BSR đạt mốc 30 triệu giờ công an toàn, dấu mốc mới của ngành Dầu khí
- Huyệt vị
- 23:20 - 11/03/2021
Hành trình của kỷ lục
Để có được kỳ tích trong công tác An toàn Sức khỏe Môi trường (ATSKMT) như trên là sự cam kết cao nhất của cấp lãnh đạo BSR cho công tác đảm bảo an toàn; là sự nỗ lực không ngừng, sự đoàn kết và trên hết là tinh thần làm việc sáng tạo, ý thức tuân thủ các quy định, quy trình, hướng dẫn an toàn của mỗi người lao động BSR và nhà thầu khi làm việc tại Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất.
Với đặc thù vận chuyển, chế biến, tồn chứa các sản phẩm xăng dầu trong điều kiện nhiệt độ/áp suất cao và nhiều hoạt động bảo dưỡng sửa chữa máy móc thiết bị trong điều kiện khắc nghiệt như: làm việc trong không gian hạn chế, làm việc trên cao, làm việc với thiết bị nâng hạ, làm việc trên mặt nước … nên NMLD Dung Quất luôn tiềm ẩn các nguy cơ xảy ra sự cố cháy nổ và tai nạn lao động. Đặc biệt thực hiện các hoạt động vận hành, bảo dưỡng sửa chữa trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Nhận thức rõ điều đó, Công ty BSR đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, chương trình nhằm kiểm soát an toàn trong suốt thời gian qua mà trọng tâm là Xây dựng và cải tiến văn hóa an toàn dựa trên văn hóa nền tảng "7 thói quen hiệu quả" với nhiều chương trình, hoạt động được triển khai trong Công ty và lan tỏa đến các Nhà thầu.
Từ những ngày đầu đưa Nhà máy vào vận hành, Công ty BSR đã ưu tiên xây dựng hệ thống quản lý an toàn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và được DNV đánh giá chứng nhận đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn OSHAS 18001:2007 và ISO 14001:2005 vào ngày 08/3/2011. Hệ thống quản lý an toàn BSR được cải tiến liên tục qua từng năm và được đơn vị BSI đánh giá tái chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn ISO 45001:2018, ISO 14001:2015 vào ngày 19/02/2020, với 115 quy trình, hướng dẫn chuyên môn về an toàn, sức khỏe, môi trường, PCCC. Ngoài ra, hệ thống quản lý ATSKMT của BSR còn được đánh giá bởi các đơn vị thứ 3 như PSRG (USA); Dupont Sustainable Solution để tìm cơ hội cải tiến liên tục.
Sau khi hoàn thiện và cải tiến quy trình, BSR tập trung vào công tác đào tạo, huấn luyện cho người lao động bằng hình thức trực tuyến E-Learning và E-test cho nhân sự BSR và Nhà thầu. Tính riêng năm 2020, Công ty BSR đã tổ chức 43 khóa đào tạo ATSKMT cho 6.626 lượt CBNV Công ty với 30.609 giờ công, trung bình mỗi CBCNV đạt 20 giờ công/người/năm. Ngoài ra, Công ty tiến hành đào tạo cho 11.700 lượt Nhà thầu với 23.400 giờ công đào tạo.
Công tác giám sát an toàn đã phát hiện và khắc phục kịp thời các hành vi và điều kiện không an toàn tránh xảy ra những sự cố lớn hơn. Ngoài việc giám sát tại công trường, công tác phòng ngừa tai nạn, sự cố xảy ra cũng luôn được chú trọng. 100% thiết bị, dụng cụ trước khi mang vào Nhà máy đều được kiểm tra điều kiện an toàn, trong đó giai đoạn BDTT, đã kiểm tra hơn 17.000 thiết bị, dụng cụ. Tất cả các sự cố, cận sự cố đều được báo cáo, phân tích nguyên nhân gốc rễ nhằm tránh sự cố lặp lại.
Nhằm sẵn sàng ứng phó với tình huống khẩn cấp xảy ra, BSR đã xây dựng 125 kịch bản ứng phó sự cố và cứu nạn cứu hộ và định kỳ thực tập. Năm 2020, BSR đã tổ chức 75 đợt thực tập Phòng cháy chữa cháy, tràn dầu và tràn đổ hóa chất; 100% các thiết bị/hệ thống quan trọng được kiểm tra phát hiện và những hỏng hóc được đề xuất khắc phục kịp thời; lực lượng chữa cháy chuyên ngành được đào tạo/tập luyện kỹ năng PCCC&CNCH. Với các biện pháp như trên và thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ" BSR vận hành an toàn ổn định trong mùa mưa bão và đã giảm thiểu đến mức thấp nhất do thiên tai gây ra, đặc biệt cơn bão số 9 năm 2020 đã đổ bộ vào Quảng Ngãi mà tâm bão là Nhà máy lọc dầu với cấp gió 12.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý an ninh, an toàn cũng được chú trọng như: nâng cấp chức năng quản lý tai nạn sự cố; quản lý thiết bị PCCC, thiết bị an toàn; triển khai việc xử lý các khuyến nghị về an toàn từ các đoàn kiểm tra; quản lý tình trạng kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị … trên phầm mềm CMMS ngoài các hệ thống hiện có như CPMS cho đăng ký ra vào Nhà máy, học và thi thông qua hệ thống E-Test/Elearning.
Nhằm động viên kịp thời và trao đổi trực tiếp người lao động tại nơi làm việc, Công ty cũng thành lập các đoàn kiểm tra hàng tuần, hàng tháng công tác đảm bảo ATSKMT với sự chủ động tham gia của các cấp quản lý từ cấp Tổ trưởng đến các lãnh đạo Công ty nhằm thể hiện sự cam kết và ưu tiên cao nhất đối với công tác đảm bảo Nhà máy được vận hành an toàn và ổn định.
Chống dịch Covid-19 hiệu quả
Có thể nói quá trình BSR tích lũy giờ công an toàn là một hành trình gian nan, nhưng có lẽ năm 2020 là năm khó khăn nhất đối với Công ty, vừa phải đảm bảo vận hành an toàn Nhà máy vừa thực hiện công tác BDTT lần thứ 4 trong điều kiện dịch bệnh bùng phát hai lần ở Việt Nam. Nhờ những nỗ lực vượt bậc, BSR đã vượt qua những khó khăn trên và về đích một cách xuất sắc khi đạt được 5 Không: Không trường hợp nào bị nhiễm Covid-19, Không có tai nạn lao động mất ngày công; Không sự có cháy nổ; Không sự cố môi trường và Không sự cố an ninh.
Vào ngày 23/1/2020, Việt Nam đã phát hiện đợt dịch bệnh đầu tiên rơi đúng vào thời điểm Nhà máy đang thực hiện công tác chuẩn bị cho BDTT lần thứ 4, và tiếp theo ngày 24/7/2020 bùng phát đợt dịch lần 2 đúng vào thời điểm Nhà máy chuẩn bị những khâu cuối cùng, huy động những chuyên gia cuối cùng cho việc BDTT.
Ông Nguyễn Quang Hưng – Trưởng ban ATMT BSR cho biết: Trước tình hình khó khăn trên, với quyết tâm cao là phải đảm bảo vận hành Nhà máy liên tục an toàn đồng thời thực hiện thành công BDTT, Lãnh đạo Công ty BSR đã đưa ra các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng chống Covid trong đó tập trung vào mô hình 5M: Thành lập ban chỉ đạo/chỉ huy; tuyên truyền cho người lao động; Thiết lập/cải tiến Quy trình và Phương pháp phòng chống Covid - 19; Cung cấp đầy đủ vật tư y tế cho người lao động; Giám sát/đo lường kết quả thực hiện.
Ngoài các biện pháp cơ bản như khai báo y tế, đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo nhiệt độ, BSR đã áp dụng các giải pháp mới như: nhân sự Nhà thầu được chia thành các nhóm nhỏ với tối đa 30 người/nhóm do một người đầu mối kiểm soát tình trạng sức khỏe và tổ chức phổ biến an toàn, không tập trung toàn bộ nhân sự như trước đây. BSR mở thêm nhiều cổng an ninh ra vào Nhà máy, trên mỗi cổng bố trí nhiều làn; bố trí lệch thời gian ra/vào Nhà máy; mỗi một Nhà thầu được bố trí tuyến đường riêng trong Nhà máy; bố trí nhiều lán trại phân tán ở các khu vực khác nhau trong Nhà máy; những khu vực/gói thầu quan trọng được cách ly với các khu vực khác nhằm hạn chế tiếp xúc.
Bằng việc thực hiện quyết liệt các giải pháp như trên cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, Công ty BSR đã tổ chức đưa 255 chuyên gia nước ngoài và kiểm soát gần 4.000 lao động các đơn vị Nhà thầu trong nước đến NMLD Dung Quất cùng với 1.500 CBCNV BSR tham gia thực hiện công tác BDTT an toàn và trở về nhà một cách an toàn. Chính những ngày công lao động an toàn của hàng nghìn chuyên gia nước ngoài và người lao động nhà thầu đã góp phần tạo nên kỳ tích 30 triệu giờ công an toàn.
Nhiệm vụ trọng tâm của BSR trong năm 2021, Công ty BSR tiếp tục đặt ra mục tiêu đạt mốc 32.5 triệu giờ công an toàn không có tai nạn mất ngày công lao động trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp và tiếp tục cải tiến văn hóa an toàn để hướng tới "Tôi chịu trách nhiệm an toàn cho Bản thân, đồng nghiệp và Nhà máy".