THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:13

Bức cung, nhục hình chủ yếu xảy ra trong giai đoạn điều tra

Theo tờ trình của Chính phủ, hiện tại cả nước có toàn quốc có 83 trại tạm giam, 734 nhà tạm giữ, từ năm 1998 đến hết năm 2014, đã tiếp nhận và quản lý giam giữ 2.039.012 lượt người.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Nguyễn Văn Hiện

Tạm giữ, tạm giam là các biện pháp ngăn chặn có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tự do, dân chủ của cá nhân và hiện nay công tác quản lý giam, giữ mới chỉ được điều chỉnh bởi các nghị định của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành.

“Trong khi Hiến năm 2013 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Bởi vậy việc xây dựng, ban hành Luật tạm giữ, tạm giam trong tình hình hiện nay là cần thiết”, tờ trình Chính phủ nêu rõ.

Tờ trình Chính phủ cũng cho biết: Quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam là một nội dung quan trọng của dự thảo luật, song vẫn còn ý kiến khác nhau.

Bên cạnh ý kiến cho rằng chỉ nên tập trung quy định nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam thì ý kiến khác đề nghị cần quy định cả quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phải xác định rõ là trong quá trình bị tạm giữ, tạm giam thì người bị tạm giữ, người bị tạm giam bị hạn chế những quyền gì, được thực hiện những quyền gì.

Thẩm tra dự án Luật trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, Nguyễn Văn Hiện cho biết: Theo quy định của Hiến pháp và pháp luật thì địa vị pháp lý của người bị tạm giữ, người bị tạm giam có sự khác biệt với địa vị pháp lý của người đang chấp hành án phạt tù.

“Do đó, việc thực hiện chung một chế độ về ăn, ở, mặc, sinh hoạt, chữa bệnh của người bị tạm giữ, tạm giam giống như người đang chấp hành án phạt tù là không phù hợp”, ông Hiện nói.

Quan điểm của cơ quan thẩm tra là cần thiết phải quy định cụ thể về chế độ của đối tượng này ngay trong dự án Luật, bảo đảm quyền con người, quyền công dân đã được Hiến pháp quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng phản ánh một số ý kiến cho rằng, dự án luật quy định biện pháp kỷ luật cùm chân đối với người vi phạm nội quy của cơ sở giam, giữ là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, vì người tạm giữ, tạm giam chưa bị coi là người có tội.

5 công an dùng bức cung, nhục hình bị xét xử tại Tuy Hòa, Phú Yên

Theo những ý kiến này, trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam vi phạm nội quy của cơ sở giam giữ như gây rối, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác thì áp dụng biện pháp kỷ luật khác, như cách ly ở buồng giam kỷ luật, không cho tiếp xúc với những người bị tạm giữ, tạm giam khác ...

Đề cập tình trạng bức cung, nhục hình gây bức xúc dư luận thời gian qua, cơ quan thẩm tra nhận định, việc này chủ yếu xảy ra trong quá trình điều tra, nhất là giai đoạn tiền khởi tố đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Mặc dù việc bức cung, dùng nhục hình không phải do người quản lý tạm giữ, tạm giam gây ra, nhưng các vụ việc đó lại xảy ra trong nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ nghiên cứu quy định ngay trong dự án luật về việc thiết kế hệ thống các phòng hỏi cung, các hình thức giám sát, kiểm tra, kiểm sát việc hỏi cung, quyền giám sát việc hỏi cung của người quản lý tạm giữ, tạm giam, việc trích xuất bị can, bị cáo, người bị tạm giữ để lấy lời khai.... để bảo đảm căn cứ pháp lý cụ thể cho việc tổ chức thực hiện. Nhất là trong việc xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền trong tạm giữ, tạm giam.

Hà Huy Linh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh