THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 08:37

Bổ sung quy định xử lý cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu

Bổ sung quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu là đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác.

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính pháp lý vì đối tượng này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật; hệ quả pháp lý của việc xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm thì những văn bản, quyết định của những người này ký còn hiệu lực hay không...

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ, quy định như dự thảo là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, đúng với tính chất của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu. Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Chính phủ nhận thấy dự thảo Luật đã bổ sung quy định xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu tại khoản 16 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 84 của Luật Cán bộ công chức về áp dụng quy định của Luật cán bộ, công chức đối với các đối tượng khác.

Theo đó, Điều 84 quy định cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật: Khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

“Quy định như vậy là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật, đúng với tính chất của đối tượng cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ hưu là “đối tượng khác” so với cán bộ, công chức”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh và cho rằng, do đây là hình thức xử lý kỷ luật mới, đối tượng áp dụng tương đối rộng nên thực tế có thể phát sinh một số vấn đề pháp lý khác nhau đối với các đối tượng khác nhau. Vì vậy, những nội dung này Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép quy định chi tiết ở Nghị định.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, cơ quan này tán thành sự cần thiết phải bổ sung trong dự thảo Luật quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian công tác để thể chế hóa yêu cầu trong nghị quyết Trung ương, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh, để thể hiện rõ hơn vấn đề này trong dự thảo Luật, Ủy ban Pháp luật đề nghị tách nội dung đang được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Điều 84 thành điều riêng quy định theo hướng: Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình trong thời gian công tác; tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý hành chính hoặc xử lý kỷ luật; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật và quy định về một số hình thức xử lý kỷ luật cụ thể trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tương ứng với từng đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm cần quy định hình thức kỷ luật phù hợp bảo đảm hệ quả pháp lý gắn trực tiếp với quyền lợi cụ thể mà cán bộ, công chức, viên chức đó được hưởng trong thời gian công tác hoặc nghỉ hưu. Đồng thời, cần quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền xử lý, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật để bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, qua tổng hợp, các tầng lớp nhân dân đều nhất trí với việc bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc, nghỉ hưu


Cần có cơ chế đặc biệt để sử dụng người tài

Quan tâm đến chính sách đối với người tài, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng đây là nội dung mới được đưa vào luật, nhận được sự quan tâm của nhiều người. Thực tế, thời gian qua, nhiều địa phương đã vận dụng phương pháp này, triển khai trong công tác tuyển dụng cán bộ tại địa phương để thu hút nhân tài. Do đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có đánh giá về việc này trước khi đưa vào luật. Đồng thời, cần có khái niệm cụ thể, thế nào là người tài; và phải đưa ra các nguyên tắc để thu hút, sử dụng người tài, trong đó phải định ra cơ chế đặc biệt để sử dụng người tài, nhất là trong cơ chế thi tuyển, sử dụng nhân tài. Đồng thời cũng cần luật hóa các nội dung thi tuyển các chức danh lãnh đạo để thống nhất trong tổ chức thực hiện.

Cùng quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu dẫn chứng lại đánh giá của Chính phủ: Trong thực hiện chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức còn gặp một số khó khăn về cơ chế và tiền lương, đãi ngộ nhân tài mang tính bình quân, chưa tạo động lực mạnh mẽ, chưa tạo điều kiện cho sự sáng tạo, chính sách đãi ngộ công chức viên chức chưa thực sự thỏa đáng, còn có sự cào bằng, không phân biệt được tài hay không phải là người tài... Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần đánh giá được việc sử dụng người tài trong thời gian vừa qua như thế nào, tạo ra sự lan tỏa ra sao, đóng góp cho sự phát triển của đất nước như thế nào một cách rõ ràng hơn, chứ chỉ đánh giá một cách trừu tượng như trong báo cáo của Chính phủ là chưa toàn diện.  

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh