THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:38

Bộ Y tế thí điểm thành công hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Qua một năm triển khai Đề án thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại một số bệnh viện như Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng bước đầu có những kết quả đáng khích lệ, vừa thuận lợi cho công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân, vừa mang lại lợi ích về kinh tế y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: An Nhiên)

 

 

Hiện tại, hầu hết các bệnh viện vẫn đang thực hiện quản lý và lưu trữ các hồ sơ song song dưới dạng văn bản giấy và phim. Các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh được lưu trữ rời rạc, tách rời giữa phim và biên bản ghi nhận kết quả chẩn đoán, không đồng bộ nên dễ nhầm lẫn, thất lạc. Mặt khác, việc chuyển cho bệnh nhân phim để lưu trữ, với mục đích sử dụng để tham khảo cho lần khám chữa bệnh sau cũng không đạt được hiệu quả như mong muốn, thường các phim trong điều kiện không được bảo quản đúng tiêu chuẩn, chỉ tồn tại trong thời gian tương đối ngắn và thường bị trầy xước không thể đọc chính xác được nữa. Với phương pháp quản lý như hiện tại, chi phí cho việc in phim, lưu trữ phim phục vụ cho công tác chẩn đoán hình ảnh và hồ sơ bệnh án giấy là rất lớn.

Đứng trước thực tiễn đó, trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lãnh đạo Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4868/QĐ-BYT ngày 16/11/2015 phê duyệt Đề án triển khai thí điểm hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại một số bệnh viện với mục tiêu thí điểm ứng dụng hệ thống PACS trong quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh không sử dụng phim, trên cơ sở đó Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó các bệnh viện thực hiện sẽ ứng dụng hệ thống lưu trữ và xử lý và truyền hình ảnh y tế (PACS) để quản lý, xử lý hình ảnh, đọc kết quả và trả kết quả chẩn đoán hình ảnh như chụp X-Quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp CT-scanner và chụp mạch số hóa nền (DSA) không sử dụng phim. Việc ứng dụng cũng làm căn cứ để Bộ Y tế đánh giá chi phí hiệu quả của việc áp dụng PACS trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh không cần in phim để có thể áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Hiện tại, Bệnh viện Hữu nghị và Bệnh viện Quốc tế Hải Phòng là 2 bệnh viện đầu tiên thực hiện hiệu quả hệ thống PACS.

Ông Nguyễn Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng cho biết: việc ứng dụng hệ thống PACS góp phần thay đổi quy trình công việc, tiết kiệm thời gian, hiệu quả hội chẩn chuyên gia từ xa và góp phần bảo vệ môi trường. Trong một năm, Bệnh viện đã tiết kiệm 2,6 tỷ đồng.

Nhân viên y tế thực hiện lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) tại bệnh viện (Ảnh: An Nhiên)

Còn theo ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị, chẩn đoán hình ảnh chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí khám, chữa bệnh. Khi thực hiện Đề án, chi phí tiền phim XQ của Bệnh viện đã giảm 75% so với trước khi thực hiện Đề án. Nếu tính cả số tiền mua đĩa CD thì chi phí giảm 55% so với trước khi thực hiện Đề án. Tuy nhiên, để thực hiện PACS thành công đòi hỏi Bệnh viện phải đồng bộ hoá các trạm làm việc có tính năng xem hình ảnh, phải có server lưu trữ ảnh, máy chụp số hóa, thay đổi quy chế hoạt động khoa Chẩn đoán hình ảnh, Quy chế hoạt động của Bác sĩ và Kỹ thuật viên.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng việc áp dụng PACS vừa góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vừa giúp tiết kiệm chi phí. Ông Nguyễn Minh Thảo đề nghị Bộ Y tế và  các cơ sở khám, chữa bệnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cam kết tăng cường sự phối hợp với Bộ Y tế để mở rộng ra nhiều cơ sở áp dụng hệ thống này.

Dự kiến trong năm 2017,  Bộ Y tế sẽ triển khai trong các bệnh viện còn lại của Đề án và mở rộng ra một số bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Quận Thủ Đức…

ĐỖ THOA/Đảng cộng sản

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh