THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:39

Bộ trưởng Giao thông: 'Không sửa được cầu Thăng Long thì cả ngành mắc cỡ với dân'

 

Tại cuộc họp về phương án sửa chữa cầu Thăng Long sáng 6/9, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ cho biết, bê tông nhựa mặt cầu Thăng Long đang bị trượt trên bản thép gây xô dồn, nứt ngang mặt cầu. Trước đây Liên Xô làm lớp chống thấm và dính bám bằng keo đặc biệt phun lên bản thép, sau đó cải đá dăm tạo nhám gắn vào lớn keo này và thảm bê tông nhựa lên. 

Trong đợt sửa chữa năm 2009, đơn vị thi công đã cào bóc lớp tạo nhám của Liên Xô, làm lại lớp chống thấm mặt cầu. Tuy nhiên, dính bám giữa các loại bê tông nhựa mới sửa và bản thép bên dưới không đạt yêu cầu. Xe chạy gây lực trượt làm cho lớp bê tông mặt đường trượt trên mặt thép, tạo ra các điểm dồn ụ mấp mô và các vết nứt làm nước thấm xuống phá hoại bê tông nhựa. Mặt cầu cũng có các vết nứt dọc. Lưu lượng, tải trọng xe qua cầu Thăng Long cũng vượt quá thiết kế ban đầu.

 

Khe co giãn trên cầu Thăng Long bị hư hỏng, phải che tạm bằng tấm thép. Ảnh: Xuân Hoa.

 

Theo ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Quản lý chất lượng và công trình giao thông, có hai nhóm nguyên nhân gây nứt. Một là sau 30 năm sử dụng, kết cấu chịu lực của 15 nhịp dàn thép đã có hiện tượng biến dạng, hư hỏng gây ra các vết nứt dọc và dính bám giữa lớp bê tông nhựa và bản mặt thép bị suy giảm. Sau khi 15 nhịp dầm làm việc không đồng đều, khi nhiệt độ nóng lên của thép gây hư hỏng nhanh hơn. 

Ông Thành đề xuất phải có đề án đánh giá kiểm tra tổng thể toàn diện cầu. Với các cầu lớn trên thế giới thì phải kiểm tra toàn diện sau 5-10 năm song ở nước ta chưa tiến hành lần nào. Sau khi đánh giá, nếu cầu Thăng Long bị suy giảm kết cấu thì phải sửa kết cấu trước sau đó sửa chữa lớp mặt cầu. 

Về phương án sửa chữa cầu Thăng Long, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, cơ quan này đã làm việc với các chuyên gia trong nước và đưa ra 5 nhóm giải pháp. Ngoài ra, Tổng cục đã liên hệ với các chuyên gia Nga đã từng thiết kế và xây dựng cầu Thăng Long. Phía bạn cho biết sẽ cử đại diện đến Việt Nam làm việc từ ngày 17-21/9 để xem xét lớp mặt cầu và đưa ra giải pháp cụ thể. 

Chuyên gia Nga đã cho biết, năm 1984, kết cấu áo đường trên bản mặt thép trên cầu Thăng Long được thi công giống như ở Liên Xô cũ. Lớp áo đường có thành phần gồm Epoxy, nhựa đường và xi măng. Khi lớp vật liệu nóng chưa đóng rắn thì dải lớp đá dăm lên trên. Tiếp theo là phủ hai lớp bê tông nhựa dày 7cm. Chuyên gia khẳng định tuổi thọ của lớp phủ này tối đa là 18 năm (thực tế là mặt cầu Thăng Long đã khai thác được 24 năm mới bắt đầu sửa chữa). 

 

 

Theo Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể, thời gian qua, đã có nhiều đợt sửa chữa mặt cầu nhưng so với kỳ vọng của xã hội thì chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa đảm bảo êm thuận.   

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, việc tổ chức nghiên cứu dự án sửa chữa tổng thể cầu Thăng Long là yêu cầu bắt buộc đối với ngành giao thông vận tải. Việc sửa chữa lần này phải bền vững ít nhất từ 10 năm trở lên. Các đơn vị tham gia phải chịu trách nhiệm về chất lượng cầu.

"Cầu Thăng Long không sửa được thì cả ngành giao thông mắc cỡ với dân. Chúng ta có bao nhiêu giáo sư, tiến sỹ, kỹ sư ở các viện, đơn vị mà mặt cầu Thăng Long sửa chữa không xong", ông Thể nói. 

Bộ trưởng Thể chỉ đạo yêu cầu mời chuyên gia Nga nghiên cứu phương án sửa chữa cầu Thăng Long và ưu tiên đơn vị trước kia đã xây dựng cầu Thăng Long để hợp tác thực hiện dự án vì họ có nền tảng khoa học phát triển và "là người thật, việc thật". Đồng thời, ông yêu cầu thành lập một tổ công tác với một Thứ trưởng làm tổ trưởng các các cơ quan liên quan chuẩn bị đề cương, đưa ra mục tiêu để trao đổi, thảo luận với các chuyên gia Nga. 

Bộ trưởng giao Tổng cục Đường bộ và Cục Đường sắt kiểm định lại tổng thể toàn bộ cầu để đánh giá những biến động của kết cấu cầu. Ngoài ra, để mặt cầu êm thuận cho các phương tiện lưu thông khi chưa sửa chữa toàn diện, Tổng cục Đường bộ vẫn phối hợp với Đại học Giao thông sửa chữa cục bộ từng đoạn mặt đường bị hư hỏng, nứt vỡ. 

Cầu Thăng Long cao 2 tầng, dài khoảng 3,1 km, gồm phần cầu chính dài 1,6 km, bao gồm 15 nhịp dàn thép được chia thành 5 liên, mỗi liên gồm 3 nhịp dàn thép liên tục. Bề rộng mặt cầu 20 m bao gồm 4 làn xe cơ giới, rộng 27.852 m2, còn lại hai bên là phần đường bộ hành công vụ, mỗi bên rộng 2 m. Cây cầu này nằm trên tuyến đường huyết mạch từ Hà Nội đi các tỉnh Đông và Tây Bắc.

Lần kiểm tra gần đây cho thấy, mặt cầu bị rạn nứt khoảng 8.730 m2. Diện tích hằn lún dưới 2,5 cm là 1.290 m2; từ 2,5 đến 7 cm là 570 m2. Vạch sơn mòn, sơn tim đường bị biến dạng, 4 trong 8 khe co giãn cầu bị hư hỏng và được che tạm bằng tấm thép để đảm bảo an toàn giao thông. 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh