CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:30

Bước tiến lớn của thể thao Việt Nam tại sân chơi Olympic

Thành tích tốt nhất trong lịch sử tham dự Olympic

“Tôi rất vui mừng và phấn khởi sau khi vận động viên Hoàng Xuân Vinh giành thêm một tấm HCB cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Bộ VH-TT&DL, tôi nhiệt liệt biểu dương thành tích đặc biệt xuất sắc mà vận động viên Hoàng Xuân Vinh đã đạt được. Với 1 HCV, 1 HCB, Hoàng Xuân Vinh đã đi vào lịch sử của Thể thao Việt Nam với tư cách là vận động viên đầu tiên giành HCV, xác lập kỷ lục Olympic và giành 2 huy chương trong một kỳ Thế vận hội. Tôi đánh giá cao thành tích mà vận động viên Hoàng Xuân Vinh đã đạt được. Thành tích này một lần nữa tạo động lực cho Thể thao Việt Nam nói chung và Đoàn Thể thao Việt Nam nói riêng trong việc hướng tới những đấu trường lớn” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ trong thư chúc mừng lần thứ 2 với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

VĐV Hoàng Xuân Vinh, niềm tự hào – tượng đài mới của Thể thao Việt Nam.

Mục tiêu cũng như cơ hội của Đoàn Việt Nam tại Olympic Rio 2016 - đấu trường thể thao lớn nhất hành tinh đương nhiên là huy chương, bất kể màu vàng, bạc, đồng. Cơ hội là có thật khi được đặt vào những cái tên, những nội dung cụ thể là: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng); Thạch Kim Tuấn, Vương Thị Huyền (cử tạ); Phan Thị Hà Thanh (Thể dục dụng cụ). Tất nhiên, để biến cơ hội này thành hiện thực thì điều quan trọng nhất là từng tuyển thủ phải vượt qua chính mình, và tất nhiên còn cần cả yếu tố may mắn. Đúng như nhận định, Thể thao Việt Nam đã biến giấc mơ thành hiện thực khi người hùng của thể thao Việt Nam Hoàng Xuân Vinh đã 2 lần khiến người dân cả nước vỡ òa vì vui sướng. Đặc biệt, điều mà tượng đài mới của thể thao Việt Nam làm được ở Olympic Rio còn vượt quá cả giấc mơ, vượt quá những kỳ vọng.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh chính là chủ nhân của cái điều không tưởng ấy khi mang về chức vô địch nội dung 10m súng ngắn hơi nam cùng kỷ lục Olympic mới. Chưa hết, xạ thủ sáng giá này còn có thêm ngôi Á quân cho nội dung thứ hai là 50m súng ngắn tự chọn. Thành tích cá nhân xuất sắc này đã giúp Thể thao Việt Nam mở ra một chương mới trong lịch sử tham dự các đấu trường quốc tế, mở ra những cơ hội tranh chấp cao hơn.

Hơn cả lượng lẫn chất

Còn nhớ, vào cuối năm ngoái, khi Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 3 chiếc vé đến Thế vận hội, ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao từng chia sẻ: “Chúng tôi không thể không bất an vì kế hoạch bằng văn bản đã viết rõ, thể thao Việt Nam sẽ có trên 15 VĐV ở 11 đến 13 môn giành suất chính thức dự Olympic. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó một số VĐV được đặt nhiều hi vọng và đã có thành tích ở đấu trường thế giới bị dính chấn thương. Nhưng chúng tôi sẽ không buông xuôi mà phấn đấu đến hết sức mình đang có”.

Đến thời điểm này, trên tư cách Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam dự Olympic, ông Trần Đức Phấn chắc chắn đã thở phào nhẹ nhõm bởi ngành thể thao đã vượt chỉ tiêu một cách ngoạn mục với các con số ấn tượng: 23 VĐV thuộc 10 môn thể thao giành vé. Trong đó có những trường hợp đáng được coi như kỳ tích đặc biệt như Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ), Nguyễn Lệ Dung, Nguyễn Thị Như Hoa (đấu kiếm)... và tượng đài thể thao mới Hoàng Xuân Vinh.Thế nhưng tại Olympic Rio 2016, vẫn còn đấy những dấu lặng và tiếc nuối khôn nguôi. Khi Vương Thị Huyền với cú run tay ở hạng 48kg nữ, là Thạch Kim Tuấn không thể chạm tới khả năng của chính mình khi chấn thương chưa hồi phục. Đó còn là một Phan Thị Hà Thanh "lặng lẽ" kết thúc phần thi đơn môn Thể dục dụng cụ và kể cả Ánh Viên, nữ kình ngư tài năng với đầy kỳ vọng.

VĐV Văn Ngọc Tú (hạng cân dưới 48 kg) là đại diện duy nhất của Judo Việt Nam tại Oympic Rio 2016.

Những lời xin lỗi được đưa ra nhanh chóng cùng không ít lý do khách quan lẫn chủ quan, nhưng đều khó chấp nhận bởi Olympic Rio có một quá trình chuẩn bị rất dài và tập trung những nguồn lực quan trọng nhất của cả ngành Thể dục thể thao.

Không quá dồi dào ngân sách nhưng ngành thể thao Việt Nam vẫn dành một quỹ tài chính nhất định để đưa các VĐV ra nước ngoài tập huấn. Ở môn bơi, Nguyễn  Thị Ánh Viên vẫn tập luyện miệt mài tại Mỹ, Hoàng Quý Phước tập huấn tại Hungari với điều kiện cơ sở vật chất cực tốt; hai VĐV môn vật Nguyễn Thị Lụa, Vũ Thị Hằng tập huấn tại Trung Quốc; hai xạ thủ bắn súng Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường tập tại Hàn Quốc; 2 VĐV thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh, Phạm Phước Hưng tập huấn tại Nhật Bản. Lực sĩ cử tạ Thạch Kim Tuấn cùng các đồng đội Trần Lê Quốc Toàn, Hoàng Tấn Tài tập huấn tại Mỹ (riêng nữ đô cử Vương Thị Huyền tập huấn tại Trung Quốc)...

Trong lịch sử những kỳ tham dự Olympic (tính từ năm 1980 đến nay), Việt Nam đã từng giành 1 HCB môn taekwondo tại Olympic London năm 2000 của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân, 1 HCB môn cử tạ tại Olympic Bắc Kinh năm 2008 của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn. Nhưng đến Olympic London năm 2012, Việt Nam đã không thể giành được huy chương do đối thủ quá mạnh cộng thêm những diễn biến khó lường nằm ngoài dự đoán ban đầu của những nhà hoạch định chiến lược. Tại Olympic Rio 2016, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đem về cho Thể thao Việt Nam 1 HCV, 1 HCB.

GIANG MINH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh