THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:57

Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: “Đi làm thuê để trở về làm chủ”

Mô hình đơn vị sự nghiệp công lập: Sẽ giúp giảm chi phí cho người lao động

Tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh một điểm mới trong dự thảo luật lần này là bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh/thành phố có thẩm quyền đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, quy định được đưa ra bắt đầu từ mô hình của tỉnh Đồng Tháp, tỉnh này thời gian qua đã ký được nhiều hợp đồng với các tỉnh bạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đưa được rất nhiều lao động tại địa phương sang những địa bàn lao động rất tốt này để làm việc mà người lao động không phải mất bất cứ khoản phí nào để đi. Thực tế, việc quản lý người lao động ở nước sở tại qua mô hình này cũng rất tốt, không có trường hợp nào người lao động vi phạm, bỏ trốn ở lại sau thời gian làm việc.

Những kết quả tích cực này khác hẳn thực tế tình trạng vi phạm hợp đồng của người lao động, tình trạng lừa đảo người lao động mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động gây ra. Gần nhất, Hàn Quốc đã công bố danh sách 3 huyện ở Thanh Hóa mà nước này sẽ không tiếp nhận lao động nữa vì tình trạng lợi dụng chính sách, đi lao động "chui", trốn ở lại sau khi hết hạn hợp đồng…

Về nội dung Quỹ hỗ trợ lao động Việt Nam ở nước ngoài, Phó Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội cho rằng, về nguyên tắc, nhà nước không lập quỹ ngoài ngân sách. Tuy nhiên, với quỹ này, sau cuộc giải cứu lao động Việt Nam mắc kẹt tại Lybia thời gian trước, các cơ quan nhận định việc duy trì quỹ có hiệu quả tích cực. Khi đó, 10.000 người lao động đã được đưa về nước an toàn, tránh được cảnh chiến tranh bùng nổ tại nước sở tại nhờ khoản 200 tỷ đồng từ quỹ do doanh nghiệp và người lao động cùng đóng góp.

"Quỹ này cũng hiệu quả với việc đào tạo, hỗ trợ, bảo hộ người lao động. Vậy nên cơ quan thẩm tra cũng như UB Thường vụ Quốc hội đồng tình giữ lại quỹ này với điều kiện không được "đẻ" ra bộ máy, quỹ không phụ thuộc vào nguồn lực nhà nước, phải quản lý chặt chẽ, quy định ngay trong luật về mục tiêu chi của quỹ" – ông Bùi Sỹ Lợi nói.

Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài:  “Đi làm thuê để trở về làm chủ” - Ảnh 1.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi về mô hình đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, thành phố đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài

Về chính sách đối với lao động về nước, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đây là phần yếu nhất của Luật hiện hành, do vậy, Luật mới cần bổ sung, thứ nhất là phải theo dõi được người lao động bắt đầu từ khi đi cho đến khi quay trở về. Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan tham mưu cho Chính phủ phải có hệ thống công nghệ thông tin để nắm tất cả lực lượng lao động này, thứ hai là phải có chính sách hỗ trợ người lao động  tái hòa nhập hay nói cách khác là tạo cơ chế để người lao động có thể dùng tiền, dùng kiến thức đã tích lũy được để khởi nghiệp, phát triển kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội: Xử nghiêm hành vi lợi dụng việc đưa lao động ra nước ngoài để trục lợi

Nhấn mạnh dự luật không điều chỉnh đối với người đi lao động không theo hợp đồng và vừa qua có nhiều trường hợp bị lừa đưa đi làm việc rất vất vả ở nước ngoài, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ phải làm rõ việc phí doanh nghiệp phải nộp khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là bao nhiêu. Ba năm đi làm theo hợp đồng thì phí thu mấy tháng lương và đặt cọc để họ không trốn. Tuy nhiên, nếu lợi dụng, làm trái là vi phạm pháp luật và phải xử lý.

Phải nhận thức lại cho đúng, không được dùng xuất khẩu lao động mà là đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc, cử đại diện khi đưa lao động đi. Các quốc gia có nhiều lao động Việt Nam sang làm việc phải có tham tán thương mại để xử lý, bảo hộ công dân. Tai nạn lao động xử lý theo pháp luật sở tại. Doanh nghiệp nào lợi dụng để thu phí môi giới trái pháp luật phải xử lý, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trao đổi thêm về mô hình đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh, thành phố đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh  và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, mô hình này đã được thí điểm tại 4 địa phương (trong đó có Đồng Tháp, Ninh Thuận…) đều cho thấy hiệu quả. Bản chất của việc này là thỏa thuận lao động được ký kết giữa địa phương với quốc gia khác. Bộ cũng đã tiến hành tổng kết 2 năm việc thí điểm mô hình, kết quả đánh giá tích cực nên mới quyết định đưa vào luật trong lần sửa đổi này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện tại thực hiện thông qua doanh nghiệp. UBND tỉnh hoạt động trên cơ sở cơ quan tham mưu, chứ không thể thông qua doanh nghiệp như vậy, không đảm bảo khách quan, minh bạch. Vậy nên, khi để cơ quan tham mưu của chính quyền cấp tỉnh có thể thực hiện việc này, thì luật phải "khuôn" điều kiện cơ quan này là một đơn vị sự nghiệp, không phải doanh nghiệp, hoạt động không vì lợi nhuận và cũng không được cấp phép làm dịch vụ xuất khẩu lao động.

Như ở Đồng Tháp, cơ quan này là trung tâm dịch vụ việc làm, về bản chất, đây là một đơn vị trực thuộc cơ quan nhà nước. Theo đó, đứng ra ký kết thỏa thuận lao động là UBND, đóng vai trò pháp nhân nhà nước, không phải doanh nghiệp. Tỉnh Đồng Tháp đã đưa được nhiều nghìn lao động sang Nhật Bản và Hàn Quốc làm việc suốt thời gian qua mà không xảy ra sự cố, vướng mắc.

Bộ trưởng cho biết, thực tế, ngay trong luật hiện hành (luật năm 2012) đã cho phép các đơn vị tương tự trực thuộc các bộ, ngành thực hiện việc này nhưng đến nay vẫn hầu hết không làm, không đưa người đi được.Còn nếu để toàn bộ hoạt động này cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải có lợi nhuận, làm việc vì lợi nhuận nên chắc chắn có thu phí của người lao động. Mô hình mới đề xuất đưa vào luật lần này sẽ giúp giảm chi phí cho người lao động.

Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài:  “Đi làm thuê để trở về làm chủ” - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 6

Đồng Tháp: Tỉnh còn cho mượn tiền chứ không có chuyện người lao động lo lót để đi nước ngoài

Chia sẻ kinh nghiệm của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan khẳng định, thành công nhất của tỉnh này với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài không phải chỉ hướng tới mục đích "xóa đói giảm nghèo", để mong mỗi người lao động đi kiếm được 30 triệu đồng/tháng gửi về quê mà đưa người đi với tư duy "đi làm thuê để trở về làm chủ".

Theo đó, UBND tỉnh giao Trung tâm xúc tiến việc làm thực hiện căn cơ cả 3 giai đoạn: trước khi đi, trong khi làm việc ở nước ngoài và khi trở về.

Đến nay đã có khoảng 6.000 lao động đưa đi theo diện này. Tỉnh đang xúc tiến với nhóm đối tượng là bộ đội xuất ngũ, nhiều nhóm đã được giới thiệu, đưa sang Nhật làm trong hãng Toyota, đối tác rất đón nhận.

Tỉnh cũng chủ trương đưa người dân ra nước ngoài làm việc tại các trang trại, hợp tác xã theo kiểu thời vụ ngắn, 2-3 tháng, khi nông nhàn để người nông dân để tìm hiểu luôn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của các nước bạn. Nhiều hộ dân sau khi về nước đã bắt chước làm nhà lưới, hệ thống tưới tự động… sản xuất hiệu quả hơn.

Mô hình này, theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng giúp kết nối chặt chẽ hơn với người lao động ngay tại "trời Tây". Có những vụ, nửa đêm công dân gọi Zalo cho cán bộ UBND báo bị quấy rối tình dục bên đó, chính quyền lập tức liên hệ với nghiệp đoàn phía nước bạn, cử được luật sư xuống hỗ trợ ngay. Việc thẩm định nghiệp đoàn của 2 bên, UBND tỉnh cũng giám sát chặt chẽ.

Cũng từ  Đồng Tháp, ĐB Phạm Văn Hòa cho biết, mô hình trung tâm xúc tiến của tỉnh không chỉ tuyển lao động đi nước ngoài, mà còn tuyển lao động cho các doanh nghiệp trong nước. "Cũng có một số doanh nghiệp lôm côm, tào lao, nói đưa lao động đi, nhưng thực tế là cò. Người lao động phải hối lộ để được đi lao động ở nước ngoài. Đồng Tháp không có chuyện đó, thậm chí còn cho các em mượn tiền để đi, chứ không có chuyện lo lót cán bộ để đi nước ngoài", ông Hòa nói thêm.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh