THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 11:47

Tết đầm ấm, vui tươi với người nghèo và gia đình chính sách

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thăm hỏi thương, bệnh binh  tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Lạng Giang

PV: Thưa Bộ trưởng, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, Tết cho người nghèo, các gia đình chính sách được chăm lo như thế nào?

 -Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:  Để người người có Tết, nhà nhà có Tết, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm từ thăm hỏi, động viên đến tặng quà và hỗ trợ cho dân. Trong đó đặc biệt là đối tương NCC với cách mạng và người nghèo. Năm nay Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục thực hiện trách nhiệm của mình, bằng tình cảm, trách nhiệm và những việc làm cụ thể như: tham mưu cho Chính phủ trình Chủ tịch nước tặng quà cho 14 đối tượng người có công với gần 2 triệu người được tặng quà Tết, với 2 mức 400.000đ/người và 200.000đ/người. Tổng kinh phí 423,5 tỷ đồng. Đối tượng cụ thể là: Mức 400.000 đồng cho các đối tượng là người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; Bà mẹ VNAH, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong kháng chiến; thân nhân liệt sĩ; thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên; người có công giúp đỡ cách mạng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 81% trở xuống đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Mức 200.000 đồng cho các đối tượng là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 80% trở xuống; người có công giúp đỡ cách mạng; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 80% trở xuống; người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Bộ cũng đã chỉ đạo các địa phương rà soát các đối tượng được hưởng phù hợp với Pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi. Theo đó, tổng số đối tượng tăng so với năm 2014 là 109.102 ngàn người; số lượng mẹ Việt Nam anh hùng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 12.215 mẹ, tăng so với năm 2014 là 8.118 mẹ.

Ngoài phần quà của Chủ tịch nước, các địa phương đã trích ngân sách và huy động của các tổ chức chăm lo với mức kinh phí. Dự kiến tổng số tiền ngân sách địa phương trong cả nước tặng quà cho đối tượng người có công khoảng hơn 800 tỷ đồng cho các đối tượng.

Bên cạnh việc chăm lo cho người có công, để góp phần ổn định đời sống nhân dân, nhất là người nghèo trong dịp Tết, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn hướng dẫn các địa phương tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm công tác trợ giúp xã hội năm 2014, đặc biệt là công tác hỗ trợ gạo cứu đói; xây dựng kế hoạch thực hiện trợ giúp xã hội trong dịp tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Đến thời điểm ngày 29/1/2015, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 10.287 tấn gạo cho 12 tỉnh gửi văn bản đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán, gồm: Nghệ An (3.349 tấn); Tuyên Quang (279 tấn); Bình Định (819 tấn); Quảng Trị (668 tấn); Lào Cai (162 tấn); Hà Nam (687 tấn); Cao Bằng (475 tấn), Ninh Bình (195 tấn), Quảng Ngãi (1.335 tấn), Yên Bái (308 tấn), Đắk Lắk (550 tấn), Kon Tum (279 tấn).

Về hỗ trợ người nghèo và đối tượng BTXH, theo báo cáo sơ bộ của 24 tỉnh, thành phố, các địa phương đã huy động hỗ trợ người nghèo, các đối tượng bảo trợ xã hội tiền ăn Tết với tổng kinh phí ước tính khoảng 224 tỷ đồng (trong đó ngân sách cấp tỉnh gần 180 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện: 18 tỷ đồng; và kinh phí vận động là 26 tỷ đồng), với mức phổ biến từ 200 - 300 ngàn đồng/1 đối tượng, một số tỉnh có mức cao từ 500-600 ngàn đồng/1 đối tượng (Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Long An, Cần Thơ).

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thăm và tặng quà Tết cho người già neo đơn, không nơi nương tựa tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lào Cai

*Ngoài người nghèo và các gia đình chính sách, Bộ đã có chỉ đạo như thế nào để NLĐ nói chung đều có Tết, thưa Bộ trưởng?  

- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:  Trước Tết Nguyên đán Ất Mùi, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và các cơ quan có liên quan hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện Nghị định số 103/2014/NĐ-CP ngày 11/11/2014 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động theo hợp đồng lao động. Trong đó, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tạm ứng, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng, đóng và thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2015. Yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn rà soát lại các quy chế, quy định của các doanh nghiệp về tiền lương, tiền thưởng để điều chỉnh, sửa đổi hoặc bổ sung theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn thực hiện; đề nghị doanh nghiệp phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng phương án trả tiền lương, tiền thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ người lao động trong dịp Tết.  

Tại một số thành phố lớn đã lên kế hoạch tổ chức các điểm bán hàng thiết yếu tại các khu công nghiệp phục vụ đời sống người lao động như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Trong đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cùng với tổ chức công đoàn duy trì và phát triển Quỹ hỗ trợ công nhân nghèo, hỗ trợ tiền tàu xe cho công nhân về quê ăn Tết, tặng quà cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Một số địa phương tăng cường các chuyến xe buýt từ các khu công nghiệp, khu chế xuất về các huyện, giảm bớt khó khăn đi lại cho công nhân như: Vĩnh Phúc, Long An...

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng thăm hỏi và tặng quà Tết 2015 cho Mẹ VNAH Nguyễn Thị Lan 

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2014 ngành LĐ-TB&XH đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đề ra, xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn về những kết quả ấn tượng trong năm 2014? 

- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:  Có thể khẳng định, năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo toàn ngành chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, các ngành, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp và sự nỗ lực phấn đấu của toàn ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2014 đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, công tác xây dựng, ban hành văn bản trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đảm bảo về số lượng, chất lượng và tiến độ theo kế hoạch, đúng trình tự thủ tục quy định. Một trong những kết quả ấn tượng là chỉ tiêu tạo việc làm đạt kế hoạch, khoảng 1,6 triệu lao động được tạo việc làm, đặc biệt là XKLĐ đạt 120,68%  so với kế hoạch (105.000/90.000). Bên cạnh đó, mặc dù còn khó khăn, song lộ trình tăng lương tối thiểu vẫn được thực hiện theo lộ trình đối với khu vực sản xuất, đã góp phần giảm bớt khó khăn cho người lao động, tạo động lực để sản xuất phát triển. Chỉ tiêu tuyển mới dạy nghề đạt kế hoạch, tăng 14,3% so với năm 2013; tổ chức thành công kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 tại Việt Nam. Đoàn Việt Nam đạt thành tích cao, xếp thứ nhất toàn đoàn; năm 2014, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã triển khai thực hiện Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tổng rà soát việc thực hiện chính sách với người có công; phối hợp với Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP để giải quyết các trường hợp không còn hồ sơ gốc; huy động các nguồn lực xã hội chăm lo cho người có công. Đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn 5,8 - 6%, các huyện nghèo giảm bình quân 5%/năm (từ 38,20% năm 2013 xuống còn 33,20% năm 2014). Đặc biệt, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện thí điểm Đề án chuyển đổi Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện tự nguyện; hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình "Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng", mô hình "Cai nghiện và quản lý sau cai tại cộng đồng", dạy nghề, tạo việc làm, hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy sau cai. 

PV: Năm 2015 sẽ áp dụng chuẩn nghèo mới, theo hướng tiếp cận từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều. Đây có phải là một trong những giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:  Trong thời gian qua, ở nước ta việc đánh giá nghèo đói hoàn toàn dựa vào các tiêu chí thu nhập, trong đó chuẩn nghèo được xác định theo phương pháp “chi phí cho các nhu cầu cơ bản”, bao gồm chi cho nhu cầu tối thiểu về lương thực/thực phẩm và chi cho những nhu cầu phi lương thực/thực phẩm thiết yếu (giáo dục, y tế, nhà ở...). Cách tiếp cận theo thu nhập này không phù hợp với tính đa chiều của nghèo đói. Bởi vì, trong đánh giá một số chỉ tiêu về nhu cầu cơ bản của con người không thể lượng hóa được bằng tiền như (như tham gia xã hội, an ninh, vị thế xã hội...) hoặc không thể mua được bằng tiền (tiếp cận giao thông, thị trường, đường giao thông và các loại cơ sở hạ tầng khác, an ninh, môi trường, một số dịch vụ y tế/giáo dục công...). Như vậy, khái niệm nghèo đa chiều được hiểu là tình trạng con người không được đáp ứng một số nhu cầu cơ bản trong cuộc sống. Chuẩn nghèo sẽ quy định nếu ở mức độ nào đó không được đáp ứng một số nhu cầu xã hội cơ bản thì một hộ gia đình sẽ bị coi là nghèo đa chiều. Do đó, việc áp dụng phương pháp đo lường nghèo đa chiều sẽ khắc phục được những nhược điểm trong phương pháp tiếp cận cũ, đồng thời giải quyết nhu cầu thực tế mà người nghèo, cận nghèo cần trợ giúp thực sự. .

Năm 2015 là năm xây dựng chuẩn nghèo mới để thực hiện cho giai đoạn 2016-2020. Với chuẩn nghèo mới và các giải pháp, các chính sách mới ban hành sẽ hạn chế tình trạng tái nghèo như hiện nay.

Chuẩn nghèo hiện hành sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết 2015, từ 2016 trở đi sẽ tiếp cận theo hướng nghèo đa chiều, một mặt phải đảm bảo được mức sống tối thiểu của hộ gia đình, mặc khác phải đáp ứng được các nhu cầu xã hội cơ bản. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là một giải pháp trong tổng thể các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (từ việc xác định đối tượng, hoạch định chính sách, chương trình giảm nghèo, tổ chức thực hiện, giám sát đánh giá…).

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2015, ngành LĐ-TB&XH sẽ có nhiều bứt phá, bởi lẽ Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH không thoái thác trách nhiệm, đã nhìn thẳng vào thực tế, kể cả những việc chưa làm được để tìm hướng giải quyết, thưa Bộ trưởng?

- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:  Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 2011-2015, cũng là năm ngành LĐ-TB&XH đặt nhiều kỳ vọng vào sự bứt phá. Tôi cho rằng, cần nhìn thẳng vào thực tế, kể cả những việc chưa làm được, bám sát thực tiễn, chủ động tham mưu đề xuất, quyết liệt trong tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến việc làm, dạy nghề, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, chăm sóc các đối tượng NCC, đối tượng bảo trợ xã hội, giảm nghèo...để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, công chức và người lao động trong toàn Ngành cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, phát huy vai trò của người đứng đầu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc, nhân dân quan tâm. Tập trung công tác xây dựng thể chế, đảm bảo hoàn thành kế hoạch theo Chương trình công tác năm 2015 của Chính phủ và các nhiệm vụ được phân công, tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội; xử lý dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công, đặc biệt đối với liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học; nghiên cứu, đề xuất xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm đời sống tối thiểu và đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản và phù hợp thực tiễn của Việt Nam; lồng ghép, đưa các nhiệm vụ bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp; đổi mới công tác, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy... đặc biệt, phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoàn thành tổng rà soát việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng, phấn đấu tới cuối năm 2015 những đối tượng có công còn tồn đọng cơ bản phải được giải quyết.

PV: Nhân dịp đầu Xuân mới 2015, xin Bộ trưởng chia sẻ một số suy nghĩ với đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ngành LĐ-TB&XH

- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:  Có được những thành công trong năm 2014, bên cạnh sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự ủng hộ của nhân dân là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành. Nhờ tinh thần đoàn kết, chia sẻ trách nhiệm và sự vượt lên của mỗi cá nhân, chúng ta đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu mà Quốc hội, Chính phủ giao. Đây là một thành tích rất quan trọng, bởi nó không chỉ tạo ra động lực cho những năm tiếp theo, mà còn khẳng định tính đúng đắn trong hàng loạt hành động quyết đoán, đầy tính sáng tạo mà tất cả chúng ta cùng đồng tâm hiệp lực thực hiện. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, tôi trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, cống hiến trong năm qua của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các đơn vị trực thuộc ngành LĐ-TB&XH.

Nhân dịp năm mới Ất Mùi, tôi xin chúc các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Ngành LĐ-TB&XH một năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.

 PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Huyền (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh