Bốn danh tướng vĩ đại của dân tộc
- Văn hóa - Giải trí
- 17:29 - 12/02/2016
Từ trái qua phải tượng các danh nhân: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Huệ.
Người anh hùng dân tộc, danh tướng Lý thường Kiệt
Sinh ra ở Thăng Long (Hà Nội ngày nay), ông là danh tướng kiệt xuất thời nhà Lý, đã để lại cho đời những mốc son chói lọi về sự nghiệp quân sự cũng như những cải cách tiến bộ.
Trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước, ông để lại những trận đánh để đời, làm cho giặc xâm lăng bạt hồn kinh vía. Trận đánh cuối năm 1075, đầu năm 1076, trên đất nhà Tống là trận đánh rất độc đáo. Ông chủ động đánh phủ đầu làm tiêu hao sinh lực quân thù, tiêu hao hậu cần, san phẳng thành lũy…dập tắt ý đồ xâm lược nước ta của nhà Tống, làm nhụt nhuệ khí của bọn cầm quyền phương Bắc. Có được chiến thắng đó nhờ sự sáng suốt của ông là thông qua sự kết hợp giữa quân sự và dân vận làm cho nhân dân hai nước trên biên giới hiểu rõ chính nghĩa của ta là đánh giặc để giữ nước. Nhưng làm nên tên tuổi lẫy lừng của người anh hùng dân tộc vĩ đại chính là chiến thắng giặc Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) đầu năm 1077. Đây là một trong những trận đánh hay nhất trong nghệ thuật quân sự hào hùng chống ngoại xâm của cha ông ta. Cái hay ở chỗ ông vừa dụ vừa đánh. Trong đêm ông sai người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát đọc bài thơ “Sông núi nước Nam”, với hồn thơ đanh thép khẳng định chủ quyền quốc gia thiêng liêng “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”. (Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ chi giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời). Giặc nghe bài thơ trên hồn vía thất lạc giảm nhụt ý chí, và tự động buông vũ khí đầu hàng. Chúng ta chiến thắng mà không bị đổ máu của tướng sĩ, hao tiền của của dân. Bài thơ bất hủ này được xem là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam.Tên tuổi và sự nghiệp của danh tướng Lý Thường Kiệt chói sáng mãi trong lịch sử vinh quang của dân tộc. Để ghi nhớ công lao to lớn của ông nhân dân ta đã lập đền thờ ông ở nhiều nơi, với tấm lòng thành kính bậc tiên hiền đã có công lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Hình ảnh đại quân của Quang Trung tiến vào thành Thăng Long.
Danh tướng kiệt xuất Trần Hưng Đạo
Trần Hưng Đạo quê ở Nam Định, là danh tướng vĩ đại của nhà Trần.
Đế chế Nguyên Mông nổi tiếng hưng thịnh và hùng mạnh nhất thế giới, vó ngựa của chúng tung hoành khắp nơi, chinh phạt trời Á sang Âu. Không có nước nào địch nổi đội quân hùng mạnh, thiện chiến của Hốt Tất Liệt. Nhưng cả ba lần (1258, 1285 và 1287), chúng sang xâm lược nước ta là cả ba lần phải nhận đại bại nhục nhã dưới tài chỉ huy của các danh tướng nhà Trần, mà tiêu biểu là Trần Hưng Đạo lừng danh. Chiến thắng giặc Nguyên Mông là đỉnh cao về nghệ thuật quân sự ở nước ta mà chiến lược gia không ai khác đó chính là thiên tài quân sự Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn. Ông dùng kế sách “ vườn không nhà trống”, không để cho giặc lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, kéo dài chiến tranh không có lợi cho ta; xóa bỏ mọi hiềm khích, đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, khích lệ tướng sĩ bằng hùng văn bất hủ “Hịch tướng sĩ”. Đây là bản Tuyên ngôn thứ hai thể hiện hào khí chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tướng sĩ nghe lời hịch nấc lòng, thích vào tay hai chữ “Thát sát” (giết giặc Mông Nguyên). Ông xây dựng khối đại đoàn kết trên dưới một lòng, giết giặc giữ nước, trọng dụng nhân tài như Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật, Yết Kiêu, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản… để làm nên chiến thắng.
Lần đầu tiên trong chế độ phong kiến đã diễn ra “Hội nghị Diên Hồng” nổi tiếng. Ông đã khéo dựa vào sức dân để phát động nghệ thuật chiến tranh nhân dân hợp lực lại để đánh bại chế độ hùng mạnh nhất bấy giờ. Tố chất xuất chúng của ông là biết chọn lựa thời cơ để đánh giặc. Minh chứng hùng hồn là trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1287, ông đã dựa vào quy luật thiên nhiên để đánh thắng giặc, bằng cọc gỗ vát nhọn cắm xuống sông che lấp bằng thủy triều và nhử chúng vào sâu, vào thế trận của ta giăng sẵn rồi nhấn chìm tất cả kẻ thù xuống sông khi thủy triều xuống.
Bằng nghệ thuật quân sự độc đáo này ông đã ba lần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược nước ta - Cáo chung một chế độ khét tiếng, làm sụp đổ một triều đại Hốt Tất Liệt hùng mạnh, mở ra nền độc lập cường thịnh cho dân tộc Việt Nam. Tấm gương của ông là tài sản vô giá, là nguồn cổ vũ động viên to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam đời này sang đời khác. Nhân dân ta lập đền thờ ông ở nhiều nơi để tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Vương - Trần Quốc Tuấn và suy tôn ông là Đức Thánh Trần. Ngày nay ông trở thành vị Thánh thiêng liêng được thờ phụng trên mọi miền đất nước.
Trận chiến trên sông Bạch Đằng.
Người anh hùng áo vải, danh tướng kiệt xuất Nguyễn Huệ
Ông là một danh tướng vĩ đại - một vị vua anh minh của triều đại Tây Sơn. Nguyễn Huệ là bậc kỳ tài trong thiên hạ, tài năng phát lộ rất sớm, mới ngoài hai mươi tuổi ông đã có công lớn trong việc dẹp hai thế lực hùng mạnh trong nước, Chúa Trịnh Đàng Ngoài và Chúa Nguyễn Đàng Trong đã gây ra nội chiến triền miên, làm cho nước ta thời bấy giờ suy kiệt. Ông đã thực hiện sứ mệnh thống nhất đất nước mở ra triều đại Tây Sơn.
Ông là nhà quân sự thiên tài sử dụng chiến thuật nước xa cứu lửa gần, bằng những cuộc hành quân thần tốc, đánh đòn chớp nhoáng làm cho quân thù trở tay không kịp. Thiên tài quân sự chói sáng với trận thủy chiến lừng danh Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang) tháng 1/ 1785, chôn vùi 5 vạn quân Xiêm dưới sông sâu. Chiến thắng Kỷ Dậu (đầu năm 1789), đập tan 20 vạn quân Thanh. Đây là chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của vị tướng và cũng là vị vua Hoàng đế 37 tuổi.
Nguyễn Huệ là một trong những vị vua vĩ đại nhất trong các triều đại vua chúa phong kiến ở nước ta. Trên ngôi vị Hoàng đế ông đã thống nhất sơn hà mà còn mở mang bờ cõi, phát triển kinh tế, lưu hành tiền mới, chăm lo cuộc sống cho nhân dân… Trọng dụng nhân tài, bang giao với các nước. Nguyễn Huệ đột ngột băng hà khi còn quá trẻ, khi tài năng tiếp tục tỏa sáng. Cũng như sứ mệnh lịch sử nước nhà lúc đó đang cần ông. Một mất mát vô cùng to lớn! Người anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ là lãnh tụ nông dân kiệt xuất, là nhà quân sự, chính trị thiên tài, là anh hùng dân tộc vĩ đại trong thế kỷ XVIII. Ông có công lớn trong thống nhất đất nước sau 20 năm bị chia cắt.
Nhân ta đã dựng tượng đài và đền thờ ông khắp nơi trong cả nước. Tại huyện Tây Sơn (Bình Định) đã xây tượng đài và nhà thờ Hoàng đế Quang Trung có quy mô cấp Nhà nước.
Tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Danh tướng kiệt xuất Võ Nguyên Giáp
Ông quê ở Quảng Bình, là một nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự thiên tài, là danh tướng vĩ đại nhất của thế kỷ XX, là nhà văn hóa lớn của thời đại Hồ Chí Minh.
Võ Nguyên Giáp là Tư lệnh chiến trường đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, chấn động địa cầu, kết thúc gần 100 năm đô hộ của thực dân Pháp ở Đông Dương. Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ trên không 1972, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân về nước vô điều kiện. Đại thắng mùa xuân 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Cát ở Điện Biên Phủ.
Ông không những là danh tướng vĩ đại nhất của thế kỷ XX, mà còn vĩ đại nhất của mọi thời đại. Tài thao lược và tác chiến của ông toàn diện trên mọi bình diện địa hình đất liền, rừng núi, trên sông, trên không, biển đảo, trên đất bạn (Lào, Campuchia) đều thắng lợi rực rỡ. Ông là một vị tướng làm theo lời dạy của Bác hồ “Kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Đất nước ta luôn ghi nhớ công ơn của ông và nhân dân ta đã suy tôn ông là vị tướng của nhân dân. Hàng ngày từng đoàn người nối dài, với lòng thành kính viếng ông ở nơi an nghỉ, những di tích và địa danh lịch sử gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của ông.
Quang vinh thay những anh hùng dân tộc vĩ đại, những danh tướng kiệt xuất, tên tuổi của các ông mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Trong tương lai gần Nhà nước ta sẽ đề nghị UNESCO vinh danh những danh tướng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam anh hùng.