Cần dạy con cách sử dụng internet an toàn
- Dược liệu
- 13:00 - 05/03/2019
Thử thách Momo được một nhân vật kinh dị đưa ra mệnh lệnh cho những đứa trẻ tự làm hại bản thân, bạo lực gia đình, bạo lực bằng súng đạn, tình dục… Nếu như trẻ nhỏ không tuân theo mệnh lệnh của nhân vật này sẽ bị dọa bị giết. Mới đây, hãng truyền thông Anh đã đăng thông tin một bé gái đã tự tay cắt trụi mái tóc dài của mình từ mệnh lệnh, thử thách của nhân vật hư cấu kinh dị Momo. Điều đáng nói thử thách Momo xuất hiện trên trong những video Youtube Kids, gắn vào những bộ phim hoạt hình mà trẻ hay xem như chú lợn Peppa. Thử thách Momo khiến nhiều người nghĩ đó là phiên bản khác của thử thách Cá voi xanh, bắt nguồn từ Nga khiến hàng chục đứa trẻ tự tử.
Thử thách tự sát Momo gây hoang mang cho nhiều phụ huynh.
Mặc dù trào lưu thử thách Momo chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng đây cũng là một lời nhắc nhở với các bậc cha mẹ về việc quả lý và chọn lọc các video trên mạng cho con xem. Vì theo phân tích của các chuyên gia trẻ nhỏ bị tập nhiễm rất nhanh và có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Nhìn nhận về thử thách tự sát kinh dị Momo, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho rằng, đây là những trò chơi vô cùng nguy hiểm cho trẻ em. Trẻ em vốn có tâm hồn non nớt và chưa có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân. Tuy nhiên, trò chơi này “đánh” vào tâm lý vừa thích khám phá của các em nhỏ. Vì vậy, trò chơi tự sát Momo dễ dàng xâm chiếm và điều khiển hành vi của trẻ em. Không chỉ là người làm xã hội, mà rất nhiều phụ huynh khác rất lo lắng và xen lẫn tức giận về trò chơi này. Những nhân vật tên Momo trong chuyện tranh Ehon Nhật Bản hay Peppa Pig vốn là nhân vật rất dễ thương, nhân văn. Tuy nhiên, nó đã bị lợi dụng làm hình ảnh cho một trò chơi nguy hiểm. Theo bà Linh, tất cả các bên liên quan phải vào cuộc ngay trong việc ngăn chặn những trò chơi nguy hiểm như vậy. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh vừa giáo dục và đồng hành với con em mình trong sử dụng internet an toàn, bảo vệ con khỏi những rủi ro.
Trước khi trò chơi xâm nhập và ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, bà Linh đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh nên kiểm tra con mình đang xem kênh Youtube nào. Bạn có thể cùng con đặt 1 Playlist các chương trình mà con thích xem và có thể bật chức năng kiểm soát để biết con đang xem gì, tìm kiếm gì, cũng có thể tắt chức năng tìm kiếm đối với trẻ nhỏ hơn".
Hãy nói với trẻ bạn đang cố gắng bảo vệ con an toàn chứ không phải kiểm soát. Nếu có những chương trình nào con muốn xem và đưa thêm vào Playlists, con hãy chia sẻ cùng bố mẹ. Cấm đoán trẻ không sử dụng Internet không phải là giải pháp, đôi khi còn có tác dụng ngược. Phụ huynh cần tỉnh táo tìm hiểu về “Thử thách Momo” và cung cấp thông tin đáng tin cậy cho các con. Bố mẹ cần lựa chọn cách nói chuyện cùng con, để cho con biết đây là một thử thách nguy hại.
Bà Linh cho rằng: "Quan trong nhất, phụ huynh phải dành thời gian và nỗ lực nói chuyện với con hàng ngày, nuôi dưỡng tình bạn, sự chia sẻ và đồng cảm với con. Từ đó, duy trì thói quen nói chuyện, trao đổi thoải mái với con em. Như vậy, trẻ sẽ thấy bà mẹ luôn là địa chỉ tin cậy để chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết".
Các chuyên gia nhận định, những rủi ro trên mạng Internet sẽ còn nhiều và diễn biến phức tạp, đòi hỏi trách nhiệm và hành động thực tế của tất cả các bên liên quan bao gồm cả Nhà nước, gia đình, nhà trường, doanh nghiệp và truyền thông để có thể bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng.
GS.TS Cao Tiến Đức, Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103 (Hà Nội) cũng cho rằng, với những thử thách tự sát của Momo, trẻ tiếp cận sẽ ảnh hưởng. Đặc biệt là những trẻ thiếu thốn tình cảm của bố mẹ, cô đơn, không giao lưu… Thậm chí ngay cả trẻ sống trong môi trường và nhận thức bình thường cũng dễ bị ảnh hưởng và làm theo thách thức này.
Do khi tiếp cận với thông tin tiêu cực trẻ chưa biết phân biệt nguy hiểm hay không và sẽ thực hiện theo những thử thách mà nhân vật đưa ra. Nguy hiểm hơn, trẻ có thể rủ thêm cả bạn bè thực hiện tự sát tập thể. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng vì vậy nên dạy trẻ con biết chọn những gì có lợi cho mình và biết phớt lờ những thông tin ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần.
Theo phân tích của BSCK I Lê Đào Nghĩa, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, do trẻ nhỏ có xu hướng bắt chước rất nhanh vì vậy cha mẹ cần phải kiểm soát được nội dung trẻ xem trên mạng. Cần hướng dẫn trẻ tránh xa các hình ảnh, clip có nội dung bạo lực, không mang tính giáo dục. Nhà trường cũng nên kết hợp với gia đình, giáo dục, tuyên truyền cho trẻ dần hiểu và hình thành ý thức, biết chọn lọc thông tin.