THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:19

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời về Chính sách người có công

 

Sau đây là nội dung của cuộc trao đổi:

 

 

Chương trình đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến công tác quy tập mộ Liệt sĩ và xác định danh tính cho các Liệt sĩ. Công tác xác định danh tính liệt sĩ thời điểm này có những cải tiến như thế nào có thể giúp các gia đình tìm thấy phần mộ của người thân?


Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Những thông tin hiện đang lưu giữ tại cơ quan Cục Người có công (Bộ LĐ-TBXH) là căn cứ và hồ sơ Bộ Quốc phòng và các địa phương chuyển về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để quản lý và thực hiện chính sách đối với thân nhân Liệt sĩ.  Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm quản lý những hồ sơ này và tất cả Hồ sơ này hiện đang được lưu giữ tại Cục Người có công. Bộ trưởng cho biết những liệt sĩ đã có bằng Tổ quốc ghi công có số bằng thì trong danh mục của quản lý hồ sơ hiện đã có của Cục NCC, nếu các gia đình tiếp tục phối hợp cùng Cục NCC thì rất có thể xác định được danh tính của Liệt sĩ.

Về hoạt động xác định danh tính của các liệt sĩ, trong thời gian qua luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt đã giao cho Bộ LĐ-TBXH chủ trì thực hiện Đề án xác định danh tính liệt sĩ. Để thực hiện được nhiệm vụ này, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan, hiện nay đã có hơn 8000 trường hợp danh sách các liệt sĩ chưa xác định danh tính của hội những gia đình liệt sĩ trao đổi thông tin cho Bộ. Bộ đã phối hợp với các đơn vị để phân tích gen mẩu phẩm của các hài cốt và của các mẫu phẩm của những thân nhân liệt sĩ tham gia chiến đấu ở những vị trí do hội những gia đình liệt sĩ cung cấp đến nay đã có những kết quả chính thức để thân nhân có thể đón người thân của mình về tuy chưa nhiều. Bộ đang phối hợp với các cơ quan chức năng khác để thúc đẩy thực hiện công tác đầy ý nghĩa nhân văn này, hy vọng rằng ngày càng nhiều các liệt sĩ được biết tên và ngày càng nhiều các gia đình được đón các anh về thông qua việc giám định ADN.

Tập thể cựu Dân quân tập trung trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ ở phòng Phương Lâm, Hòa Bình đã có câu hỏi với Bộ trưởng như sau: “Chồng cha chúng tôi là dân quân vừa sản xuất vừa chiến đấu liên tục từ tháng 3/1963 đến tháng 01/1973, có xác nhận của những người nguyên là lãnh đạo chỉ huy. Vậy những cán bộ trợ lý chính sách Ban Chỉ huy quân sự thành phố Hòa Bình yêu cầu chúng tôi kê khai án chừng, mỗi năm chỉ được khai 4 hoặc 5 tháng trực tiếp chiến đấu đánh máy bay Mỹ. Nếu không khai như vậy sẽ không nhận hồ sơ làm chế độ”. Khai như vậy thì không đúng thực tế thì có ảnh hưởng tới quyền lợi được hưởng không? Và họ phải làm sao trong trường hợp này?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:Việc hướng dẫn lập hồ sơ và xét duyệt chế độ trợ cấp một lần hoặc hàng tháng cho quân nhân, dân quân tập trung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ… (theo Quyết định 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008) thuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng. Sau khi có Quyết định trợ cấp được chuyển về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội để thực hiện chi trả chế độ ưu đãi cho đối tượng. Vì vậy Bộ trưởng sẽ nhận thư trên và sẽ chuyển đến Bộ Quốc phòng giải quyết theo thẩm quyền. Bộ trưởng tin rằng Bộ Quốc phòng sẽ xem xét cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho những người đã có đóng góp đặc biệt cho Tổ quốc.

Về chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo dành cho con của thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, nhiều khán giả gửi thư hỏi trường hợp khi Bố là thương binh nhưng nay đã mất thì có còn được nhận chế độ ưu đãi trong giáo dục đào tạo dành cho con của thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng hay không?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:Tại Khoản 5, Điều 4, Khoản 5, Điều 21 và Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định: Con của thương binh được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ để theo học tại cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đến trình độ đại học; không phân biệt là thương binh còn sống hay đã từ trần. Như vậy, trường hợp của cháu là con thương binh khi theo học đại học sẽ được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục và đào tạo như sau:
- Được hỗ trợ học phí;
- Được trợ cấp 1 lần đầu năm học (để mua sách vở, đồ dùng học tập);
- Được trợ cấp hàng tháng trừ trường hợp đang hưởng lương hoặc sinh hoạt phí.

Về chính sách dành cho người bị nhiễm chất độc hóa học, nhiều lá thư thắc mắc về điều kiện để Nhà nước cho hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học? Và Nhà nước đã có chính sách đối với những trường hợp bị phơi nhiễm F3 hay chưa?

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền: Chính phủ đã có những chính sách dành cho những người tham gia chiến đấu ở những khu vực bị nhiễm chất độc da cam theo Điều 26 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Điều 38, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định: Để thu hưởng chế độ ưu đãi Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học cần có 02 điều kiện:
- Được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8 năm 1961 đến ngày 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học.
- Do nhiễm chất độc hóa học dẫn đến một trong các trường hợp sau đây:

+ mắc bệnh theo danh mục bệnh tật do Bộ Y tế quy định làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên.
+ Vô sinh.
+ Sinh con dị dạng, dị tật theo danh mục dị dạng, dị tật do Bộ y tế quy định.
Hiện nay, tại Điều 27 Pháp lệnh ưu đãi người có công và Điều 45, Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với con đẻ bị dị dạng, dị tật bẩm sinh của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Chưa quy định đối với cháu (thế hệ thứ 3). Trường hợp cháu của người hoạt động kháng chiến bị dị dạng, dị tật nếu đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp theo chính sách bảo trợ xã hội hiện hành.
Bộ LĐ-TBXH sẽ đề nghị Bộ Y tế và các cơ quan chức năng nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc hóa học đối với thế hệ thứ 3. Căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành chính sách phù hợp.

Theo Molisa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh