Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nền nông nghiệp Việt Nam mang 3 "lời nguyền"
- Tây Y
- 19:14 - 07/06/2022
Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chiều qua (7/6), Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn các thành viên Chính phủ. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan là người đầu tiên được mời lên “ghế nóng” để trả lời các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra.
Nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ
Phát biểu mở đầu, Bộ trưởng Hoan khái quát, về mặt vĩ mô, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã xác lập con đường phát triển nông nghiệp, nông thôn phía trước với những bước đi cụ thể, phù hợp trong từng giai đoạn. Vấn đề còn lại là cách thức vận hành của cả hệ thống chính trị vì nông nghiệp có tính liên ngành cao, xuyên suốt, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.
"Không có vấn đề chính là vấn đề lớn nhất. Nhận diện phát hiện vấn đề không thể chỉ từ trong nội bộ một tổ chức vì vốn dĩ tổ chức ít nhiều còn quán tính khô cứng, khó có thể vận hành, điều chỉnh linh hoạt, kịp thời với những yêu cầu đa dạng, thay đổi liên tục từ đời sống thực tiễn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định.
Nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Lạng Sơn) phản ánh giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào tăng trong những năm qua đã khiến người nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn, lấy công làm lãi, thậm chí là thua lỗ…
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết các giải pháp trong thời gian tới để hỗ trợ, giúp người nông dân thích ứng và ứng phó với tình hình này.
“Nông dân đã nghèo lại đeo cái khổ” là nhận định của đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam). Cho biết thời gian qua người nông dân phải khổ sở gánh chịu nạn phân bón giả, kém chất lượng, đại biểu Phước đề nghị Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, tràn lan trên thị trường.
Hồi âm các đại biểu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững được Thủ tướng phê duyệt đã xác định rõ chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố thị trường.
Chia sẻ với bà con nông dân cùng doanh nghiệp giai đoạn vừa qua phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như việc ùn ứ nông sản ở cửa khẩu phía Bắc, vấn đề vật tư phân bón, giá nguyên liệu đầu vào của ngành nông nghiệp đều tăng cao trong bối cảnh thị trường đã bị đứt gãy…, song Bộ trưởng phân tích, giá nguyên liệu đầu vào có liên quan đến hàng loạt yếu tố như thị trường, quản lý doanh nghiệp, công tác nhập khẩu và xuất khẩu.
Ở góc độ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Hoan chia sẻ, khi đứt gãy chuỗi cung ứng trong giai đoạn dịch bệnh và nhất là cao điểm ùn ứ cửa khẩu phía Bắc, cơ quan này đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hạn chế thấp nhất thiệt thòi, thiệt hại cho nông dân.
Ông Hoan cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đã cùng Bộ Công thương họp rất nhiều phiên, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng phân bón, các doanh nghiệp… liên quan đến lĩnh vực này và có những can thiệp nhất định. “Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường thì không dễ mà áp đặt mệnh lệnh hành chính”, ông Hoan nói.
Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm của mình
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Lê Minh Hoan về định hướng đổi mới mà Bộ trưởng đã, đang và sẽ thực hiện để đưa nông nghiệp nước nhà đến tầm cao mới, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) nêu, đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, cũng như đến khi nào Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới.
Trả lời vấn đề này, ông Hoan cho biết, nền nông nghiệp của Việt Nam mang 3 "lời nguyền" là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
"Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù là nơi đất đai rộng nhưng kiểm đếm lại vẫn là nơi manh mún. Sự manh mún, nhỏ lẻ dẫn tới hệ luỵ rất nhiều.
Một lần nữa chúng tôi khẳng định lại, không tổ chức lại được một ngành hàng chúng ta còn rủi ro, vai trò tổ chức ngành hàng là vai trò của chính quyền địa phương. Ở đây rất nhiều đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương, tôi tha thiết, đây là mệnh lệnh đối với thị trường, hãy bắt buộc chúng ta thay đổi nếu chúng ta không muốn đối mặt với rủi ro", Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chia sẻ, vấn đề khi nào 100 triệu dân Việt Nam được an toàn khi dùng thực phẩm là câu hỏi được lặp lại rất nhiều từ trước đến nay.
Ông Hoan thẳng thắn, Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm của mình. Ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao và có tính hệ thống, có tính trên dưới, trong ngoài. Chúng ta đang vận động theo nền kinh tế thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Văn Tám về mối quan hệ giữa việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp trong khi lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp là nông dân, năng lực công nghệ còn thấp..., Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhắc tới chiến lược tri thức hóa nông dân.
“Chúng ta không mong muốn biến các nông dân thành kỹ sư, tiến sỹ, nhưng phài để nông nghiệp là một nghề, chứ không phải là vì không làm được gì nên về làm nông. Để làm được, Bộ tiếp tục đẩy mạnh chương trình khuyến nông, phát triển khuyến nông cộng đồng, để doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, hỗ trợ nông dân tiếp cận các quy trình, phương thức sản xuất mới, hiện đại”, Bộ trưởng chia sẻ.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng gửi lời tâm huyết tới các nông dân, nên vào hợp tác xã để có cùng thay đổi cách làm, cùng hướng tới nền nông nghiệp sinh thái hơn, xanh hơn.
“Chúng ta không thể có thương hiệu nông sản Việt Nam nếu người tiêu dùng Việt Nam không tin dùng sản phẩm Việt Nam”, ông nói.