình trạng những người không mua được vé đi trong ngày buồn bã: “Từ Bình Dương xuống, hôm nay chị cùng gia đình đưa bà con xa từ quê vào đến bến để đi thử buýt trên sông nhưng hết vé. Lại phải về tay không”.

 

Số lượng vé, lượng tàu ít so với nhu cầu đi lại của khách hàng

 

Nguyễn Thúy Hằng (Sinh viên trường ĐH KHXH&NV) chia sẻ: “Đoạn đường buýt di chuyển đến các địa điểm ngắm cảnh rất đẹp. Tuy nhiên, thời gian di chuyển đến các bến ngắt quãng quá dài. Không như xe buýt đường bộ cứ ít phút có một chuyến. Em thấy nên phát triển phần mềm tra cứu lộ trình, giờ hoạt động, lượng vé còn trong ngày của buýt đường sông để thuận tiện cho việc đi lại”.

Ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư dự án buýt đường sông) trả lời những phản hồi của hành khách: “Do mới đi vào hoạt động nên số lượng vé, số lượng tàu còn ít, nhu cầu trải nghiệm của người dân lại cao. Do vậy, những tình trạng trên diễn ra là bình thường, vẫn nằm trong tính toán. Buýt đường sông để phục vụ đi lại chứ không phải phục vụ du lịch. Sau một thời gian, khi đã đi vào ổn định, người dân sẽ quen dần với phương thức di chuyển mới này, lượng tàu cũng như dịch vụ sẽ tăng lên đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

 

Trung bình mỗi ngày buýt sông phục vụ gần 1.000 khách

 

Gần 1 tháng đi vào hoạt động, theo thống kê của Công ty Thường Nhật, thời gian qua trung bình mỗi ngày buýt sông phục vụ gần 1.000 khách. Đa phần người dân đi thử một lần cho biết, còn khách hàng thường xuyên đi theo lộ trình thì chưa nhiều. Vì vậy, cần một khoảng thời gian nữa để đánh giá về chất lượng, cũng như đầu tư thêm tàu, vé, nhân viên cũng như sắp xếp thời gian hợp lý để đi vào hoạt động ổn định cũng như phát triển các tuyến buýt tiếp theo.

HOÀNG THƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh