THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:11

"Bóng ma" Covid-19 vẫn ám ảnh!

"Bóng ma" Covid-19 vẫn ám ảnh! - Ảnh 1.

"Bóng ma" Covid-19 vẫn ám ảnh! (Ảnh minh họa)

Hai ca nhiễm trong cộng đồng là những trường hợp vượt biên trái phép, từ Campuchia đi thuyền về Phú Quốc, rồi từ Phú Quốc xâm nhập vào đất liền. Tình hình dịch ở Campuchia đang diễn biến phức tạp, với rất nhiều ca nhiễm mới hằng ngày. Nếu không có các biện pháp chặt chẽ để quản lý biên giới thì nguy cơ dịch từ quốc gia láng giềng này sẽ "thẩm thấu" sang Việt Nam. Trước đây, một số chùm ca bệnh đã bắt nguồn từ những trường hợp vượt biên từ Campuchia bằng đường bộ. Sau đó, lực lượng biên phòng đã tăng cường các biện pháp quản lý biên giới trên đất liền, ngăn chặn hiệu quả các trường hợp nhập cảnh trái phép. Giờ, tình trạng "vượt biên" bằng đường thủy, đường biển xuất hiện khiến tình hình trở nên phức tạp hơn.

Vùng biển Tây Nam có nhiều khu vực đường biên giới trên biển giữa Việt Nam và Campuchia đan xen, đảo thuộc quyền kiểm soát của hai quốc gia chỉ cách nhau vài trăm mét nên việc xâm nhập biên giới bằng tàu thuyền nhỏ rất dễ dàng, nhanh chóng. Không chỉ vậy, việc người dân giữa hai nước có những mối quan hệ làm ăn, buôn bán thường ngày với nhau cũng tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.

Trường hợp giám đốc người Trung Quốc ngụ tại Bình Dương nghi nhiễm Covid-19 cũng có những manh mối liên quan đến nguồn bệnh từ Campuchia, khi người này trước đó đã đi đến khu vực biên giới ở tỉnh Tây Ninh để tiếp xúc với một người đến từ Campuchia.

Bên cạnh đó, hiện tượng một số bệnh nhân Covid-19 đã qua điều trị cho kết quả âm tính nhiều lần, sau đó bất ngờ dương tính trở lại cũng được nhìn nhận là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Trong một diễn biến khác, cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh vừa quyết định truy tố nam tiếp viên hàng không Dương Tấn Hậu (hãng Vietnam Airlines) về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo điểm C, Khoản 1, điều 240 Bộ luật Hình sự. Cáo trạng xác định tổng thiệt hại vật chất mà Hậu gây ra lên tới 4,4 tỷ đồng, ngoài ra còn có thiệt hại phi vật chất là ảnh hưởng đến cuộc sống của hơn 2.000 người trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh (gồm 861 người cách ly tại cơ sở cách ly tập trung và 1.400 người cách ly tại nơi cư trú).

Còn nhớ giờ này năm ngoái, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam hết sức căng thẳng, cả nước bước vào đợt giãn cách xã hội kéo dài hơn 1 tháng. Mặc dù thiệt hại về kinh tế rất lớn nhưng chính nhờ có biện pháp quyết liệt, dứt khoát của Chính phủ nên sau đó, dịch Covid-19 tại Việt Nam đã cơ bản được khống chế, đồng thời chúng ta cũng có được những bài học kinh nghiệm để đối phó hiệu quả với những đợt dịch bùng phát sau đó.

"Bóng ma" Covid-19 vẫn ám ảnh và tiếp tục là mối đe dọa cho cộng đồng. Điều đó buộc chúng ta không thể có một giây phút lơ là trong việc kiểm soát, quản lý xã hội; đồng thời cộng đồng cần tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch. Những thành quả của hơn 1 năm trời ròng rã chống dịch cần phải được bảo vệ, để cuộc sống của người dân luôn được bình yên...

KHÁNH NGUYỄN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh