CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:16

Cải thiện sức khỏe, tầm vóc người Việt

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh dinh dưỡng của người mẹ ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai. Thiếu hụt dinh dưỡng trong quá trình mang thai có thể làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa, sinh trẻ nhẹ cân. Dinh dưỡng trong giai đoạn cho con bú có những ảnh hưởng rõ ràng đến tình trạng sức khỏe của trẻ.

Những năm qua, tình trạng dinh dưỡng của người Việt Nam ngày càng được cải thiện và Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về sức khỏe bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là việc giảm liên tục và bền vững tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, các chính sách của Việt Nam mới tập trung can thiệp trực tiếp đối tượng trẻ em, trong khi đó, nguyên nhân gốc gác của vấn đề lại nằm ở dinh dưỡng cho phụ nữ ở độ tuổi sinh sản, PNCT và BMCCB thì chưa có nhiều biện pháp can thiệp.

Theo khuyến cáo của UNICEF về lợi ích kinh tế của việc cải thiện dinh dưỡng: Đầu tư cho phòng, chống suy dinh dưỡng có thể mang lại hiệu suất là 3,2 lần. Nếu tăng mức đầu tư lên 5 lần so với hiện này thì hiệu suất đầu tư tăng lên là 13 lần. Mối quan hệ giữa dinh dưỡng, tăng trưởng kinh tế và nguồn nhân lực là một chu kỳ lặp đi lặp lại giữa các thế hệ và ngày càng củng cố hơn.

“Nếu chúng ta triển khai đồng bộ, can thiệp từ gốc vấn đề từ phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, cho đến phụ nữ mang thai, tới bà mẹ cho con bú và trẻ em thì chúng ta sẽ cải thiện được tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện nguồn nhân lực trong tương lai”, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết.

Với mục đích cung cấp thông tin, kiến thức về dinh dưỡng cho người dân; các bác sĩ, hộ sinh, điều dưỡng trong quá trình chăm sóc cho các thai phụ và bà mẹ cho con bú; các nhà khoa học; các thày, cô giáo đang giảng dạy trong lĩnh vực sản phụ khoa, nhi khoa và dinh dưỡng…, Bộ Y tế đã cho biên soạn Hướng dẫn Quốc gia về Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú dưới sự tài trợ của Công ty Abbott Việt Nam. Nội dung của Hướng dẫn bao gồm: Tầm quan trọng của chăm sóc dinh dưỡng cho PNCT và BMCCB; nhu cầu dinh dưỡng của PNCT và BMCCB; khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho PNCT và BMCCB; dinh dưỡng cho PNCT và BMCCB; dinh dưỡng trong trường hợp bệnh lý khi mang thai; tư vấn dinh dưỡng cho PNCT và BMCCB; bảng tóm tắt nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị.

Hướng dẫn sẽ là cột mốc quan trọng trong nỗ lực nâng cao sức khỏe lâu dài cho trẻ em Việt Nam và là hoạt động thiết thực của Bộ Y tế nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hiện mới chỉ 77% PNCT đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng; tỉ lệ thiếu máu ở phụ nữ tuổi sinh đẻ là 25,5% và phụ nữ có thai theo tuổi thai là 32,8%; 23% phụ nữ từ 15-34 tuổi bị thiếu năng lượng trường diễn; chỉ 62% trẻ được bú sớm trong 1 giờ đầu sau sinh, 20% trẻ được bú mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu, 22% trẻ được bú mẹ đến 24 tháng tuổi, 52% trẻ  từ 6 – 24 tháng được nuôi đúng đủ...

LAM LINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh