CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:55

Bộ Nông nghiệp cảnh báo là nguy hại nhưng tôm hùm đất vẫn bán tràn lan

 

Trên các chợ online hay một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đều có bán loại “đặc sản” đến từ bên kia biên giới này với giá khá rẻ. Loại 30 con/kg chỉ 200.000 đồng/kg. Tôm hùm đất có kích thước to hơn ngón tay, sau khi chế biến có màu đỏ rất bắt mắt. Loại tôm này có hai càng có màu đỏ, thân màu đất, được nhập từ Trung Quốc, là hàng tươi sống.

Tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm đỏ.


Tôm hùm đất hay còn gọi tôm hùm đỏ (tên khoa học Cherax quadricarinatus) từng được nuôi thử nghiệm tại tỉnh Phú Thọ năm 2012. Sau đó xác định đây là loài ngoại lai nguy hại, các nhà khoa học đề nghị không nhân giống phát triển. Loài tôm này di chuyển nhanh dưới đáy ao hồ, sông suối, ưa đào hang, có khả năng sinh sản nhanh chóng và chống chịu trước biến động môi trường. Với đôi càng màu đỏ to khỏe, chúng có thể cắt ngang thân lúa cứng, ăn tất cả loại búp cây non, thậm chí cả tôm, cá nhỏ. Hiện Trung Quốc vất vả đối phó với nạn tôm hùm đất phát triển dọc sông Trường Giang. Nếu loài phát tán ra đồng ruộng Việt Nam sẽ nguy hại hơn ốc bươu vàng, làm lây lan mầm bệnh nấm tôm, virus gây bệnh đốm trắng gây thiệt hại nặng nề cho các đầm nuôi tôm. Các chuyên gia đều cảnh báo, nếu không ngăn chặn kịp thời, tôm hùm đất sẽ trở thành "đại họa" cho nền nông nghiệp và hệ sinh thái. Tôm hùm đất đã được đưa vào danh mục sinh vật ngoại lai cấm nhập khẩu, phát triển từ năm 2013. Hoạt động kinh doanh, nuôi, phát tán loài tôm này vi phạm Luật đa dạng sinh học 2018.

Về việc tôm càng đỏ được bán tràn lan, Bộ NN&PTNT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu tăng cường kiểm soát loài tôm này tại Việt Nam. Công văn nêu rõ, trong thời gian gần đây có tình trạng tôm càng đỏ, cherax quadricarinatus (còn gọi là tôm hùm đất…) được đưa vào Việt Nam để tiêu thụ làm thực phẩm tại một số địa phương. Theo Bộ NN&PTNT, đây là loài thuỷ sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, sống bò dưới đáy, ưa đào hang, hoạt động về đêm, có sức chống chịu và thích nghi cao. Loài tôm càng đỏ này không có tên trong Danh mục loài thuỷ sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và được xác định là sinh vật ngoại lai xâm hại. Theo đó, việc kinh doanh, tiêu thụ loài tôm này là vi phạm quy định của pháp luật về đa dạng sinh học và thuỷ sản.

Nhằm bảo vệ môi trường và tránh tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tổng cục Hải quan, Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm.

Việt Nam có nhiều loài động, thực vật ngoại lai xâm lấn như mai dương, bìm bôi hoa vàng, ốc bươu vàng... Tốc độ phát triển của chúng rất nhanh, cạnh tranh với động, thực vật bản địa. Nhà chức trách Việt Nam đã thử nghiệm nhiều phương pháp, nhưng chưa tiêu diệt được.

Theo điều 246, Bộ luật Hình sự 2015, người nào nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đến một tỷ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

ĐỨC THỌ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh