CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:17

Bộ Y tế: Không phải cứ uống bia là giải độc được rượu

 

Chiều ngày 11/1, bộ Y tế đã cung cấp thông tin chính thức cho báo chí về trường hợp ngộ độc rượu methanol tại Quảng Trị. Theo đó, Bộ khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu.

 

Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh chia sẻ cách xử trí khi bị ngộ độc Methanol.

 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh cho biết: “Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, thường có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi… tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol.

Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hoá, thể tích phân bố 0,7L/kg, không gắn với protein huyết tương. Phần lớn được chuyển hoá qua gan nhưng chậm. Bản thân chất mẹ methanol tác dụng giống ethanol (các biểu hiện kiểu “say rượu”), nhưng sau đó methanol chuyển hóa thành a xít formic, sau đó thành formate, gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác.

Khi trong rượu uống có cả ethanol và methanol thì chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn, bệnh nhân và thầy thuốc có thể chỉ chú ý đến ngộ độc kiểu ethanol lúc đầu và dễ bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự về sau của methanol. Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.

Tại Việt Nam, các trường hợp bị phát hiện ngộ độc với Methanol chủ yếu là do người bệnh sử dụng các loại rượu, bia (có chứa Methanol) không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường. Người bị ngộ độc sẽ có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, nôn mửa,... khi phát hiện người thân có những dấu hiệu trên cần đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, điều trị kịp thời.

Ông Khoa cũng cho biết: “Người dân đang hiểu nhầm việc sử dụng bia (có Ethanol) để điều trị bệnh nhân ngộ độc Methanol là biện pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, như bộ Y tế đã khẳng định, lọc máu cấp cứu là biện pháp quan trọng hàng đầu và quyết định việc đào thải Methanol ra ngoài cơ thể. Và cũng không có chuyện uống bia sẽ giúp chúng ta giải độc rượu (chống say rượu) như nhiều người đang đồn đại”.

Bộ Y tế khuyến cáo đến người dân:

1. Sử dụng rượu, bia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên hạn chế rượu bia.

2. Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia thì phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia gây ra, không phải cứ uống bia vào là giải độc được rượu; nếu đã ngộ độc Ethanol (có trong bia, rượu) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia) có Ethanol thì mức độ ngộ độc càng nghiêm trọng.

3. Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu, bia giả vì các loại rượu, bia này có thể chứa Methanol.

Trước đó, tại bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị trong 2 ngày 24 - 25/12/2018, Bệnh viện lần lượt tiếp cập 3 bệnh nhân là Lê Văn X., 64 tuổi; Nguyễn Văn N., 47 tuổi và Lê Văn T., 24 tuổi đều thường trú tại huyện Triệu phong, tỉnh Quảng Trị.

Được biết, cả 3 bệnh nhân này cùng dự liên hoan vào chiều ngày 23/12/2018 và cùng uống chung 1 loại rượu. Qua thăm khám, bệnh nhân Lê Văn X được chuẩn đoán choáng nhiễm độc từ đường tiêu hóa, nghi ngờ do ngộ độc Methanol, bệnh nhân Nguyễn Văn N và Lê Văn T được chuẩn đoán theo dõi ngộ độc Methanol.

Trường hợp Nguyễn Văn N. có hàm lượng Methanol trong máu là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc. Bệnh viện đã tiến hành xử lý theo phác đồ điều trị ngộ độc methanol của bộ Y tế, kiểm soát đường thở, hỗ trợ hô hấp, hỗ trợ tuần hoàn và lọc máu cấp cứu để thải độc Methanol.

Bện cạnh đó, các bác sĩ cũng đã sử dụng biện pháp hỗ trợ khác trong đó có truyền bia (có Ethanol) vào dạ dày qua ông thông. Sau 9 ngày điều trị, bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn và xuất viện vào ngày 2/1/2019.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh