THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:50

Bộ trưởng Y tế: Đưa các bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi về các huyện nghèo, ngoài ra, còn có mô hình “cô đỡ thôn bản”

Tham gia "chia lửa" cùng Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sáng nay 6/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình thêm về vấn đề chênh lệch trong cung cấp dịch vụ y tế ở một số vùng miền.

Đề án chọn các bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi về 61 huyện nghèo

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) chất vấn: Nông thôn mới hình thành góp phần nâng cao dân trí của vùng, nhưng vẫn còn chênh lệch về giàu nghèo, chất lượng y tế. Đâu là giải pháp căn cơ, đòn bẩy để rút ngắn chênh lệch nêu trên?

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, mặc dù chúng ta đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ như tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân... nhưng để giải quyết vướng mắc, chúng ta cần giải quyết được vấn đề chuyên môn kỹ thuật, nhiều vùng núi, vùng sâu, vùng xa đã đáp ứng được một số dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

Do đó, theo bà Tiến, người dân đã không cần chuyển lên tuyến trên nhiều như trước.

Bên cạnh đó, rất nhiều trạm y tế cũng đã được xây dựng mới ở các vùng khó khăn. Bộ Y tế cũng đã đào tạo mô hình bác sĩ gia đình cho các trạm y tế xã, nhưng để cải thiện cần có thời gian.

Về nhân lực, bà Tiến thông tin Bộ Y tế có đề án chọn các bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, sau 6 năm đào tạo chính thức sẽ có thêm 2 năm đào tạo chuyên khoa, sau đó đưa về 61 huyện nghèo trên cả nước.

"Những người này sẽ được nhận làm việc ngay từ đầu, có 3 năm thử nghiệm và được hưởng phụ cấp 8% lương theo Nghị định 64. Bộ Y tế đang muốn nâng mức phụ cấp này nhưng hiện còn gặp khó khăn", bà Tiến thừa nhận.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, ở các vùng sâu, vùng xa hiện còn có mô hình "cô đỡ thôn bản" - họ được hỗ trợ nửa số lương và giúp đỡ nhiều cho đồng bào thiểu số.

Về cơ sở kỹ thuật, bằng việc vay vốn ODA và có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng gần 2.000 trạm y tế ở các xã khó khăn, triển khai và sẽ khai trương 26 trạm mẫu trên cả nước.

Về tài chính, Bộ trưởng Y tế nhắc đến 2 chỉ số, trong đó Bảo hiểm Y tế toàn dân vượt mức, ở vùng sâu, vùng xa được Nhà nước mua toàn bộ bảo hiểm cho người nghèo nên họ không phải chi trả khi khám chữa bệnh.

Bộ trưởng Kim Tiến tin với những nỗ lực thực hiện, thì trong thời gian không xa sẽ giảm được sự chênh lệch trong thụ hưởng các dịch vụ y tế.

Bộ trưởng Y tế: Đưa các bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi về các huyện nghèo, ngoài ra, còn có mô hình “cô đỡ thôn bản” - Ảnh 1.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau)

Đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết

Liên quan đến chủ trương gắn sản xuất với tiêu thụ là đúng đắn nhưng chưa hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) chất vấn: Trong chủ trương gắn sản xuất với tiêu thụ là đúng đắn nhưng chưa hiệu quả, Bộ trưởng sẽ làm gì để hỗ trợ nhân dân?

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, về đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, tạo chuỗi liên kết giúp người dân, có thể ví dụ như Kiên Giang đang dẫn đầu với 4 triệu tấn lúa nhưng đã nghiên cứu để giảm sản lượng lúa để nhường cho cây, con khác.

Thay vào đó, Kiên Giang đang chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm xen với lúa. Tới đây, Bộ sẽ cùng với các tỉnh, trong đó có Tiền Giang để tái cơ cấu ngành hàng cho phù hợp.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Yến Linh về chênh lệch giàu nghèo và mức độ thụ hưởng dịch vụ y tế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ: Nếu không có chính sách quyết liệt và chỉ đạo thì đến nay sẽ có khoảng giãn về chênh lệch giàu nghèo, các thiết chế hạ tầng xã hội.

"Đây cũng là "rốn" của phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Do đó, cần có sự đầu tư thích đáng cho khu vực này", ông Cường nhấn mạnh.


THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh