Lọc dầu Dung Quất nộp ngân sách 4.600 tỉ đồng
- Huyệt vị
- 04:18 - 28/07/2017
Ngày 5/6/2017, NMLD Dung Quất chính thức bắt đầu dừng vận hành để triển khai BDTT lần 3 theo kế hoạch. Gần 2 tháng qua, hơn 4.000 nhân sự của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) cùng các nhà thầu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã làm việc suốt ngày đêm trên công trường để thực hiện công tác BDTT lần 3 NMLD Dung Quất.
Đợt BDTT lần 3 chia thành 7 gói thầu chính với khối lượng công việc khổng lồ hơn 7.500 đầu mục công việc, trong đó khoảng 2.150 hạng mục thiết bị tĩnh; 3.475 thiết bị tự động hoá; 303 thiết bị điện và 56 thiết bị quay,…. Theo kế hoạch, BSR có 52 ngày để thực hiện công tác bảo dưỡng NMLD Dung Quất, trong đó, có 38 ngày là tập trung để bảo dưỡng còn lại là thời gian dừng máy, khởi động, vận hành chạy lại nhà máy.
Một góc công trường bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất. ảnh: Đức Chính
Ông Lê Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng Ban Bảo dưỡng Sửa chữa cho biết, Ngày 25/7/2017, BSR đã chính thức hoàn thành đợt BDTT lần 3 khi khởi động lại thành công Phân xưởng RFCC (Phân xưởng quan trọng nhất và hoàn thành bảo dưỡng cuối cùng) và vận hành đạt 100% công suất thiết kế, vượt tiến độ hơn 01 ngày so với kế hoạch đề ra (tương đương kế hoạch chế biến dầu thô thêm 10 ngày).
Các nhà thầu tham gia BDTT lần 3 đều có năng lực và nhiều kinh nghiệm, có tiến độ đề xuất và chi phí hợp lý. Ba nhà thầu nước ngoài trúng thầu đến từ Singapore, Malaysia và Hàn Quốc đều là nhà thầu có kinh nghiệm bảo dưỡng các nhà máy lọc dầu trên thế giới và đã tham gia thực hiện bảo dưỡng NMLD Dung Quất các lần trước đó.
Tham gia công tác BDTT lần này ngoài lực lượng nhân sự của các nhà thầu, còn có sự đóng góp tích cực của trên 1.200 kỹ sư, công nhân của BSR. Khác với các đợt BDTT trước khi lập kế hoạch, phương án và các giải pháp kỹ thuật phần lớn nhờ chuyên gia nước ngoài, thì lần này do chính các nhân sự của BSR quyết định. Bên cạnh đó, BSR đã tự thực hiện nhiều hạng mục công việc quan trọng, phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và trình độ chuyên môn cao như bảo dưỡng thiết bị quay, thiết bị điện, tự động hóa và các hệ thống điều khiển DCS… Tất cả quy trình bảo dưỡng, sửa chữa được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo Nhà máy hoạt động an toàn, liên tục, ổn định, hiệu quả sau khi vận hành trở lại.
Trước đó, ngày 11/7/2017 Phân xưởng chưng cất dầu thô (CDU) một trong những phân xưởng công nghệ đầu tiên đã hoàn thành bảo dưỡng và khởi động vận hành trở lại, tất cả các phân xưởng công nghệ khác như NHT, CCR, ISOM, các phân xưởng phụ trợ và các hạng mục ngoại vi cũng đã hoàn thành bảo dưỡng (về đích sớm so với kế hoạch từ 15 - 20 ngày) và vận hành ổn định, sản phẩm sản xuất ra đều đạt các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Nhà máy vận hành sớm đã duy trì tổng lượng dầu thô chế biến trong giai đoạn này khoảng 1,34 triệu thùng dầu, cung cấp gần 130.000 tấn sản phẩm các loại, đảm bảo cung ứng nguồn hàng xăng dầu cho thị trường trong nước được liên tục, ổn định trong thời gian BDTT lần 3 và cam kết đối với các khách hàng, mang lại lợi nhuận cho BSR khoảng 295 tỷ đồng.
NMLD Dung Quất đã vận hành trở lại sau BDTT và đạt 100% công suất thiết kế. ảnh: Đức Chính
Ngoài ra, BSR còn đạt được các mục tiêu về an toàn với hơn 1,76 triệu giờ công an toàn trong BDTT lần 3, nâng số giờ công an toàn tích lũy của Công ty đến nay hơn 13,1 triệu giờ, cũng như vượt chỉ tiêu về giảm chi phí (chiếm 96% tổng chi phí đã được phê duyệt, mặc dù khối lượng công việc bổ sung tăng khá nhiều). Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được các kỹ sư của BSR triển khai áp dụng nhằm rút ngắn tiến độ và giảm chi phí. Qua đợt bảo dưỡng này, NMLD Dung Quất sẽ nâng cao được độ an toàn và tin cậy của các thiết bị, vận hành ổn định ở mức trên 110% công suất và kéo dài thời gian hoạt động sau bảo dưỡng lần này là tăng từ 3 năm lên 4 năm.
Thành công của BDTT lần 3 đã giúp NMLD Dung Quất vận hành và cho ra sản phẩm sớm hơn 10 ngày so với kế hoạch, góp phần tăng thêm doanh thu cho BSR hơn 1.507 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 303 tỷ đồng và mang lại thêm gần 300 tỷ đồng lợi nhuận. Đồng thời cùng với các chỉ tiêu kết quả SXKD rất tốt trong 6 tháng đầu năm 2017, BSR đã nộp ngân sách nhà nước 4.600 tỉ đồng (vượt 1.000 tỷ đồng so với kế hoạch) và tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 11,5% là rất cao trong ngành lọc hóa dầu, góp phần thành công mục tiêu cổ phần hóa chào bán IPO sắp tới của BSR trong năm 2017, tạo tiền đề nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững lâu dài trong tương lai.