THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:02

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: 'Hành động tất cả vì tuổi trẻ Việt Nam'

Làm thế nào để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp?

Đó là câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra với các bộ, ngành tại Diễn đàn.

Đại biểu Trần Thị Hồng Hạnh, huyện Đoàn huyện Nhà Bè (TP HCM) thẳng thắn nêu thực trạng không ít sinh viên ra trường thất nghiệp, làm trái ngành nghề, chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Tình trạng này do công tác định hướng nghề nghiệp chưa thực sự hiệu quả dẫn đến nhiều học sinh chọn nhầm trường, nhầm nghề, thất nghiệp. Ở cấp độ vĩ mô, học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh thiếu thông tin dự báo về nhu cầu nhân lực các ngành nghề.

Theo đại biểu Hồng Hạnh, để tăng hiệu quả việc hướng nghiệp phải kết nối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp giới thiệu về việc làm, từ đó, sinh viên có thể làm quen với công việc, nhận diện được công việc cũng như có thể tìm được những việc làm mong muốn hoặc tìm ra hướng đi cho riêng mình. Ngay từ cấp THCS, THPT nên có các CLB nghề nghiệp. Những mô hình này giúp định hướng nghề nghiệp sớm cho thanh niên.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp

 

Là Bí thư Đoàn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đại biểu Huỳnh Tấn Long cho biết sinh viên rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp, nhiều mô hình khởi nghiệp đang được nhân rộng, tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp. Tuy nhiên, ngoài kỹ năng, kiến thức, vốn…, nhiều bạn trẻ đang vướng một số vấn đề, đó là kiến thức liên quan đến chính sách pháp lý, thủ tục hồ sơ liên quan để thành lập các doanh nghiệp, hoặc những chính sách pháp lý về vấn đề an toàn thực phẩm…

“Rõ ràng những ý tưởng không phải là không có khả năng thực thi nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên những dự án thành công còn hạn chế. Chúng ta cần có thêm nhiều vườn ươm, tư vấn thêm để các bạn có thêm động lực, thêm kinh nghiệm quay trở lại phát triển dự án cần có những mô hình khởi nghiệp để trau dồi thêm cho các bạn trẻ” - anh Long nói.

Đại biểu tham dự trao đổi với lãnh đạo các bộ ngành

 

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Ngô Tường Vy (Bến Tre) cũng cho rằng, yếu điểm của các bạn trẻ khởi nghiệp và cũng là nguyên nhân dẫn đến 80% các dự án không thành công là do các bạn chưa tìm hiểu sâu sản phẩm của mình có phù hợp với thị hiếu thị trường hay không. Do vậy, tại các địa phương nên thành lập CLB khởi nghiệp để tạo môi trường cho các bạn trẻ. Không chỉ nhận được hỗ trợ về chính sách, thủ tục hành chính, CLB chính là môi trường để học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các doanh nghiệp đã thành công trên nhiều lĩnh vực.

Đại biểu Hà Tuấn Linh, Bí thư Đoàn Tổng công ty Sông Đà cho rằng, có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, song cũng có không ít doanh nghiệp thất bại. Điều này không chỉ gây thất thoát nguồn vốn cho nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ, mà còn mất nguồn vốn của cá nhân người khởi nghiệp. Anh Linh băn khoăn: “Việc định hướng cho thanh niên khởi nghiệp là vấn đề cần quan tâm. Nhà nước có chính sách gì để hỗ trợ người khởi nghiệp?”.

Sẽ có nhiều chương trình đào tạo, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên

Đại biểu đặt câu hỏi: Nhà nước có chính sách gì để hỗ trợ người khởi nghiệp?

 

Chia sẻ với các đại biểu, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã được quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó quy định chính sách đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và cũng quy định quỹ đầu tư, cơ chế sử dụng ngân sách địa phương cũng như nguồn lực huy động từ các nhà đầu tư tư nhân để đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đương nhiên, đầu tư cho khởi nghiệp bao giờ cũng có rủi ro chứ không phải DN nào cũng thành công, tuy nhiên, đây không phải là vấn đề quá lo lắng. Tới đây Chính phủ sẽ có nhiều sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp nói chung và thanh niên nói riêng. Cụ thể, Bộ KH-ĐT trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chi tiết về đầu tư trong khởi nghiệp sáng tạo giúp khơi thông dòng vốn khởi nghiệp sáng tạo, khuyến kích thành lập quỹ đầu tư tạo dựng căn cứ pháp lý cho các địa phương hỗ trợ DN khởi nghiệp sáng tạo trên các địa phương.

Ngoài ra, ông Phương cũng cho biết thêm, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định tổ chức và hoạt động của quỹ phát triển DN nhỏ và vừa, quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa nhằm hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa bao gồm cả DN khởi nghiệp. Khi 2 Nghị định này được ban hành sẽ tạo động lực để DN thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp hơn nữa.

 

Liên quan đến chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết, sắp tới ngoài đào tạo năng lực thực hiện cho người học, các trường từ dạy nghề từ trung cấp đến ĐH sẽ đào tạo kỹ năng mềm, trong đó có kỹ năng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Tháng 10 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ phê duyệt quyết định đề án hỗ trợ khởi nghiệp cho HS-SV với mục tiêu: thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho sinh viên; đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; tạo môi trường thúc đẩy ý tưởng các dự án khởi nghiệp. “Mục tiêu đề án đặt ra đến năm 2020, các trường CĐ, ĐH, trung cấp 100% các trường phải có kế hoạch hỗ trợ SV khởi nghiệp; 90% các trường sẽ có kế hoạch cụ thể đào tạo bồi dưỡng kiến thức kỹ năng khởi nghiệp; 70% các trường ĐH và 50% các trường trung cấp phát triển và hiện thực hóa 2 dự án khởi nghiệp. Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng kế hoạch trong tháng 12 sẽ triển khai. Song song với hoàn thiện giáo trình khởi nghiệp, trong thời gian tới chúng tôi sẽ quan tâm đến đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy khởi nghiệp”, ông Dũng cho biết.

Tập trung 3 khâu đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

Giải đáp các thắc mắc tại diễn đàn, trong đó có công tác định hướng nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 10 về định hướng phân luồng học sinh sinh viên, trong đó định hướng phân luồng học sinh từ phổ thông cơ sở vào học nghề phấn đấu đạt 30%. Tuy nhiên, việc phân luồng trên hiện nay đang mang tính cơ học. Tâm lý chung của thanh niên hiện nay là muốn học đại học. Nguyện vọng này là chính đáng, rất đúng và nên khuyến khích nhưng phải dựa trên cơ sở khả năng, năng lực của mỗi người…

“Hướng nghiệp tốt nhất là mỗi cá nhân phải tìm công việc phù hợp với khả năng của mình. Học đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân lập nghiệp. Mới đây tôi có khảo sát tình hình học nghề tại TP Hồ Chí Minh và gặp nhiều trường hợp học sinh tốt nghiệp thủ khoa, thành tích học tập tốt, nhưng không học đại học mà học nghề hướng dẫn viên du lịch, nhà hàng khách sạn; đến nay đã có công việc ổn định và bạn khẳng định đó là lựa chọn đúng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, phục vụ thanh niên cũng là phục vụ đất nước

 

Trước thực trạng thất nghiệp của hơn 200.000 sinh viên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để giải quyết vấn đề này, không chỉ cần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mà còn phải nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Hiện chúng ta có 1974 trường cao đẳng, trung cấp nghề và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đang tiến hành sắp xếp quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, đổi mới phương thức đào tạo và xác định năm 2018 sẽ là một năm đột phá trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. “Hiện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang xây dựng đề án đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 10 nhóm giải pháp lớn hướng tới mục tiêu lượng người học nghề tăng lên, học nghề ra có việc làm, có thu nhập ngày càng cao, được học liên thông và tiến tới làm sao để xã hội coi việc học nghề là việc bình thường. Đề án sẽ tập trung vào 3 đột phá trong giáo dục nghề nghiệp gồm: Giao tự chủ cho nhà trường (tự chủ cả về bộ máy, con người và tài chính); Kết nối với doanh nghiệp và Chuẩn hóa chương trình giáo dục nghề nghiệp. 3 nhóm giải pháp đó sẽ là những giải pháp căn cơ để chúng ta có những công nhân kỹ thuật, những người thợ có trình độ chuyên môn  cao" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, ngành Lao động đang được giao quản lý nhà nước 14 lĩnh vực thì hầu hết đều có liên quan đến thanh niên: từ dạy nghề, việc làm, xuất khẩu lao động, bình đẳng giới… Theo Bộ trưởng, cán bộ đoàn, ngoài những “điểm sáng” thì cần quan tâm hơn nữa đến nhưng “mảng tối” như: thanh niên thất nghiệp, thanh niên nghiện ma túy, tội phạm hình sự, nạn bạo lực xâm hại trẻ em… “Dù mỗi thời kỳ có một sứ mệnh khác nhau nhưng thanh niên dù ở thời kỳ nào cũng là rường cột nước nhà, đi liền với đặc tính tình nguyện, xung kích, sáng tạo dù. Các bạn hãy “xả thân” hơn nữa. Phục vụ tuổi trẻ cũng là phục vụ đất nước, chúng tôi cam kết sẽ hành động tất cả vì tuổi trẻ Việt Nam” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Bài: CHÂU GIANG; Ảnh: MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh