Bồi dưỡng nghiệp vụ về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đợt 2
- Bài thuốc hay
- 07:42 - 13/07/2022
Mục đích của lớp tập huấn là nhằm bồi dưỡng nghiệp vụ hỗ trợ các đơn vị, tổ chức thực hiện nhiệm vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nắm được các chính sách, quy định của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này cũng như thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường ngoài nước; kỹ năng xử lý các vấn đề phát sinh; đồng thời giải quyết một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện của công ty, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tham dự khai mạc lớp tập huấn có ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước; ông Lê Đức Quang, Phó hiệu trưởng trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động – xã hội; bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Giám đốc Cơ quan điều hành, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, cùng hơn hơn 100 học viên đến từ các doanh nghiệp XKLĐ.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh: Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài luôn được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể ở Trung ương và địa phương, cũng như của người dân, người lao động. Để góp phần hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Cục Quản lý lao động ngoài nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng phát triển thị trường lao động ngoài nước, cung cấp thông tin, hướng dẫn làm thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, mà còn phổ biến, hướng dẫn các nội dung về chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam và nước tiếp nhận lao động.
Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Luật số 69/2020/QH14 về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được Quốc hội khóa 14 thông qua tháng 10 năm 2020 và có hiệu lực từ đầu năm 2022, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật cũng được Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành và đã có hiệu lực. Để triển khai tốt và tuân thủ các quy định pháp luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thì công tác tuyên truyền, phổ biến giao dục pháp luật là việc đầu tiên và rất quan trọng, đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Liêm cho biết: Trong thực tế, nhiều lãnh đạo và cán bộ của doanh nghiệp chưa nắm chắc và hiểu rõ các quy định pháp luật, cũng như nghiệp vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đẫn đến tình trạng chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp. Do đó, lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ về lĩnh vực người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho lãnh đạo, nhân viên nghiệp vụ của doanh nghiệp là rất cần thiết và quan trọng, góp phần giúp doanh nghiệp thực hiện tốt hơn và tuân thủ, chấp hành đúng quy định của pháp luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo việc thực hiện hoạt động có trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động, với Nhà nước và cộng đồng xã hội, cũng như với chính bản thân doanh nghiệp.
Trong 02 ngày 12-13/7/2022 diễn ra lớp tập huấn, các học viên được lãnh đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước và các phòng chuyên môn của Cục, lãnh đạo Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trình bày và thảo luận về 10 chuyên đề liên quan đến các quy định pháp luật cũng như nghiệp vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, bao gồm: 1. Tổng quan về tình hình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; giới thiệu những nội dung mới trong Luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020/QH14); 2. Các quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 3. Thị trường Đài Loan, Âu, Mỹ: Chính sách pháp luật và nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài; giải quyết các vấn đề phát sinh tại thị trường ngoài nước; 4. Các quy định liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp trong hoạt động dịch vụ; 5. Thị trường Nhật Bản – Đông Nam Á: Chính sách pháp luật và nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài; giải quyết các vấn đề phát sinh tại thị trường ngoài nước; 6. Thị trường Hàn Quốc, Tây Á, Châu Phi: Chính sách pháp luật và nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài; giải quyết các vấn đề phát sinh tại thị trường ngoài nước; 7. Hướng dẫn thủ tục hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ và người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; 8. Nghiệp vụ tài chính trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 9. Bộ Quy tắc ứng xử (COC-VN) và tuyển dụng có đạo đức trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 10. Nội dung về giáo dục định hướng cho người lao động; Công tác gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ quan lao động địa phương; Cách thức xử lý khủng hoảng thông tin.