Truyền bia cho bệnh nhân ngộ độc rượu chỉ là biện pháp hỗ trợ
- Y học 360
- 23:28 - 11/01/2019
15h ngày11/1, Bộ Y tế quyết định tổ chức họp báo để cung cấp thông tin chính thức về trường hợp điều trị ngộ độc rượu methanol bằng bia do các bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị thực hiện.
Nhận định về hành động của các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị, thạc sĩ Nguyễn Trung Nguyên (Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết: “Trong trường hợp bệnh nhân phải cấp cứu, các bác sĩ luôn tìm mọi cách để bảo toàn sự sống cho bệnh nhân. Chúng tôi rất ghi nhận những cố gắng, đóng góp của các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng trị khi đã tìm mọi cách cấp cứu bệnh nhân”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng hoan nghênh sáng kiến của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. “Chúng ta có thể tính được liều lượng và áp dụng được trong điều kiện hiện nay. Theo tôi, đây là biện pháp hợp lý. Nhưng tôi nhấn mạnh, đây chỉ là biện pháp hỗ trợ còn biện pháp chính vẫn là lọc máu loại trừ methanol khỏi cơ thể”, ông Khoa nhấn mạnh.
Truyền bia cho bệnh nhân ngộ độc rượu chỉ là biện pháp hỗ trợ
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý nhiều người dân sau khi đọc thông tin về trường hợp này đã hiểu sai về việc ngộ độc rượu. “Chúng ta đang nói hai chất và hai loại ngộ độc methanol và ngộ độc rượu thông thường (có thể gây ngộ độc nếu uống nhiều hay gây xơ gan). Cồn công nghiệp methanol là chất dùng trong công nghiệp và không dùng trong cơ thể con người, độc tính mạnh có thể gây mù, tổn thương não. So với tổng thể bệnh nhân ngộ độc chung, ngộ độc methanol ít hơn. Ngộ độc ethanol là uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nếu uống quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc. Trong phác đồ chẩn đoán điều trị, không được uống thêm rượu, bia chữa cho bệnh nhân bị ngộ độc rượu, kể cả các chất có cồn khác. Chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol chỉ có nhân viên y tế”, bác sĩ Nguyên thông tin.
Thông qua sự việc này, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Sử dụng rượu bia có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, người dân nên hạn chế sử dụng rượu, bia.
- Khi nghi ngờ có dấu hiệu ngộ độc do uống rượu, bia phải đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời. Người dân tự ý không được tự ý sử dụng bia để giải ngộ độc do uống rượu, bia dây ra, không phải cứ uống bia là giải độc được rượu. Nếu đã ngộ độc ethanol (có trong rượu) mà vẫn tiếp tục uống rượu, bia có ethanol thì mức độ ngày càng nghiêm trọng.
- Tuyệt đối không sử dụng rượu, bia không rõ nguồn gốc, giả, vì có thể chứa methanol.
Như Dân Sinh đã đưa tin, sáng 25/12/2018, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị tiếp nhận hai bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật và Lê Văn Tửu cùng trú tại xã Triệu Đô, huyện Triệu Phong vì ngộ độc rượu nặng. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, kiệt sức.
Qua các bước xét nghiệm nhận thấy, hàm lượng methanol trong mẫu máu bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật là 2.100 mg/lít, vượt hơn 10 lần ngưỡng gây ngộ độc; mẫu máu của bệnh nhân Lê Văn Tửu cũng gấp hơn 6 lần ngưỡng gây ngộ độc.
Bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị cho hay, quá trình cấp cứu bệnh nhân, bệnh viện này đã dùng 3 lon bia (990ml) để truyền vào đường tiêu hóa của bệnh nhân Nhật.
Tiếp đó cứ một giờ đồng hồ lại truyền tiếp 1 lon bia. Sau khi truyền 15 lon bia (gần 5 lít) kết hợp việc lọc máu, điều trị tích cực, khoảng 24 giờ sau bệnh nhân Nhật tỉnh, sức khỏe ổn định.