THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:32

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trong khó khăn, Bắc Giang vẫn luôn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội

 

Về phía tỉnh Bắc Giang, tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Lê Ánh Dương - Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo Tỉnh, một số sở, ban, ngành và các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc

Bảo đảm việc làm, an sinh xã hội

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Mai Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: tỉnh Bắc Giang hiện có trên 160.000 đối tượng chính sách người có công, trên 63.000 đối tượng bảo trợ xã hội, 14.679 hộ nghèo, 18.610 hộ cận nghèo, 38 cơ sở dạy nghề, 305.000 lao động đang làm việc tại 6.532 doanh nghiệp.

Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 song tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, góp phần ổn định và phát triển kinh tế, xã hội. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã ban hành và triển khai thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; hỗ trợ đối tượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Đến thời điểm hiện tại, về cơ bản các chính sách theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Nghị quyết số 116/NQ-CP trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết.

Bên cạnh đó, tỉnh đã chú trọng tạo việc làm thêm cho 35.000 lao động; trên 356.000 người tham gia bảo hiểm xã hội, bằng 109,5% so với cùng kỳ; chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN có chuyển biến mạnh mẽ; phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo.

Tỉnh cũng tiếp tục duy trì thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với người có công; công tác giảm nghèo và an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái phát biểu tại buổi làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái phát biểu tại buổi làm việc.

Bổ sung, làm rõ hơn các vấn đề lao động, người có công và xã hội của tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ Dương Văn Thái cho biết, thời gian qua, tỉnh đã sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, dành nguồn kinh phí, huy động xã hội hoá quan tâm chăm lo đời sống người có công, đối tượng chính sách, hộ nghèo.

Trong định hướng phát triển Bắc Giang đến năm 2030, tỉnh xác định tập trung phát triển vào 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Để quy hoạch phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư lớn thì nhu cầu đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao đối với tỉnh là rất cần thiết. Do đó, Thường trực Tỉnh uỷ đã thông qua Đề án xây dựng Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế thành Trường Cao đẳng nghề miền núi Bắc Giang nhằm giải quyết nhu cầu đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tỉnh và một số tỉnh lân cận như Thái Nguyên, Lạng Sơn.

Tỉnh cũng xác định đào tạo nghề lao động có tay nghề cao cũng là yếu tố tạo lợi thế và sức cạnh tranh không chỉ cấp tỉnh mà còn cạnh tranh cấp khu vực trong quá trình thu hút các nhà đầu tư FDI.

Phát triển các trường nghề theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và vừa phát triển kinh tế - xã hội. Đi đôi với phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bắc Giang đã quan tâm thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chăm lo đời sống cho người nghèo.

Khẳng định phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, làm sao để mọi người dân của Bắc Giang vừa là chủ thể, vừa là đối tượng tham gia công cuộc đổi mới, đồng thời là người được thụ hưởng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn tỉnh Bắc Giang thời gian tới cần tập trung quan tâm phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu, ngăn chặn rủi ro; quan tâm, chăm lo nhiều hơn đến các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người yếu thế.

Trong lĩnh vực vực người có công, ngoài việc hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với hơn 160.000 đối tượng người có công với cách mạng, chi trả đúng, đủ, kịp thời trợ cấp hàng tháng cho trên 26.000 đối tượng người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Bắc Giang trong tháng 12 giải quyết dứt điểm hồ sơ tồn đọng đối với các trường hợp được ghi là liệt sĩ trong lịch sử Đảng bộ cấp xã nhưng còn thiếu thông tin, đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ (hi sinh thời kỳ chống Pháp).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và làm việc tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt - Hàn

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng tỉnh Bắc Giang cần quy hoạch phát triển các trường nghề theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng, tập trung vào xây dựng một số trường nghề trọng điểm, chất lượng cao, đào tạo nhiều trình độ (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và mô hình 9+); Trang bị kỹ năng mềm cho học viên các trường nghề, giảm học lý thuyết, tăng thực hành; liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp và doanh nghiệp phải là đơn vị tham gia trực tiếp vào quá trình đào tạo người lao động.

Đồng thời gắn chặt cung cầu với dự báo, xu hướng phát triển kinh tế địa phương để tập trung đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nguồn nhân lực cho tương lai. Bởi trên thực tế, thị trường lao động đang có 2 vấn đề lớn là đào tạo chưa gắn với nhu cầu của thị trường và chất lượng lao động thấp, dẫn đến năng suất lao động thấp. Do đó, Bộ trưởng cũng gợi ý tỉnh về việc sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động.

Với công tác giảm nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu tỉnh cần quan tâm hỗ trợ về sinh kế, đầu tư hạ tầng thiết yếu, đồng thời đặt mục tiêu tập trung xóa nhà tạm, dột nát xong trong 2 năm tới bằng nguồn lực hỗ trợ của Trung ương và huy động nhân lực tại chỗ ở địa phương.

Về những kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhất trí về thành lập Trường Cao đẳng nghề miền núi Yên Thế trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp nghề miền núi Yên Thế; Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn thành lập trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; quan tâm tạo điều kiện cho Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự bổ sung 3 nghề gồm: Điều dưỡng, dược, kỹ thuật phục hồi chức năng thuộc khối ngành chăm sóc sức khoẻ; hỗ trợ kinh phí xây dựng lại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp để thực hiện tốt chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.

THANH MẠNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh