CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:20

"Vua" bưởi da xanh ruột hồng nổi tiếng miền Tây

 

Sáng tạo bưởi da xanh ruột hồng không hạt

Không được học hành qua trường lớp nào nhưng ông Hai Hoa nổi tiếng là người đi đầu trong việc sáng tạo nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất bưởi da xanh không hạt. Nói về việc tạo ra thương hiệu bưởi da xanh ruột hồng không hạt, ông Hai Hoa kể, vào khoảng năm 1998, trong một chuyến đi tham quan vườn bưởi da xanh tại xã Mỹ Thạnh An (TP.Bến Tre), khi ăn thử, ông đã đoán chắc giống bưởi này sẽ là đặc sản và trong tương lai sẽ có giá trị kinh tế cao.

Trong lúc nhà vườn còn mê đắm với bưởi Năm Roi thì ông Hai Hóa mua hàng trăm nhánh bưởi da xanh về làm giống. Có 0,5ha sầu riêng đang cho trái, ông quyết định đốn bỏ và chuyển sang trồng bưởi da xanh.

Ông Hai Hoa trồng thành công giống bưởi da xanh ruột hồng không hạt. 

“Hồi đó bưởi da xanh chưa đắt hàng, đắt giá và cũng chưa xuất khẩu như bây giờ. Trên các bàn tiệc, người ta chỉ đãi bưởi Năm Roi. Người dân lúc đó gần như không quan tâm cây bưởi da xanh này. Tôi nhờ có con mắt xanh với bưởi da xanh mà trở nên nổi tiếng”- ông Hoa kể. Điều gì khiến lão nông chân đất này trở thành chuyên gia trồng bưởi được cả người nước ngoài biết đến? Đó là vào năm 2003, sau thời gian dài tìm hiểu, nghiên cứu trên chính vườn bưởi nhà mình, ông Hoa sáng tạo ra kỹ thuật “điều chỉnh vị trí ra hoa đậu trái bưởi da xanh trên nhánh nhện theo ý muốn”.

Cách làm của ông Hoa là tỉa bỏ đi những lá nhện ở thân cây. Sau hai tuần tỉa bỏ hết lá nhện trên vườn bưởi, ông Hoa thấy lá bị tỉa tới đâu thì cây bưởi đâm bông tới đó. Lần đầu tiên thành công với sáng kiến này, ông Hoa rất phấn khởi.

Không dừng lại ở đó, ông tìm kỹ thuật mới để nâng chất lượng trái bưởi trong vườn. Khoảng năm 2005, ông Hoa được mời đi tham quan các vườn bưởi nổi tiếng ở Hà Nội. Tại đây, ông quan sát thấy, tuy là bưởi đặc sản nhưng khi bổ ra lại có rất nhiều hạt làm cho múi bưởi kém ngon, nhìn cũng không đẹp mắt. Lúc ấy trong đầu lão nông này chợt lóe lên một ý tưởng “tại sao mình không làm cho trái bưởi này không có hạt để trái bưởi được ngon hơn?”.

Sau chuyến tham quan, về nhà ông tạo ra hàng trăm chiếc lồng kẽm nhỏ gọn bao lưới chụp lên bông bưởi để ngăn ngừa con ong không chạm vào noãn hoa. “Lúc bông bắt đầu nở cánh là tôi chụp bông bưởi bằng những chiếc lồng kẽm có bao lưới cho đến khi chùm bông bắt đầu rụng hết cánh và ra trái non mới tháo lồng, lúc đó mới thành công” –  ông Hoa chia sẻ.

Ông cho biết thêm: “Bản chất của giống bưởi da xanh là không hạt, nhưng do tác động của quá trình con ong thụ phấn chéo với những loài trái cây khác như cam, quýt, chanh… làm cho trái bưởi bị hạt nhiều. Qua thử nghiệm tôi thấy, chùm hoa nào tôi chụp lưới thì đều đậu trái và trái bưởi đó chắc chắn không có hạt”.

Thử nghiệm thành công để trái bưởi da xanh ruột hồng không hạt, ông Hoa lập tức chia sẻ kỹ thuật cho nhiều nhà khoa học và nông dân khác. Thời điểm đó, vườn bưởi nhà ông đón rất nhiều đoàn khách tới tham quan. “Bao nhiêu bưởi cho trái lúc đó chỉ toàn đem ra đãi khách hết, không bán trái nào. Vậy mà tôi rất vui vì nhiều người biết đến thương hiệu bưởi da xanh không hạt của mình” - ông Hoa nói.

Xuất ngoại dạy nghề trồng bưởi

Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn bưởi xanh tốt, ông Hoa nói: “Tôi thấy nhiều nhà vườn khác họ sử dụng các loại bao trái nylon bán ngoài thị trường. Theo tôi, nếu sử dụng các loại bao này để bao trái thì chỉ bảo vệ được trái bưởi không bị sâu bệnh tấn công nhưng vô tình sẽ làm cho trái bưởi bị vàng đi. Bưởi da xanh thành bưởi da vàng thì mất giá trị không chỉ về thẩm mỹ mà cả về chất lượng. Loại bưởi này vỏ phải xanh, bóng đẹp thì mới được thị trường ưa chuộng”.

Mày mò thử nghiệm, ông Hoa cho bao trái bằng loại lưới đen để bảo vệ trái bưởi. Kết quả là trái bưởi không bị sâu bệnh tấn công, lại giữ được màu xanh đúng như tên gọi của nó là bưởi da xanh.

Với những thành công liên tiếp liên quan đến bưởi da xanh, đầu năm 2014, ông Hoa được vinh dự mời đi dự hội thảo nông nghiệp ở Indonesia tư vấn về kỹ thuật trồng bưởi da xanh. “Tuổi gần 70, tôi mới có chuyến xuất ngoại đầu tiên trong đời. Ở hội thảo, nhìn tới nhìn lui tôi thấy mình thuộc hàng già nhất”- ông Hoa nói.

Và cũng trong chuyến đi này, ông Hoa còn được mời làm chuyên gia tư vấn cho nhiều kỹ sư, tiến sĩ tại một trường đại học quốc tế  của Indonesia. “Sau chuyến hội thảo về, tôi rất vui và phấn khởi vì được chia sẻ nhiều kinh nghiệm trồng bưởi của mình để bạn bè quốc tế biết đến. Tại đây, có rất nhiều câu hỏi về kỹ thuật canh tác cây bưởi da xanh. Họ hỏi nhiều lắm và tôi cũng nói rất nhiều, không giấu nghề chi hết. Tôi còn mong cho họ hỏi nhiều hơn nữa để được trao đổi về kỹ thuật và những sáng kiến mình được thế giới biết đến” – ông Hai Hoa chia sẻ.

Những sáng kiến kỹ thuật “điều chỉnh vị trí ra hoa, đậu trái trên cây bưởi da xanh theo ý muốn” và “chụp lưới lên chùm hoa cho bưởi da xanh đậu quả không hạt” của ông Hai Hoa đã từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của nhà nông toàn quốc, và sau đó được nhiều nông dân trong cả nước áp dụng rộng rãi. Cũng nhờ áp dụng những kỹ thuật mới vào trồng bưởi mà kinh tế gia đình ông Hoa phất lên từ nhiều năm nay. Hiện nay với 0,5ha bưởi da xanh ruột hồng, mỗi năm thu hoạch 5 - 6 tấn bưởi, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, trung bình mỗi năm ông Hai Hoa thu lợi 300- 400 triệu đồng.

Sau thành công với vườn trồng giống bưởi da xanh ruột hồng, ông Hoa còn mở rộng thêm 0,5ha để nhân bán cây giống. Mỗi năm ông xuất bán khoảng hơn 20.000 cây giống mang thương hiệu “Hai Hoa”. Với giá bán tại vườn 15.000 đồng/cây giống, ông Hai Hoa có thêm khoản thu khoảng 300 triệu đồng/năm. 

"  Tôi muốn những sáng tạo mang lại hiệu quả của tôi không chỉ để riêng mình hưởng độc quyền. Tôi muốn phổ biến rộng rãi để nhiều nông dân biết và cùng nhau làm giàu. Đó chính là lý do tại sao tôi từ chối đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ với những sáng tạo trên cây bưởi của mình”- Lão nông Hai Hoa.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh