CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:02

Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan thường trực xây dựng Chính phủ điện tử

Thủ tướng ghi nhận và biểu dương vai trò của Văn phòng Chính phủ, các đơn vị trực thuộc Văn phòng Chính phủ, trực tiếp là cá nhân đồng chí Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc tham mưu xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực, bước đầu triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020.

Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan thường trực xây dựng Chính phủ điện tử  - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký Quy chế phối hợp trong công tác xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử giữa Văn phòng Chính phủ với Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 20.9.2018


Để tiếp tục tăng cường chức năng quản lý nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo sửa đổi Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, với những nội dung cụ thể sau:

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban.

- Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông làm Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử, thôi làm Tổ phó Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban; chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử.

- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Thành viên Ủy ban, thôi làm Ủy viên thường trực, Tổng thư ký, Tổ trưởng Tổ công tác. Giao Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thành viên Ủy ban làm Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ủy ban.

- Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ thôi làm Tổ phó thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban.

Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan thường trực xây dựng Chính phủ điện tử  - Ảnh 2.

Xây dựng chính phủ số là bước đi hướng tới hình thành chính phủ kiến tạo và phục vụ.


- Bộ Thông tin và Truyền thông làm cơ quan thường trực của Tổ công tác. Theo đó chuyển nhiệm vụ thường trực Tổ công tác giúp việc Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông đảm nhiệm. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ thường trực hiệu quả, không làm gián đoạn tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương bàn giao nhiệm vụ bao gồm cả kinh nghiệm quốc tế về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Trên cơ sở Quyết định sửa đổi Quyết định số 1072/QĐ-TTg ngày 28/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ, giao Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử sửa đổi Quyết định số 336/QĐ-UBQGCPĐT ngày 28/8/2018 ban hành quy chế hoạt động của Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử bảo đảm tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng Chính phủ điện tử theo đúng quy định của pháp luật và trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia trong tháng 9 năm 2019.

Kết luận của Thủ tướng cũng nêu rõ: Chuyển nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ Đề án giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu và tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin tại các bộ, ngành, địa phương từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông. Thời gian trình trong năm 2019.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Chính phủ Việt Nam xác định xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2016-2020 để tạo ra những nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện trong giai đoạn 2021-2030.

Chuyển nhiệm vụ phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia theo công nghệ tiên tiến trên thế giới làm nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu... và là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm bảo đảm nền tảng kết nối an toàn tuyệt đối cho các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, không làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Chuyển nhiệm vụ chỉ đạo thực hiện mở dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của Chính phủ, tích hợp với Hệ tri thức Việt số hóa từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông đảm nhiệm.

Chuyển nhiệm vụ định kỳ hàng quý báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ và Nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số đo lường, đánh giá hiệu quả, chất lượng (KPI) thực thi nhiệm vụ triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Thông tin và Truyền thông đảm nhiệm. Việc báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ bắt đầu từ tháng 9 năm 2019.

Văn phòng Chính phủ tiếp tục tổ chức kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ và Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo đúng nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11/11/2016, Nghị định số 09/2019/NĐ-CP ngày 24/1/2019 và Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ tăng cường đôn đốc thực hiện và tổng hợp tình hình, kết quả xây dựng Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.


PV (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh