THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:44

Nam giới và bữa sáng Ruy băng trắng trong đại dịch Covid -19

Sự kiện được tổ chức bởi Sở Lao động -Thương binh và Xã hội TP. HCM phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 1, Sở Du lịch TP. HCM cùng với sự hỗ trợ từ Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC). Đây là hoạt động nhằm thúc đẩy sự tham gia của nam giới và cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức về phòng ngừa giảm thiểu các hành vi bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Tham dự sự kiện, các đại biểu đã có trao đổi, thảo luận mạnh mẽ; bộc bạch những tâm tư, tâm huyết nhiều giá trị nhằm đóng góp cho sự kiện hướng ứng:"Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới" và "Chiến dịch đoàn kết toàn cầu 16 ngày xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ".

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam, cho biết, trước khi đại dịch COVID 19 bùng phát, bạo lực với phụ nữ đã diễn ra phổ biến. Trên thế giới cứ 3 phụ nữ thì có 1 phụ nữ bị bạo lực. Tại Việt Nam, cứ 3 phụ nữ thì có 2 phụ nữ (tương đương 62.9% ) trải qua ít nhất một hình thức bạo lực lực thể xác, tình dục, bạo lực tâm lý, bạo lực kinh tế bởi chồng hoặc bạn tình của mình trong cuộc đời. Bạo lực với phụ nữ xuất phát từ những định kiến giới, thái độ hành vi vốn đã tồn tại lâu đời trong văn hóa và lối sống của chúng ta. Điều đáng buồn hơn là hầu hết các chị em bị bạo lực (90.4%) không tiếp cận các dịch vụ trợ giúp, chỉ một số ít các chị em (khoảng 4.8 %) là đi báo công an do không tin tưởng rằng các dịch vụ này có thể giúp đỡ cho mình.

Nam giới và bữa sáng Ruy băng trắn trong đại dịch Covid -19 - Ảnh 1.

Đại diện Câu lạc bộ nam giới phường 12, Quận 10 chia sẽ những nhận thức và cách làm hay trong công tác bình đẳng giới.

Cũng theo bà Elisa Fernandez, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng các yếu tố nguy cơ của bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Việc đóng cửa trường học và khó khăn kinh tế của cha mẹ, trẻ em phải ở nhà thường xuyên và học tập trực tuyến khiến cho các em có nguy cơ cao bị xâm hại và quấy rối tình dục bao gồm cả trên không gian mạng. Bạo lực với phụ nữ và trẻ em gây thiệt hại lớn cho cộng đồng, quốc gia và xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, an toàn và an ninh xã hội, làm giảm thành tích học tập, năng suất lao động của người dân. Theo nghiên cứu mới nhất, bạo lực gia đình làm giảm năng xuất lao động, ước tính mất khoảng 100,507 tỷ đồng hàng năm tương đương 1,8% GDP năm 2018.

"Nam giới là tác nhân quan trọng cho việc chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Các chiến dịch truyền thông cần tập trung vào các chuẩn mực về nam tính tích cực ví dụ chia sẻ việc nhà, chăm sóc con cái với phụ nữ và xây dựng các mối quan hệ tôn trọng, yêu thương, không bạo lực, hướng đến giải quyết gốc rễ của bạo lực là thay đổi các định kiến giới đã hằn sâu vào nhiều thế hệ" -bà Elisa Fernandez nhấn mạnh.

Tích cực, sôi nổi tham gia sự kiện, ông Phan Thanh Trương, Chủ nhiệm Câu lạc bộ nam giới phường 12 (Quận 10) đã chia sẻ một số bài học kinh nghiệm, đề xuất cải thiện các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em. Từ đó ông đã truyền đi thông điệp nhiều ý nghĩa gửi tới nam giới cần thay đổi nhận thức bằng việc thể hiện những hành động tích cực, cụ thể để đồng hành, bảo vệ, chia sẻ với phụ nữ và trẻ em gái trong môi trường cuộc sống hàng ngày, nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch Covid -19. Và những hoạt động như Bữa ăn sáng Ruy băng trắng là cách thức hiệu quả để gặp gỡ và lan tỏa những việc làm hay, đúc kết những tâm tư, nguyện vọng.

Trong khi đó, bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam đánh giá, sự kiện hôm nay là một cơ hội tốt để các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động thực tiễn, các tổ chức xã hội trao đổi quan điểm và chia sẻ những kinh nghiệm quan trọng đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Chúng tôi rất kỳ vọng, với sự quan tâm của Lãnh đạo TP. HCM và với những sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới trong những năm qua của thành phố sẽ đóng góp cho sự thành công Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển bền vững. UNODC sẵn sàng đồng hành cùng TP.HCM xây dựng các giải pháp, các sáng kiến giải quyết bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.

Thông tin từ Sở LĐTB&XH TP. HCM thì trên thế giới, cứ ba phụ nữ thì có một người là nạn nhân của bạo lực giới. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu quốc gia về bạo lực phụ nữ do Tổng cục thống kê công bố năm 2020 thì 63% phụ nữ đã từng kết hôn tại Việt Nam đã trải qua một dạng bạo lực trong đời. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tỷ lệ phụ nữ và trẻ em trên toàn thế giới bị bạo lực gia tăng từ 30% đến 300%.

XT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh