Buôn trong phố
- Văn hóa - Giải trí
- 22:31 - 15/09/2015
Buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi) nằm giữa lòng TP Buôn Ma Thuột, tạo nên sự đa dạng và độc đáo.
Buôn Ma Thuột, thủ phủ của vùng đất Tây Nguyên, cái nôi của văn hóa mang đậm nét đặc trưng của cư dân bản địa, với những di sản văn hóa độc đáo và đồ sộ của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên. Trong giai đoạn đô thị hoá đang phát triển ồ ạt, nhưng ghé thăm các buôn như: Akô Dhông, Dhăp rông, Păn Lăm, Kô Siêr, Ea Nao, Buôn Bông... chắc hẳn sẽ không quên được cảm giác được sống với không gian thanh bình và yên ả của đồng bào DTTS giữa lòng thành phố.
Xen lẫn giữa cuộc sống thị thành của những ngôi nhà cao tầng là hình ảnh những nhà dài, bến nước, giếng làng và những vật dụng cổ như chiêng ché, trống, nồi đồng, kpan (ghế cổ dài hàng chục mét đẽo bằng 1 thân cổ thụ để ngồi đánh chiêng) , khung dệt cổ... Chính điều này tạo nên sự giao thoa văn hoá, góp phần làm đa dạng cho màu sắc của phố núi Ban Mê.
Nằm ở cuối đường Trần Nhật Duật, buôn Ako Dhong (phường Tân Lợi) là một trong những buôn có lịch sử lâu đời, được quy hoạch đẹp, gìn giữ được nhiều giá trị truyền thống và lòng mến khách của đồng bào giữa lòng thành phố. Trong buôn bên cạnh những con đường nhựa, bê tông hiện đại, nhưng vẫn còn sừng sững ngôi nhà dài Ako Dhông. Đây là ngôi nhà của đồng bào Ê-đê nằm cạnh suối Ea Tam, xưa kia dưới sự cai quản của tù trưởng Ama Thuột. Nhà dài là biểu tượng của đại gia đình mẫu hệ, nơi gìn giữ nét văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Ê-đê. vừa hiện đại vừa cổ xưa.
Ông Ama Khoanh, buôn Akô Dhông tự hào khoe, dù có rất nhiều nhà với những kiến trúc cao tầng hiện đại, nhưng bà con trong buôn, và cả những buôn khác như PămLăm, buôn AkoSier, buôn AkoTam, buôn Niêng, buôn Alê, buôn Ky,... đồng bào luôn gìn giữ những ngôi nhà dài của mình. Bà con có suy nghĩ. mất nhà dài là coi như mất cồng chiêng, mất sử thi, mất ghế Kpan, mất cả Giàng, cả hồn cốt người Ê đê. Do vậy, đồng bào mình luôn luôn gìn giữ, bảo vệ nhà sàn, trai gái trong buôn, ai không nghe thì chịu phạt theo quy ước của buôn.
Không chỉ nhà sàn, cồng chiêng... mới được đồng bào gìn giữ, phát huy, mà nghề thủ công như dệt thổ cẩm, nấu rượu cần, các vật dụng thiêng liêng như cồng, chiêng, ghế Kpan, ché... cùng các nghi lễ, lễ hội của người Ê đê vẫn được lưu giữ nguyên vẹn. Đồng bào nơi đây vẫn lưu giữ các loại nhạc cụ truyền thống như khèn đinh năm, cồng chiêng,... để truyền dạy cho đám trẻ con, thanh niên trong buôn. Những tập quán, tập tục sinh hoạt hàng ngày của mình như mặc váy, cõng gùi lên nương rẫy, giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ vẫn được đồng bào bảo vệ.
Sinh ra và lớn lên giữa buôn làng Tây Nguyên, nghệ nhân Y Mip Ayun (buôn Kô Siêr, phường Tân Lập) không chỉ là người biết chế tác các loại nhạc cụ từ đing bút, tắc ta, chiêng kram, đàn gông, rồi đing pă, đing năm... Đến nay dù ở tuổi 74 nghệ nhân Y Mip Ayun vẫn tình nguyện mở lớp dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc Ê đê cho thế hệ trẻ, thanh niên các buôn làng. Ông còn được mời đi dạy đánh chiêng ở các buôn làng xa khác ở TP. Buôn Ma Thuột, như buôn Đôn, huyện Lak, Krông Ana,... Ông bảo: “Chúng nó không hiểu, thì mình phải có trách nhiệm bảo ban, giúp chúng giữ lại những tài sản vô giá của dân tộc mình chứ”.
Ngôi nhà sàn dài của người Ê Đê vẫn được bà con đồng bào bảo tồn, sử dụng.
Ở buôn Alê A, phường Ea Tam ngoài bảo tồn, phát huy những giá trị của đồng bào dân tộc mình, bà con nơi đây còn tập trung phát huy nghề truyền thống dệt thổ cẩm rồi cũng đã liên kết với các đơn vị làm du lịch trên địa bàn tỉnh để quảng bá, thu hút khách du lịch đến tham quan và mua sắm.
Đồng bào rất ý thức việc truyền dạy nghề cho con cháu và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như mua sắm thêm khung cửi, nguyên vật liệu sản xuất. Một nét đặc sắc khác ở các buôn trong phố Ban Mê duy trì là trong gia đình người Ê đê, chủ nhà vẫn là phụ nữ (chế độ mẫu hệ). Con cái mang họ mẹ, theo đó của cải và đất đai sẽ được truyền từ mẹ sang con gái. Phụ nữ chịu trách nhiệm trong quản lý gia đình, chăm sóc con cái, mồ mả tổ tiên, của cải thừa kế cho con cái...
Ông Y Ring Ađ’rơng, Trưởng ban Dân tộc Đắk Lắk cho biết: Trong những năm qua việc thực hiện các chương trình, chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo các quyết định của Chính phủ, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, sự nỗ lực triển khai thực hiện của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc, tỉnh Đắk Lắk đã đạt nhiều thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực. Các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Các công trình hạ tầng thiết yếu đựơc xây dựng như: Đường giao thông, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nhà văn hóa đã tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào các dân tộc trong việc giao thông đi lại, phát triển sản xuất, lưu thông hàng hoá làm thay đổi bộ mặt đời sống, kinh tế - xã hội địa phương, góp phần xoá đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS.
Ngoài ra, bà con đồng bào các DTTS, nhất là đồng bào ở các buôn của TP Buôn Ma Thuột còn tích cực đoàn kết, phát huy dân chủ, sống và làm việc theo pháp luật, theo hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Hàng năm, hầu hết các buôn đều tổ chức Ngày hội đoàn kết dân tộc ở khu dân cư. Thông qua đợt sinh hoạt văn hóa này, tăng cường mối đoàn kết cộng đồng, tạo điều kiện sinh hoạt văn hóa,phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình.
Ông Hoàng Chuyên, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đắk Lắk tâm sự: “Người dân ở các buôn ở Ban Mê luôn tự hào về quá khứ, trân trọng giữ gìn những báu vật quý giá của các thế hệ cha ông gầy dựng nên. Chính những nét văn hoá ấy vẫn được gìn giữ, phát huy bên cạnh phố sá hiện đại văn minh làm nên tạo thành vườn hoa muôn màu toả sắc hương. Giờ đây bà con giữa các dân tộc sinh sống nơi đây vẫn tiếp tục gắn bó bên nhau, đoàn kết tương trợ giúp nhau cùng phát triển, với quyết tâm xây dựng TP Buôn Ma Thuột ngày càng giàu đẹp, văn minh”. |