Bộ TT&TT lập Tổ công tác triển khai nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số
- Công nghệ
- 18:08 - 16/03/2021
Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ TT&TT triển khai các nhiệm vụ liên quan đến thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Ngoài Tổ trưởng là Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, còn có 3 Tổ phó là các ông: Phạm Quang Tú, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp; Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa; Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC).
Tổ công tác triển khai nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế số còn có 6 tổ viên là lãnh đạo các đơn vị chức năng khác trong Bộ TT&TT, gồm: Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ Phạm Minh Tiến, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Nguyễn Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Nhị Thủy, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ CNTT Tô Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường và Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) Nguyễn Hồng Thắng.
Các thành viên Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên do Tổ trưởng phân công.
Phát triển kinh tế số đã được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là giải pháp đột phá để phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước trong thời gian tới. Đây cũng là nhiệm vụ cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan. Trong đó, với vai trò là Bộ thực hiện quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng, công nghiệp ICT, báo chí và truyền thông, Bộ TT&TT sẽ đóng vai trò nền tảng.
Trước đó, trong thông báo 339 ngày 22/9/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT được giao chủ trì với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương xây dựng Đề án phát triển kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Vì thế, tại cuộc họp với một số đơn vị trong Bộ TT&TT về việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế số vào đầu tháng 2/2021, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng đã chỉ rõ, các cơ quan, đơn vị liên quan của Bộ TT&TT cần chủ động, tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Cũng tại cuộc họp này, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã giao Vụ Quản lý doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Cục Tin học hóa, VNNIC và các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng báo cáo chuyên đề về kinh tế số, trong đó làm rõ nội hàm, yêu cầu quản lý, đối tượng quản lý, phương thức quản lý, mô hình quản lý, kinh nghiệm quốc tế, đề xuất những nội hàm mới, chưa được quy định hoặc chưa được phân công cụ thể.
Thống nhất chỉ số, phương pháp đo và triển khai đo lường về kinh tế số và đóng góp của kinh tế số vào GDP và GRDP. Việc thực hiện nhiệm vụ này cần phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT.
Nghiên cứu, xây dựng Đề án hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số và Đề án phát triển Kinh tế số Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, báo cáo Bộ trưởng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Vụ Quản lý doanh nghiệp cũng được giao chủ trì, phối hợp với Cục Tin học hóa, VNNIC và những đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất, báo cáo Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ kế hoạch thúc đẩy sự phối hợp giữa Bộ TT&TT và các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước để cùng thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam.
Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Về phát triển kinh tế số, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đặt ra mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030. Tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10% vào năm 2025 và tối thiểu 20% vào năm 2030. Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về CNTT (IDI) và chỉ số cạnh tranh (GCI), nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo (GII) vào năm 2025. Đến năm 2030, thứ hạng cần đạt của Việt Nam trong cả 3 chỉ số nêu trên đều là Top 30 nước.