Bộ Xây dựng tăng cường giám sát tài chính các doanh nghiệp có vốn Nhà nước
- Huyệt vị
- 17:12 - 13/02/2022
Theo đó, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, gồm: Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) và Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD). Thực hiện các nội dung giám sát chi tiết như: Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn. Giám sát việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp theo các nội dung sau: Hoạt động đầu tư vốn đối với các dự án đầu tư, gồm: Nguồn vốn huy động, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư; Hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp; Tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động, phát hành trái phiếu; Tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.
Giám sát kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh; kết quả hoạt động kinh doanh: doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA); việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.
Giám sát chấp hành pháp luật về đầu tư, quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; ban hành và thực hiện quy chế quản lý tài chính của doanh nghiệp. Giám sát việc cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp đầu tư tại công ty con, công ty liên kết.
Giám sát thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ gồm 03 đơn vị: Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (LILAMA); Tổng Công ty Cơ khí xây dựng – CTCP (COMA) và Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP. Nội dung giám sát bao gồm: Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tập trung giám sát việc quản lý và sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp theo các nội dung sau: Hoạt động đầu tư vốn, tài sản tại doanh nghiệp và hoạt động đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp (nguồn vốn huy động gắn với dự án đầu tư, tiến độ thực hiện dự án đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư); tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động; phát hành trái phiếu; tình hình quản lý tài sản, quản lý nợ tại doanh nghiệp, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu; tình hình lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp.
Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Kết quả hoạt động kinh doanh: Doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA); việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Và giám sát việc thực hiện kế hoạch thoái vốn nhà nước, thu hồi vốn nhà nước, thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ không quá 50% vốn điều lệ gồm Tổng Công ty Viglacera - CTCP và Tổng Công ty Cổ phần Sông Hồng sẽ thực hiện giám sát các nội dung như: Giám sát việc bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Giám sát tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động. Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp: Kết quả hoạt động kinh doanh: Doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA). Giám sát việc thực hiện kế hoạch thoái vốn Nhà nước, thu hồi vốn nhà nước, thu lợi nhuận, cổ tức được chia từ doanh nghiệp.
Việc chủ động giám sát tài chính giúp nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn đầu tư vào doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính doanh nghiệp kịp thời phát hiện các yếu kém trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để có cảnh báo và đưa ra biện pháp chấn chỉnh kịp thời; thực hiện công khai, minh bạch hóa tình hình tài chính của doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước.