THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:51

Bất bình đẳng giới trong tuyển dụng lao động: Bức tường vô hình đối với phụ nữ

Hạn chế cơ hội việc làm và thăng tiến

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tại Việt Nam, nữ giới tham gia vào lực lượng lao động luôn ở mức cao, chiếm 73% tổng số phụ nữ (một trong những tỷ lệ cao nhất toàn cầu). Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn nữ giới vẫn gặp phải rào cản khi tham gia vào hoạt động kinh tế. So với nam giới, phụ nữ thường làm việc với thời gian nhiều hơn, nhưng lại nhận được mức thù lao thấp hơn trong cùng một công việc. Vì vậy, thực tế nhiều chủ sử dụng lao động tuyển lao động nữ, nhằm đạt mục đích góp phần làm giảm chi phí nhân công.

Thậm chí, ngay trong tuyển dụng cũng có sự phân biệt rõ về giới. Nghiên cứu có tựa đề “Bình đẳng giới trong thực tiễn tuyển dụng và thăng tiến tại Việt Nam” do ILO phối hợp cùng Công ty Navigos Search thực hiện mới đây đã chỉ ra: 1/5 trong số 12.300 quảng cáo tuyển dụng được khảo sát trên 4 cổng thông tin việc làm lớn nhất Việt Nam (Vietnamworks, JobStreet, Ca-reerBuider, Career Link) có yêu cầu về giới. Trong đó, 70% tuyển nam và chỉ có 30% mong muốn người nộp hồ sơ là ứng viên nữ.

Lao động nữ có ít cơ hội việc làm, thăng tiến do phân biệt giới trong tuyển dụng.

Cũng trong khuôn khổ nghiên cứu, một cuộc khảo sát với các chủ lao động khu vực tư nhân cho thấy, ngoài trình độ học vấn và kinh nghiệm làm việc thì 2 yếu tố quan trọng nhất khi đưa ra các quyết định tuyển dụng của các doanh nghiệp đó là: 2/3 chủ lao động hỏi các câu hỏi về khả năng làm việc ngoài giờ, 43% tìm hiểu về tình trạng hôn nhân và 30% quan tâm đến kế hoạch sinh con. Trong đó, tỷ lệ nữ nhận được các câu hỏi về kế hoạch con cái và trách nhiệm gia đình cao hơn nhiều so với nam. Điều đáng nói hơn, nữ giới còn đối mặt với nhiều thách thức hơn khi bước vào giai đoạn làm mẹ của đời người. Theo nghiên cứu của trang tuyển dụng trực tuyến Châu Á - Thái Bình Dương (JobStreet.com) cũng chỉ rằng có đến 66% các bà mẹ trẻ quyết định hy sinh và thay đổi định hướng nghề nghiệp khi có con, đặc biệt 37% lao động nữ có xu hướng tìm những công việc linh động thời gian dù cơ hội thăng tiến không bằng công việc trước kia. Tuy nhiên, chỉ có 19% trong số họ được hưởng chế độ giờ làm việc linh hoạt từ nhà tuyển dụng. Hơn thế nữa, 16% trên 735 lao động nữ trên JobStreet.com còn phải đối mặt với giảm thu nhập sau sinh, khiến mức lương là yếu tố thứ 2 mà họ cân nhắc khi chuyển hướng sự nghiệp sau khi sinh con.

Chính bởi đức tính hy sinh vì gia đình của người phụ nữ, nhiều nhà tuyển dụng cũng khá cân nhắc trong vấn đề sử dụng lao động nữ, đặc biệt là những người đang có con nhỏ. Phần lớn các công ty đều không có chế độ giờ làm việc linh hoạt hay những chương trình hỗ trợ lao động nữ sau sinh khiến 19.22% phụ nữ cảm thấy không được thông cảm những khó khăn của việc nuôi con nhỏ khi quay trở lại làm việc.

Nam giới vẫn nắm các vị trí lãnh đạo

Thông qua việc công khai yêu cầu về giới khi đăng tuyển việc làm, việc tiếp cận của phụ nữ và ngay cả nam giới đối với một số loại hình công việc nhất định bị hạn chế, do đó họ bị tước đi những cơ hội quan trọng trong thị trường lao động. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành của Navigos Search, nhận định: “Đa số các ngành nghề mà nam giới được ưu tiên tuyển dụng thường có kỹ năng cao hơn và thu nhập tốt hơn so với hầu hết các công việc dành cho phụ nữ”.

Sự tập trung về giới trên các nấc thang sự nghiệp trong cùng một nghề nhất định cũng được thể hiện qua các quảng cáo tuyển dụng cho các vị trí quản lý. Có tới 83% các thông báo tuyển dụng vị trí quản lý có yếu tố giới yêu cầu ứng viên nam. Trong đó, toàn bộ các vị trí giám đốc chỉ dành cho nam giới.

Phụ nữ thường tập trung vào những ngành nghề công nghiệp nhẹ (đặc biệt là dệt may), kế toán, nhân viên văn phòng, hành chính và nhân sự. Còn nam giới lại chiếm ưu thế trong công việc mang tính chuyên sâu, đòi hỏi kỹ năng cao hơn hoặc yêu cầu di chuyển nhiều như kiến trúc sư, lái xe, kỹ sư, công nghệ thông tin. Những lĩnh vực có ít đại diện của phụ nữ là quản lý hành chính và các lĩnh vực khoa học. Thậm chí cả ở những nghề nơi mà phụ nữ chiếm số đông như công nghiệp dệt may hay giảng dạy, nam giới vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong các vị trí lãnh đạo so với nữ.Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng bất bình đẳng giới trong môi trường làm việc ở Việt Nam là do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại. Dù nước ta đã có chính sách nhằm bảo vệ và đảm bảo công bằng giữa lao động nam và nữ về cơ hội nghề nghiệp cũng như hưởng chế độ lao động, nhưng nhiều DN, nhất là tư nhân lại không thực hiện nghiêm.

Xoá bỏ bất bình đẳng, nâng cao vị thế phụ nữ trong xã hội cũng chính là vấn đề phát triển bền vững của quốc gia. Do đó, công tác giới thiệu việc làm tốt cho lao động nữ là vấn đề cấp bách trong xã hội, có ảnh hưởng không chỉ đối với xã hội hiện tại mà còn đối với những thế hệ sau. Việt Nam ngày càng  hội nhập sâu và rộng vào nền kinh tế thế giới thì sự phân biệt nói trên sẽ có những tác động xấu tới sự phát triển của các doanh nghiệp. Thậm chí làm khó cho Việt Nam khi thực hiện Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

CHÂU ANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh