THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:48

Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6: Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn

Sáng ngày 1/12, hơn 100 đại biểu thuộc các cơ quan, ban ngành bao gồm Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ LĐ-TB&XH, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam… trong đó đa phần là nam giới đã cùng nhau thảo luận những giải pháp nhằm cải thiện cơ chế phối hợp liên ngành trong ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ di cư.

Đây là hoạt động của sự kiện truyền thông "Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6 – Chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức.

Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6: Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn - Ảnh 1.

Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6.

Sự kiện nhằm thúc đẩy sự hợp tác của các cá nhân và các bộ, ban, ngành trong việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm giảm thiểu những thiệt hại do bạo lực gây ra, bởi điều này không chỉ ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em, mà còn gây tổn thất lớn cho nam giới, và đặc biệt là đến nền kinh tế quốc gia và an sinh xã hội.

Khai mạc sự kiện, ông Chang-Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam khẳng định: "Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy không chỉ phụ nữ lao động di cư mà tất cả xã hội sẽ được hưởng lợi từ việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ. Không còn sợ hãi và lo lắng vì nguy cơ bị bạo lực và lạm dụng, phụ nữ lao động di cư có thể làm việc năng suất, hiệu quả hơn và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế của gia đình, xã hội."

Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6: Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn - Ảnh 2.

Tọa đàm thảo luận tại sự kiện.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), tính đến năm 2017 có khoảng hơn 520.000 người Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia/lãnh tổ trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2016, Việt Nam đã có 126.296 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó 37% là lao động nữ. Số liệu trong 10 năm qua của Ngôi nhà Bình yên (NBY) khi cung cấp dịch vụ tham vấn cho 14.000 lượt người về các vấn đề liên quan đến quyền phụ nữ, phòng chống bạo lực giới cho thấy 24,5% vụ việc liên quan đến phòng chống mua bán người và di cư. Trong số 1.400 phụ nữ, trẻ em tạm lánh tại 3 Ngôi nhà Bình yên có 400 phụ nữ di cư quốc tế, trong đó 66,2% bị bóc lột tình dục, bị xâm hại tình dục; 13,46% phụ nữ bị mua bán vì mục đích lao động, đặc biệt, có tới 11,2% vừa bị bóc lột tình dục, vừa bị bóc lột sức lao động.

Bà Dương Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm phụ nữ và phát triển, đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành Ngôi nhà Bình yên cho biết ngoài rào cản ngôn ngữ, văn hóa, luật pháp, hành trình phụ nữ di cư lao động phải đối mặt với rất nhiều thách thức bao gồm: không có cơ hội tiếp cận các kênh chính thức đi làm việc ở nước ngoài, không có cơ hội được tìm hiểu các quyền của phụ nữ lao động di cư tại nước đến, vai trò của tổ chức hỗ trợ người lao động, thông tin, kỹ năng để có thể phòng ngừa, tự bảo vệ bản thân để phòng tránh mua bán người và bạo lực giới.

Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6: Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn - Ảnh 4.

Thể hiện cam kết về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Chia sẻ tại sự kiện, bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women Việt Nam cho biết: "Lao động nữ di cư đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của quốc gia nhập cư cũng như quốc gia xuất cư, nhưng nhiều người trong số họ vẫn phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Phụ nữ dễ bị tổn thương hơn nếu xảy ra bạo lực, lạm dụng và bóc lột trong toàn bộ chu trình di cư của họ. Phụ nữ di cư thường rất khó tiếp cận các hỗ trợ cần thiết do những rào cản về ngôn ngữ, tình trạng di cư hoặc bị kiểm soát. Để giải quyết những thực trạng, mỗi ngành cần nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong ứng phó với các hình thức bạo lực phụ nữ, trẻ em và mua bán người".

Tại sự kiện, đại diện các cơ quan ban ngành chủ chốt tham gia tọa đàm thảo luận về vai trò của từng cơ quan trong phối hợp tiếp nhận, giải quyết và bảo vệ quyền của các phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm lao động nữ di cư; cũng như lắng nghe câu chuyện có thật về hành trình đầy khó khăn của một phụ nữ di cư ra nước ngoài lao động, đã trở về và được Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ.

Bữa sáng Ruy Băng Trắng lần thứ 6: Chấm dứt Bạo lực với Phụ nữ và trẻ em, di cư an toàn - Ảnh 5.

Bức tranh thông điệp xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Cuối sự kiện, các đại diện cùng ghép mảnh ghép tượng trưng, tạo nên bức tranh hoàn chỉnh với thông điệp của chương trình: Xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, bình đẳng và phát triển; Hiện thực hóa quyền và cơ hội của lao động nữ di cư; Xóa bỏ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Chiến dịch Ruy băng Trắng là phong trào toàn cầu với sự tham gia tiên phong của nam giới và trẻ em trai nhằm ngăn chặn bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Lá cờ trắng tượng trưng cho sự đầu hàng, được gấp lại thành nơ với ý nghĩa nam giới từ bỏ bạo lực với phụ nữ. Nam giới được khuyến khích đeo ruy băng trắng để thể hiện việc lên tiếng chống lại bạo lực với phụ nữ.


Chiến dịch Ruy băng Trắng hợp tác với nhiều tổ chức nhằm thúc đẩy vai trò tích cực của nam giới và cộng đồng nhằm chấm dứt hành vi bạo lực của nam giới đối với phụ nữ thông qua các chương trình giáo dục phòng ngừa ban đầu, tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bạo lực ở các trường học, khuyến khích các tổ chức tham gia các chứng chỉ Ruy băng Trắng ở nơi làm việc, tổ chức các chương trình tập huấn huy động nam giới tích cực, chiến dịch nâng cao nhận thức và vận động chính trị nhằm xóa bỏ bạo lực với phụ nữ.


Chiến dịch Ruy băng Trắng thường tập trung các hoạt động vào 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ bắt đầu từ ngày 25 tháng 11 và kết thúc vào ngày Nhân quyền ngày 10 tháng 12.

NGUYỄN SÍU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh