Bộ Tư pháp phán gà, Trường Luật khăng khăng là vịt
- Văn hóa - Giải trí
- 15:19 - 10/11/2015
Ông Lê Đình Vinh đã trúng tuyển vào vị trí hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội trong kỳ thi tuyển cuối tháng 8 của Bộ Tư pháp
(ảnh báo Thanh Niên)
Nhưng tôi cứ băn khoăn hoài, nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra được lời giải cho câu hỏi: Tại sao giữa cơ quan bảo vệ pháp luật, với nơi đào tạo các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật lại có chuyện “ông nói gà, bà nói vịt” trong các văn bản như thế?
Chuyện có nguồn cơn từ việc, Bộ Tư pháp tổ chức thi tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội. Đầu tháng 9 vừa rồi đã thông báo người trúng tuyển vào chức danh trên là ông Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty luật TNHH Vietthink. Với việc công bố nhân sự trúng tuyển, Bộ Tư pháp mặc nhiên khẳng định đã làm đúng luật cũng như các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ. Cụ thể ở đây là đã làm đúng quy trình, cũng như đúng đối tượng thi tuyển vào chức danh Hiệu trưởng Trường đại học Luật Hà Nội.
Ông Lê Đình Vinh (Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink) trúng tuyển vào chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội.
Thế nhưng, một số Phó Hiệu trưởng của Trường đại học Luật Hà Nội lại cho rằng, Bộ Tư pháp chưa thực thi đúng luật, và họ không “tâm phục, khẩu phục”. Theo họ, tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học không được Bộ Tư pháp nâng cao, mà còn hạ thấp so với những quy định của Luật Giáo dục đại học, Điều lệ trường đại học và văn bản số 202-TB/TW thông báo kết luận của Bộ Chính trị về Đề án “ Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”.
Với các văn bản pháp luật đã viện dẫn, ai hiểu sai đây?. Bộ Tư pháp, hay một số hiệu phó trường luật chữ tác đọc thành chữ tộ?. Hơn nữa, nếu đúng như các thầy của trường luật phản ánh, Bộ Tư pháp hạ thấp tiêu chuẩn hiệu trưởng khi thi tuyển, quả là tai hại ghê gớm cho nền học thuật cũng như pháp luật.
Được biết, từ năm 2013, Bộ Tư pháp cơ quan thường trực của Ngày Pháp luật Việt Nam. Trong ngày đó người ta thường hay nhắc nhiều đến câu: Thượng tôn pháp luật. Vậy trong trường hợp thi tuyển hiệu trưởng trường luật, pháp luật đã được thượng tôn chưa?.
Sự việc trên đối với một số người có thể là “chuyện nhỏ”, nhưng ít nhiều đã phản ánh pháp luật của chúng ta còn khập khiễng với đời sống quá, thậm chí là mơ hồ, khó hiểu. Ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, với những người đào tạo các cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ luật mà còn hiểu văn bản luật cũng khác nhau, thì việc dân thường phải thông hiểu luật, khác gì bắt họ đi vào rừng thẳm, tuyết dày.
Chợt nhớ đến câu nói kha khá nổi tiếng của cố Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trịnh Hồng Dương: “Luật pháp nước ta xử thế nào cũng được”. Thế nên các giáo sư, tiến sĩ trường luật cũng đừng quá bức xúc với việc Bộ Tư pháp phiên phiến thực thi luật (nếu có), trong tiêu chuẩn thi tuyển hiệu trưởng trường luật. Ngược lại, lãnh đạo Bộ cũng thông cảm cho nỗi bức xúc của cấp dưới, nếu họ hiểu chưa thấu, chưa sâu về một văn bản luật.