Các siêu dự án nghìn tỷ thua lỗ: Nếu cố tình làm sai sẽ xem xét cả trách nhiệm hình sự
- Tây Y
- 21:57 - 15/11/2016
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh
Trong phần phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Phiên chất vấn các bộ trưởng Công Thương, TN&MT, GD&ĐT, Nội vụ sẽ chính thức bắt đầu từ hôm nay, 15-11.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, đề cập thẳng đến trách nhiệm của các bộ trưởng, không giải thích, bình luận và không hỏi nhằm lấy thông tin. “Các đại biểu không hỏi theo cách: Xin Bộ trưởng cho biết. Mỗi câu hỏi không quá hai phút và mỗi đại biểu chỉ tranh luận một lần để dành thời gian cho các đại biểu khác”.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết có ý kiến đề nghị kéo dài thời gian chất vấn. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giữ nguyên thời gian chất vấn là 2,5 ngày.
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về hiện trạng có nhiều dự án thuộc Bộ Công Thương quản lý đang thua lỗ, thậm chí "đắp chiếu", đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nói: Bộ trưởng đã thẳng thắn chỉ rõ những công trình thua lỗ không loại trừ những hành vi sai phạm trong quản trị và có sai phạm trong hoạt động quản lý đầu tư. Bộ trưởng làm rõ hơn những sai phạm này và đâu là trách nhiệm của DN, đâu là trách nhiệm của quản lý nhà nước. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim"?
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời: đối với 5 dự án thua lỗ tồn đọng còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, quản lý ngành, Bộ đã có đánh giá sơ bộ. “Tôi hiểu ở đây, đại biểu và cử tri mong muốn làm rõ hơn nữa nguyên nhân, xử lý và xem xét trách nhiệm, tránh trường hợp tiếp tục xảy ra trong tương lại”.
Theo đó, 5 dự án này được xem xét đầu tư từ 2003 đến nay, trong từng dự án cụ thể do tính chất đặc thù của ngành có những diễn biến khác nhau, có nhiều nguyên nhân khác nhau, kéo dài nhiều thời kỳ khác nhau nên đi vào đánh giá chung thì khó... Tất cả dự án này đều triển khai kéo dài so với thời hạn đã phê duyệt. Điểm chung các dự án này đều rơi vào thời điểm có những biến động của thế giới, thị trường thế giới tác động ảnh hưởng rất mạnh đến dự án. Thị trường nhiên liệu như dầu khí, dầu thô từ mức hơn 100 USD/thùng sau đó tụt còn 40 USD/thùng ảnh hưởng trực tiếp đến tính khả thi của dự án…
Người đứng đầu ngành Công Thương cũng chỉ ra hạn chế tồn tại có một số nguyên nhân chung. Đó là do năng lực của chủ đầu tư mà ở đây là các tập đoàn, tổng công ty 91 - người trực tiếp thực hiện và quản lý dự án đầu tư và phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong phê duyệt thẩm định.
Tiếp đó, là năng lực hạn chế của ban quản lý dự án cũng như các đơn vị trực tiếp phân công quản lý dự án.
Năng lực của chúng ta trong tổ chức đàm phán, ký kết các hợp đồng thực hiện các dự án này. Điều này liên quan năng lực và khả năng thực hiện của các nhà thầu, trong đó có các nhà thầu nước ngoài.
“Chính những hạn chế này dẫn đến các dự án bị kéo dài, việc thực hiện không được suôn sẻ, thậm chí trong nhiều dự án thực hiện không đúng quy định hợp đồng và nội dung được phê duyệt”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Còn việc xem xét làm rõ trách nhiệm, Bộ Công Thương đang phối hợp các ngành nghiên cứu báo cáo giải trình Chính phủ và để xuất giải pháp xử lý để không xảy ra tình trạng tương tự.
Ông Tuấn Anh cho rằng, trong xem xét trách nhiệm cần làm cẩn trọng, đánh giá đầy đủ theo khung pháp lý, đánh giá đúng trong từng giai đoạn cụ thể để xem xét trách nhiệm của các cấp quản lý Nhà nước, của doanh nghiệp, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, của tổ chức và cá nhân.
ĐBQH Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương
Đồng thời làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan có sự vô tình hay cố ý. Trong đó không loại trừ có sự có tình làm sai trong quản trị của doanh nghiệp, điều này làm rõ trong thời gian tới…
“Việc xử lý trách nhiệm nếu có, đặc biệt là các vi phạm pháp luật, có sự cố tình làm sai chắc chắn sẽ xem xét kể cả trách nhiệm hình sự”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Chưa hài lòng, ĐB Nguyễn Tiến Sinh giơ biển xin tranh luận lại. Theo ĐB, dư luận và người dân quan tâm đến trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước đến đâu? Trách nhiệm trong quản trị doanh nghiệp ở đó thế nào? “Tôi rất lo ngại, khi đầu tư các dự án, cơ quan quản lý Nhà nước chỉ cho chủ trương đầu tư còn triển khai, quản lý do tổng công ty 90, 91 thực hiện. Tôi thấy việc này hoàn toàn không ổn. Doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước, tài sản Nhà nước, sử dụng tiền thuế của dân lại khoán trắng như vậy? Trách nhiệm quản lý của cơ quan chủ quản đến đâu?”
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, dự án kéo dài từ rất lâu rồi, tính chất công nghệ, tính chất đặc thù của từng dự án khác nhau. Quá trình đánh giá cụ thể về nguyên nhân, trách nhiệm của từng khâu, từng bộ phận thế nào, đánh giá với khung pháp lý để làm rõ trách nhiệm thì cần phải có thời gian.
Chúng ta đã có sự chỉ đạo về việc này, không chỉ Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ mà còn Kiểm toán Nhà nước và hàng loạt cơ quan khác đều tham gia vào quá trình xem xét, đánh giá cụ thể dự án.
Chia sẻ lo lắng của ĐB, người đứng đầu ngành Công Thương trấn an, nhưng từ sau năm 2012, Nghị định 99 được ban hành, giao trách nhiệm cho các bộ theo từng lĩnh vực quản lý Nhà nước. Chúng ta sẽ xem được rõ các trách nhiệm từ nay về sau của các bộ, ngành quản lý Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan chủ quản trong quản lý các doanh nghiệp và quản lý các dự án đầu tư qua các doanh nghiệp đó.
Đối với quản trị doanh nghiệp, đã có khung khổ pháp lý cụ thể. Do vậy, các dự án trên được xem xét trên khung khổ pháp luật để xem có sự làm sai hay không, làm sai đó do vô tình hay cố tình, sai với mục đích gì, trách nhiệm đến đâu...
Một số dự án đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ, một số dự án đang được tiếp tục thanh tra, kiểm tra.
“Việc xem xét nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể thế nào, chúng tôi cần có thời gian”, Bộ trưởng nói và thông tin thêm, sẽ có sự rút kinh nghiệm và xây dựng các phương án khắc phục những tồn tại, cả về mặt pháp lý. Chúng tôi xin phép ở những kỳ họp Quốc hội sau sẽ tiếp tục báo cáo.