Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông kiểm tra chống khai thác IUU tại Thừa Thiên Huế
- Huyệt vị
- 18:08 - 07/06/2023
Theo báo cáo của UBND Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh ước đạt 2.800 ha. Tổng sản lượng thủy sản ước 6 tháng đầu năm ước đạt 31.000 tấn, trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 23.000 tấn, sản lượng nuôi trồng ước đạt 8.000 tấn. Công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản được chú trọng, đã thả xuống các thủy vực tổng số lượng hơn 710.800 con tôm, cua, cá các loại.
Hiện nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 679 tàu cá đã đăng ký; tỷ lệ tàu cá đã được cấp giấy phép khai thác thủy sản là 677 chiếc, đạt 99,7%; còn lại 2 chiếc chưa cấp phép do tàu đang nằm bờ cải hoán. Tất cả các tàu cá ra biển hoạt động khai thác đều có giấy phép khai thác thủy sản.
Về tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 592 chiếc. Tất cả các tàu cá xuất bến, nhập bến tại cảng cá đều còn hạn đăng kiểm (100%). Dữ liệu tàu cá khi thực hiện đăng kiểm xong, được cập nhật ngay trên hệ thống VNFISHBASE.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 430/434 chiếc tàu cá xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đạt 99%. Có 4 chiếc Ngân hàng đang tạm giữ để thu hồi nợ, nên dữ liệu thiết bị VMS đã bị xóa trên hệ thống giám sát tàu cá quốc gia. Do đó, Thừa Thiên Huế đảm bảo 100% tàu cá ra biển hoạt động đều phải có thiết bị VMS đang hoạt động. Đến nay, tại Thừa Thiên Huế chưa có tàu cá mất kết nối dữ liệu VMS quá 10 ngày, cần phải xem xét xử lý vi phạm.
Đến nay, tàu cá tỉnh Thừa Thiên Huế chưa vi phạm đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm đến nay, Chi cục Thủy sản Thừa Thiên Huế đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp, trong đó có 2 tàu cá của ngư dân Quảng Nam sử dụng tàu cá chưa đăng ký; 1 tàu tự tháo, di dời thiết bị VMS qua vị trí khác trên tàu và 1 trường hợp sổ danh bạ thuyền viên không kê khai đầy đủ theo quy định. Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh xử phạt 4 vụ/7 đối tượng/5 phương tiện có các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác thuỷ sản khác, với số tiền là 52,6 triệu đồng…và đang thụ lý xử lý 1 tàu giã cào Bình Định khai thác vùng biển ven bờ tỉnh Thừa Thiên Huế.
100% tàu có chiều dài trên 24m đã được kiểm soát tàu ra vào cảng, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; đối với tàu 15m đến dưới 24m các nghề khác (nghề lưới rê, vây,…) đạt trên 5% và tàu cá nghề giã cào xấp xỉ đạt 20%.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, địa phương luôn xác định công tác chống khai thác IUU là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của cấp uỷ và chính quyền địa phương, các tổ chức liên quan; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý, giám sát, tổ chức thực hiện. Tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc chấp hành công tác chống khai thác IUU. Đồng thời, hậu kiểm việc thực hiện công vụ của cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ.
Ông Phương cho biết, trong thời gian tới tỉnh sẽ triển khai thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác chống khai thác IUU .
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc triển khai biện pháp khắc phục những khuyến nghị của EC về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Thứ trưởng đề nghị tỉnh cần phải triển khai quyết liệt và đồng bộ hơn nữa các giải pháp để đáp ứng yêu cầu, khắc phục những khuyến nghị của EC.
Ông Tiến đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng chiến lược lâu dài trong việc chống IUU với việc đánh giá tình hình khai thác, nuôi trồng; xây dựng các quy hoạch; tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp bền vững cho người dân...
Dịp này, Đoàn công tác đã đến kiểm tra tại cảng cá Thuận An; Tham quan công nghệ nuôi tôm tại Công ty TNHH thủy sản công nghệ cao Việt Nam chi nhanh 1 tại Huế.