CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:22

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xuống hầm gặp thợ mỏ, ăn cơm công nhân để viết luật

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực sẽ tạo ra bước đột phá mới trên 3 hướng: Bao trùm hơn, phản ánh sâu sắc hơn "hơi thở" cuộc sống và hội nhập quốc tế hơn - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tranh luận nảy lửa 

Bộ trưởng có thể lý giải rõ hơn ý nghĩa của cụm từ: Bao trùm hơn, phản ánh sâu sắc hơn "hơi thở" cuộc sống và hội nhập quốc tế?

Tôi nói bao trùm hơn vì lần đầu tiên Bộ luật đã điều chỉnh tới 56 triệu người trong độ tuổi lao động để bảo vệ, thúc đẩy thực hiện các quyền cơ bản được hiến định trong Hiến pháp 2013.

Phản ánh sâu sắc hơn "hơi thở" cuộc sống, là vì trong 3 năm chạy đua với thời gian, đã có hàng trăm hội nghị, hội thảo, các cuộc làm việc, tiếp xúc song phương, đa phương bàn về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Không thể đếm hết có bao nhiêu cuộc lấy ý kiến ở cơ sở, bao nhiêu báo cáo được viết ra, tiếp thu và chỉnh sửa; rất nhiều cuộc tranh luận nảy lửa để tìm ra tiếng nói chung.

Nhưng quý giá hơn cả đối với người làm chính sách, tôi cho rằng vẫn là góp ý từ người lao động, người sử dụng lao động.

Trong quá trình xây dựng dự thảo, là Trưởng Ban soạn thảo, tôi đã có nhiều chuyến đi cơ sở, trực tiếp trò chuyện, tiếp xúc với người lao động; xuống hầm lò gặp thợ mỏ; thăm hỏi, ăn cơm với công nhân may… để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xuống hầm gặp thợ mỏ, ăn cơm công nhân để viết luật - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thị sát sản xuất than hầm lò tại công ty CP than Núi Béo. Ảnh: Tập đoàn Than khoáng sản VN

Tại đây, hơi thở cuộc sống đã được chắt lọc và đi vào trong mỗi câu chữ của bộ luật và chắc chắn, khi đi vào cuộc sống, Bộ luật Lao động 2019 sẽ tạo ra hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động, tạo một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế - xã hội về tuyển dụng và sử dụng lao động.

Còn vì sao nói hội nhập hơn, là vì Bộ luật đã đáp ứng các cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại quốc tế, tiệm cận các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tuổi tối thiểu tại nơi làm việc, lao động trẻ em, về cưỡng bức lao động, về bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử, việc thành lập các tổ chức đại diện cho người lao động tại DN ngoài hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam...

Cá nhân tôi cũng muốn giảm giờ làm

Chắc hẳn Bộ trưởng vẫn còn nhớ cuộc tranh luận giữa các ĐBQH về vấn đề giờ làm thêm và ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đã sụt sùi xúc động khi nhắc đến hoàn cảnh sống của công nhân. Khi ấy, Bộ trưởng suy nghĩ gì và động thái của Bộ cũng như Chính phủ sau đó để có được quy định như trong Bộ luật hiện nay?

Vấn đề thời giờ làm việc bình thường và làm thêm giờ luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Đây là vấn đề lớn, có tác động đến tất cả các chủ thể liên quan và có tác động rất lớn đến tăng trưởng, ngân sách, đến nền kinh tế... Vì thế, cần phải được nghiên cứu, đánh giá và lượng hóa rất cụ thể, thận trọng.

Về thời giờ làm việc bình thường, hiện nay giờ làm việc là 48 giờ/tuần, Chính phủ khuyến khích các DN sử dụng tuần làm việc 40 giờ. Mong muốn giảm giờ làm là chính đáng của người lao động. Nhiều ĐBQH muốn giảm ngay giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ, cá nhân tôi cũng muốn.

Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, có tác động lớn về kinh tế, xã hội, nên cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng, thận trọng. Ở góc độ kinh tế, nếu giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần thì tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ giảm đi khoảng 0,5%.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xuống hầm gặp thợ mỏ, ăn cơm công nhân để viết luật - Ảnh 2.

Bộ trưởng dùng bữa cơm 15.000 đồng cùng công nhân may hồi tháng 9/2019. Ảnh: Bộ LĐTB&XH

Việt Nam đang là quốc gia nỗ lực rất lớn để không rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp, các chuyên gia cho rằng, muốn vậy thì phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 7%. Vì vậy, đứng về góc độ kinh tế, đây là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng với quốc gia, cần nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Từ những lẽ đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị QH giao Chính phủ nghiên cứu để tính toán giảm giờ làm việc ở thời điểm thích hợp.

Làm thêm giờ là cần thiết xuất phát từ nhu cầu của DN và của một bộ phận người lao động. Tuy nhiên, tăng giờ làm thêm cũng có những tác động tiêu cực đối với sức khỏe, cuộc sống của người lao động và năng suất lao động.

Đây là nội dung có nhiều ý kiến khác nhau, mỗi ý kiến đều có những điểm hợp lý xuất phát từ các góc độ, lợi ích khác nhau. Việc của Chính phủ, của Ban soạn thảo là lắng nghe đầy đủ ý kiến đa chiều của các bên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xuống hầm gặp thợ mỏ, ăn cơm công nhân để viết luật - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Người làm luật phải trăn trở, đau đáu với từng câu chữ viết ra. Bởi đằng sau hành lang pháp lý đó là cuộc sống của 56 triệu lao động và gia đình họ

Cá nhân tôi, ngoài việc nghiên cứu, lắng nghe ý kiến các chuyên gia, còn trực tiếp đến DN lắng nghe người lao động, lắng nghe DN. Trên cơ sở đó, cung cấp đầy đủ thông tin nhiều chiều, bao gồm cả thông tin về kinh nghiệm và thực tiễn quốc tế để các ĐBQH có đủ cơ sở xem xét, quyết định.

Sau khi cân nhắc các tác động, QH đã quyết định giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường, không tăng thời giờ làm thêm trong năm, nới trần làm thêm giờ theo tháng từ 30 giờ/tháng lên 40 giờ và quy định cụ thể các trường hợp được làm thêm giờ đến 300 giờ/năm.

"Vừa xoay lưng vừa mặc quần áo"

Theo Bộ trưởng, đâu là "bí quyết" để sửa đổi thành công một Bộ luật lớn với nhiều nội dung quan trọng, tác động lên hàng triệu người lao động như vậy?

Khi bắt đầu chỉ đạo công tác soạn thảo, sửa đổi Bộ luật này, hàng loạt vấn đề được đặt ra. Đó là làm sao để bộ luật có sức sống lâu dài? Làm sao để vừa thúc đẩy, phát triển thị trường lao động Việt Nam vừa hài hòa được quyền lợi giữa người lao động và người sử dụng lao động, phù hợp với các tiêu chuẩn của quan hệ lao động quốc tế...?

Tất cả những điều ấy đòi hỏi những người làm luật phải trăn trở, đau đáu với từng câu chữ viết ra. Bởi, đằng sau hành lang pháp lý đó là thực tiễn cuộc sống, là việc làm và điều kiện làm việc của 56 triệu lao động và gia đình họ.

Có thể nói, những vấn đề gai góc nhất, những vấn đề nổi sóng trong quá trình thảo luận ở Quốc hội đều được giải quyết có tình, có lý và có sức thuyết phục. Nói như thế cũng không phải là trong quá trình soạn thảo chúng tôi không chịu áp lực, thậm chí phải nói là rất áp lực, nhưng rất may là tất cả những áp lực đó chúng ta đã hóa giải về căn bản để có kết quả.

Bộ trưởng có thể nói rõ hơn quá trình hóa giải các áp lực mà ông đã gặp phải? 

Áp lực đầu tiên, đó là việc đăng dự thảo lên website để lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Quá trình soạn thảo, dự thảo Bộ luật đã đăng lên website rồi lại gỡ xuống nhiều lần.

Lý do, không phải vì chưa được chuẩn bị tốt mà là một số nội dung chứa đựng nhiều vấn đề nhạy cảm tác động đến dư luận xã hội và hội nhập thương mại như: Độ tuổi nghỉ hưu, tổ chức đại diện người lao động ngoài công đoàn… cần tính toán kỹ càng.

Sau rất nhiều nỗ lực soạn thảo, cuối cùng, dự thảo đã được đăng lên website lấy ý kiến rộng rãi nhân dân bắt đầu từ ngày 28/4/2019.

Áp lực thứ hai, đáp ứng yêu cầu tiến độ. Cơ quan soạn thảo đã phải dốc sức “vừa chạy vừa xếp hàng”, "vừa xoay lưng vừa mặc quần áo" để hoàn thiện hồ sơ Bộ luật với chất lượng cao nhất. Hầu hết các cuộc làm việc, các cuộc họp vào thứ bảy, chủ nhật; tổ biên tập thường xuyên làm việc ngoài giờ, làm việc ban đêm để hoàn thành khối lượng công việc rất lớn…

Áp lực thứ ba, làm sao để lựa chọn phương án giải quyết chính sách tối ưu nhất với điều kiện nguồn nhân lực, lợi ích quốc gia và nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội với phương án đó.

Để làm được điều này, Ban soạn thảo phải vượt lên chính mình, vượt lên cái chúng ta đang có, thuyết phục làm sao để tạo sự đồng thuận căn bản của người dân cũng như đại biểu Quốc hội chấp thuận các diễn giải và bấm nút thông qua.

Áp lực thứ tư, là từ các tổ chức quốc tế, đối tác thương mại. Tôi còn nhớ hồi tháng 6/2019, trong chuyến công tác tại Thụy Sỹ và Bỉ với tư cách là Đặc phái viên của Thủ tướng, tôi đã nhận được câu hỏi từ các bạn quốc tế: Bao giờ Việt Nam sẽ thông qua Bộ luật Lao động? Và, vấn đề tổ chức đại diện của người lao động ngoài công đoàn sẽ được quy định thế nào?

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo kế hoạch trình Thủ tướng phê duyệt một số công việc chính. Trong đó, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng 14 nghị định, 1 quyết định của Thủ tướng và 7 thông tư sẵn sàng cho việc thực thi Bộ luật từ ngày 1/1/2021.

Theo Thu Hằng - Trần Thường/Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh