THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:00

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Với cơ chế đặc thù, Thanh Hoá sẽ có sức bật mới

Thông tin tại hội nghị, bà Cầm Thị Mẫn - ĐBQH Chuyên trách, đại diện Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đã thông báo đến cử tri nội dung chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 16 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến, họp tập trung. Với phương châm linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, hiệu quả, thiết thực và thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh, tại kỳ họp này, một số đề xuất đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp theo hình thức trực tuyến được áp dụng và đạt kết quả tốt. Các ý kiến có chất lượng, sâu sắc, toàn diện, tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng, được cử tri đánh giá cao.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ở Thanh Hóa

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ở Thanh Hóa

Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 02 luật, 12 nghị quyết; cho ý kiến về 05 dự án luật khác; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Quốc hội đã nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV; xem xét nhiều báo cáo quan trọng về: công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội; việc quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019-2020; công tác tư pháp, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án, phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

Ý kiến và kiến nghị đến các ĐBQH, cử tri tại 5 điểm cầu các huyện Như Xuân, Như Thanh, Nông Cống, Quảng Xương và thị xã Nghi Sơn cho biết: Các chính sách về ASXH được quan tâm, người dân được thụ hưởng, ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó chủ trương sáp nhập các xã, các đơn vị hành chính và tinh giảm biên chế đang còn nhiều bất cập. Đại diện cử tri mong muốn các ĐBQH trình Quốc hội ban hành và quan tâm nhiều hơn đến các chế độ chính sách ASXH, đặc biệt là quan tâm đến các chính sách sau khi sáp nhập đối với cán bộ dôi dư tại các xã đã sáp nhập đang làm việc không đúng với chức danh, đối với người già cô đơn là hộ nghèo… Chính sách XH cho các thôn đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Các cấp các ngành xem xét, không thuộc vùng 2, vùng 3 được hưởng chính sách BHYT. Có lộ trình cho người dân vừa thoát khỏi chương trình 135. Phân bổ lao động đồng đều, giảm tải tập trung lao động ở các khu đô thị đối với các lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê hương…

Với cơ chế đặc thù Thanh Hoá sẽ có sức bật mới

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Lê Đức Giang cho biết: “Trong thời gian qua, tỉnh Thanh Hoá đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cùng với sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp Bộ, ngành, các cơ quan Trung ương. Trước tình hình dịch bệch Covid-19 diễn ra phức tạp, tỉnh Thanh Hoá đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đồng lòng giữ vững an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, hoàn thành nhiệm vụ với “mục tiêu kép”, vừa phát triển kinh tế vừa kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hoá nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu của cả nước. Công nghiệp, nông nghiệp phát triển, thu ngân sách 10 tháng ước đạt 27,389 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ…”

Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị

Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị

“Với các ý kiến của các cử tri của 5 điểm cầu của các huyện, lĩnh vực nào thuộc tỉnh, tỉnh giải quyết, của huyện, huyện giải quyết, còn những lĩnh vực nào các cử tri có ý kiến liên quan đến các chính sách về an sinh xã hội, về đất đai, về nông nghiệp, BHYT, BHXH, giao thông… Đề nghị các ĐBQH truyền tải những ý kiến của các cử tri đến các cấp, các ban ngành chức năng, đến Quốc hội… Với mong muốn trong thời gian tới các ĐBQH, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện, giúp đỡ Thanh Hoá nhiều hơn nữa. Trong những năm tiếp theo, Thanh Hoá phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ, chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra. Sớm đưa Thanh Hoá trở thành một trong những tỉnh phát triển nằm trong top đầu của cả nước”- ông Lê Đức Giang nhấn mạnh.

 Ông Phạm Đăng Lực, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị

Ông Phạm Đăng Lực, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ những khó khăn với tỉnh Thanh Hoá trong thời gian dịch bệnh vừa qua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, xã hội, an sinh xã hội, đời sống người dân. Song bên cạnh đó, Thanh Hoá đã kiểm soát được dịch bệnh không để bùng phát, vẫn giữ vững được phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cho người dân tương đối ổn định, quan tâm đến các đối tượng yếu thế của xã hội, các đối tượng BTXH, người già neo đơn, hộ nghèo và các gia đình chính sách.

IMG_5555
IMG_3756
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trung tâm Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, các ĐBQH có trách nhiệm với từng ý kiến, kiến nghị của các cử tri gửi gắm, đặc biệt là nhóm ý kiến của các cử tri về các chính sách thiết thực với đời sống người dân, an sinh xã hội. Đoàn ĐBQH Thanh Hoá đã hoạt động nhiệt huyết, có trách nhiệm với cử tri, với tỉnh Thanh Hoá. Đối với Thanh Hoá, trong phiên họp này đã có nhiều quyết sách cơ chế đặc thù cho Thanh Hoá. Nghị quyết quy định tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của các tỉnh, thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định”.

“Về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, theo Nghị quyết, hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Đặc biệt, đối với Thanh Hoá, trong phiên họp này đã có nhiều quyết sách cơ chế đặc thù cho Thanh Hoá, về cơ chế cho Khu kinh tế Nghi Sơn, cho lao động, cơ chế mang tính chất đặc thù, riêng biệt cho riêng Thanh Hoá. Chính sách đất đai, chính sách cán bộ cũng được “mở” để thu hút nguồn lao động về địa phương, Thanh Hoá có được 8 cơ chế đặc thù, đây cũng là cơ hội để tỉnh phát triển nhanh hơn, có sức bật mới”- Bộ trưởng thông tin thêm.

Cần rà soát kỹ các đối tượng, không để trục lợi chính sách

Trước ý kiến, kiến nghị của các cử tri, về các chính cho người nghèo, vùng dân tộc thiểu số, về lao động các tỉnh phía Nam trở về địa phương. Bộ trưởng đề nghị: “Để thực hiện hỗ trợ chính sách đúng đối tượng, đúng vùng miền được thụ hưởng. Cần phải rà soát từng đối tượng, từng khu vực để chính sách hỗ trợ đúng đối tượng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách. Chi hỗ trợ sai đối tượng, chi sai mục đích vẫn đang còn nhiều, vẫn đang còn tình trạng đối tượng trục lợi chính sách, khai gian hồ sơ để nhận hỗ trợ chính sách của Nhà nước. Chính vì vậy, khi lập hồ sơ cho các đối tượng cần công khai minh bạch, niêm yết tại các nhà văn hoá địa phương, tại các xã, phường và cùng kết hợp với giám định y khoa đầy đủ đối với các đối tượng ảnh hưởng chất độc hoá học, đối tượng BTXH, các thủ tục cần làm đúng, làm chuẩn ngay từ cơ sở thì các đối tượng mới được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước”

Empty
 Cử tri tại các điểm cầu

Cử tri tại các điểm cầu

“Có một số địa phương đã thoát khỏi vùng nghèo, vùng 30a, vùng đặc thù, song bên cạnh đó cũng đang còn một số bộ phận người dân, các xã vùng biên vẫn còn nhiều khó khăn thì cần có "độ trễ" của chính sách, nhằm tạo điều kiện để các địa phương, người dân tiếp tục được hỗ trợ chính sách để thoát nghèo bền vững, ổn định đời sống. Trong quá trình thực hiện các chính sách của Đảng và nhà nước, các đoàn thể, các ngành chức năng cũng cần nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của các chính sách này; trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải tiến hành đồng bộ, nghiêm túc, đúng đối tượng, đúng quy định, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, không để lợi dụng chính sách để trục lợi cá nhân. Đồng thời, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chính sách bảo đảm kịp thời, đúng nguyên tắc, đúng đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong thực hiện chính sách hỗ trợ, tuyệt đối không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước đó, vào chiều 18/11, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức buổi gặp mặt giữa hai đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá Khoá XIV và Khoá XV.

THU HƯƠNG - ANH TUẤN

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh