CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:31

Bỗng nghe vần thắng vút lên cao

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc Tết năm 1968.


Đón giao thừa nghe thơ Bác  

Nhà thơ Tố Hữu trong bài “Bác ơi!” đã viết: 

“Bác ơi! Tết đến giao thừa đó 

  Vẫn đón nghe thơ Bác mỗi lần 

  Ríu rít đàn em vui pháo nổ 

  Tưởng ngàn tay Bác vỗ sang xuân”

Sau năm 1969, mỗi khi giao thừa đến, người dân Việt Nam, dù có khát khao, mong đợi thì cũng không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết vào giờ phút linh thiêng  - Giao thừa. Nhưng mỗi vần thơ Người để lại vẫn chứa đựng biết bao tình thương, đó là lời động viên khích lệ, lời hiệu triệu mọi người đoàn kết xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

Từ bài thơ chúc Tết đầu tiên, năm 1942, đến bài cuối cùng năm 1969, Bác Hồ đã để lại cho chúng ta 22 bài thơ chúc Tết. Từ năm 1959 trở đi không năm nào Bác không có thơ chúc Tết. Mỗi bài lại có giá trị riêng, nét độc đáo và  mang phong cách Hồ Chí Minh, giản dị, thiết thực, hấp dẫn. Với cương vị là Chủ tịch nước, Bác viết thơ để chúc Tết đồng bào cả nước và cũng là gửi đến mọi người tình thương yêu vô hạn. Có thể nói thơ chúc Tết là một phần đặc biệt trong gia tài văn chương của Bác. Đó là món quà mà Bác dành tặng cho đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó chứa đựng tình cảm, những tổng kết, đánh giá công việc, những chiến lược, sách lược mới và cả sự động viên, cổ vũ toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng. Chỉ có 2 bài thơ năm 1964 và năm 1969 Bác viết theo thể thơ lục bát, còn lại tất cả các bài khác đều làm theo thể tự do hoặc thơ Đường luật.

Thơ chúc Tết của Bác tuy giản dị, cụ thể nhưng luôn có bố cục chặt chẽ, có quá khứ, hiện tại và cả những định hướng, chờ đợi của tương lai. Tất cả đều vì một mục tiêu đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập, tự do, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Vì là thơ xuân, thơ chúc Tết nên thơ Bác rất ngắn gọn, súc tích, ngôn từ và cách thể hiện đều dễ hiểu, dễ nhớ nhưng lại rất giàu vần điệu, chất thơ. Khai bút đầu xuân là truyền thống của người Việt Nam cũng như nhiều dân tộc khác ở châu Á. Người ta quan niệm những gì viết ra đầu năm mới có ý nghĩa và giá trị thiêng liêng cho cả năm. Với một lãnh tụ vĩ đại như Bác Hồ, người luôn có tầm nhìn, cách suy nghĩ sâu xa thì những vần thơ chúc Tết đầu năm lại càng có giá trị hơn. Nó cũng thể hiện tầm văn hóa lớn, nhân cách lớn của Bác Hồ kính yêu.

Vần thắng trong bài thơ xuân Mậu Thân 1968

Năm 1967 cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị họp và đưa ra một quyết định quan trọng: Mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân 1968, nhằm giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Bác Hồ trong một cuộc họp của Bộ Chính trị.

Theo lời kể của ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác, thì Người đã chuẩn bị thơ chúc Tết năm 1968 từ trước 3 tháng để đến ngày 31/12/1967, Bác ra Phủ Chủ tịch đọc và ghi âm. Bác gửi thư chúc mừng năm mới tới toàn thể cán bộ và đảng viên cả nước. Trong thư, Bác gửi lời chúc mừng đến các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhân dân toàn thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đã nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta; chúc kiều bào ta ở nước ngoài, năm mới cố gắng mới, tiến bộ mới! Riêng bài thơ thì do nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm:

- Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua 

Thắng trận tin vui khắp nước nhà 

Nam - Bắc thi đua đánh giặc Mỹ 

Tiến lên - toàn thắng ắt về ta!

Bài thơ được Bác làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt nhưng từ ngữ, vần, nhịp, cấu tứ lại rất nhẹ nhàng, tự nhiên. Câu đầu là sự tổng kết và khẳng định những thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Câu thứ hai nhằm thể hiện một cách cụ thể hơn, cũng là niềm vui mà cả đất nước đang chào đón - thắng trận. Thông thường trong một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, hai câu cuối là để thể hiện tâm trạng, suy nghĩ của nhà thơ. Ở bài thơ chúc Tết năm 1968 của Bác lại hoàn toàn khác lạ, đó không chỉ là lời nhắn nhủ mà là một mệnh lệnh – Tiến lên và niềm tin – sự khẳng định đanh thép: Toàn thắng ắt về ta!

Bác Hồ thăm đồng bào.

Thực hiện hiệu lệnh của Bác, cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã nổ ra khắp miền Nam, mà trọng điểm là 3 thành phố lớn: Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế. Tại Sài Gòn, quân ta đã đánh thẳng vào Dinh Độc lập, tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tổng tham mưu, Đài Phát thanh và rất nhiều mục tiêu chiến lược khác của địch. Theo ông Vũ Kỳ, khi nghe xong bài thơ trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Bác nói: “Giờ này miền Nam đang nổ súng”.

Bài thơ chỉ gồm 28 từ thì có đến hai từ thắng và đều được Bác sử dụng rất đắt, rất độc đáo. Nếu từ thắng thứ nhất là nói về việc đã qua, lý giải cho việc xuân này hơn hẳn xuân trước thì từ thắng thứ hai vừa là sự khẳng định vừa là niềm tin, sự khao khát cho ngày toàn thắng. Người ta bảo, Bác Hồ thường có những tiên đoán,  nhận định đúng về những sự việc trong tương lai, thì đây lại là một sự tiên tri đúng của Người. Những ngày đầu xuân 1968, trên khắp chiến trường miền Nam không lúc nào ngớt tiếng súng, mục tiêu lớn của chiến dịch đã đạt được, ta đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, phá vỡ một mảng lớn hệ thống chính quyền của chúng, làm giảm ý chí chiến tranh của những kẻ hiếu chiến trong giới lãnh đạo Mỹ.

Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Mỹ đã phải xuống thang, ngừng ném bom ở miền Bắc, sau đó ngồi vào bàn đàm phán tại Paris để giải quyết chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam. Đây cũng là tiền đề quan trọng cho thắng lợi hoàn toàn mùa Xuân năm 1975.

Tết Bính Thân 2016 này đã lã 47 cái Tết chúng ta không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết lúc giao thừa. Nhưng âm hưởng bài thơ xuân năm 1968 của Bác với hiệu lệnh "Tiến lên toàn thắng ắt vè ta" vẫn còn mãi trong tâm khảm mỗi chúng ta. Bác đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng tình cảm, tấm lòng của Người trong những bài thơ chúc Tết vẫn làm ấm lòng chúng ta mỗi dịp Tết đến, xuân về. Bác không còn nhưng những mong mỏi, lời chúc của Bác năm nào giờ đã thành hiện thực. Đọc thơ Bác trong những ngày xuân, nói như nhà thơ Tố Hữu là để chúng ta trong sáng hơn, gần Bác hơn. Đọc thơ Bác ngày xuân là để chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, đoàn kết xây dựng đất nước ta ngày một đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

NHẬT HẰNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh