CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:11

Bộ LĐTB&XH chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và thực hiện chính sách BHXH với Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào

Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh; Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh; đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ LĐ-TB&XH. Về phía Lào có Thứ trưởng Bộ Tài chính Phouthanouphet Saysombath; Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Lào, Phó Chủ tịch HĐQL BHXH Lào Vanthong Sitthikoun; Phó Chủ tịch LĐLĐ Lào, Phó Chủ tịch HĐQL BHXH Lào Vilay Vongkhaseum; Tổng Cục chính trị - Bộ Công an Lào Souvanny Sysouphapmyxay; Tổng Giám đốc Cơ quan BHXH Lào Keo Chanthavixay.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt Đoàn công tác của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đến thăm và làm việc tại Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về an sinh xã hội giai đoạn 2022 - 2025 (diễn ra từ ngày 8 - 12/5/2023). Thứ trưởng vui mừng nhận thấy, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhưng mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào ngày càng phát triển tốt đẹp. Giữa hai Bộ cũng có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là về bảo hiểm xã hội, góp phần vào mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ với đoàn Lào về việc xây dựng và triển khai chính sách BHXH ở Việt Nam

Thứ trưởng Lê Văn Thanh chia sẻ với đoàn Lào về việc xây dựng và triển khai chính sách BHXH ở Việt Nam

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng chia sẻ với đoàn Lào về việc xây dựng và triển khai chính sách BHXH ở Việt Nam, trong đó Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan xây dựng chính sách và giám sát việc thực hiện; còn BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai thực hiện chính sách.

Đáp lời Thứ trưởng Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Padeumphone Sonthany cho biết, đến nay hệ thống ASXH tại Lào đã cơ bản được hình thành, trong đó BHXH đã bao phủ khoảng 12% dân số và BHYT là 94%. Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu bao phủ BHXH thì con đường phía trước vô cùng khó khăn. Cơ quan BHXH Lào trực thuộc Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, vừa làm nhiệm vụ quản lý nhà nước vừa thực hiện chính sách. Lào cũng có Hội đồng quản lý BHXH giống như Việt Nam, với sự góp mặt của các cơ quan đại diện cho người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước nhưng Hội đồng quản lý BHXH Lào cũng đang gặp khó trong việc kiến nghị sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để triển khai chính sách BHXH, BHYT được thuận lợi hơn. Vì vậy, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào mong muốn làm việc với Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam nhằm lắng nghe và chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng và thực hiện  chính sách BHXH của Việt Nam.

Thứ trưởng Padeumphone Sonthany trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm

Thứ trưởng Padeumphone Sonthany trao đổi về các vấn đề hai bên cùng quan tâm

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Lào được nghe ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội giới thiệu khái quát về chính sách BHXH ở Việt Nam và những điểm mới trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo. Dự thảo nhằm cụ thể hóa các nội dung về cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết 28 Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, trong đó có các nội dung hướng tới tháo gỡ các vấn đề về già hóa dân số, bảo đảm cân đối quỹ, giải quyết chậm đóng, trốn đóng BHXH. Theo lộ trình, tháng 10 tới dự thảo sẽ được Quốc hội Việt Nam cho ý kiến và dự kiến thông qua vào kỳ họp đầu năm 2024. Dự thảo cũng có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó định hướng sửa đổi theo hướng đa tầng với 3 trụ cột, bổ sung chế độ trợ cấp hưu trí xã hội: Công dân Việt Nam từ đủ 80 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo; giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống còn 15 năm nhằm giúp cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng ngắn; bổ sung đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc như các chủ hộ kinh doanh; đồng thời đề xuất 2 phương án rút BHXH 1 lần. Đó là vẫn giữ nguyên như hiện hành là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút một lần. Phương án 2 vẫn cho phép NLĐ rút BHXH 1 lần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Phần còn lại sẽ được bảo lưu, ghi nhận trên sổ BHXH để NLĐ có thể tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đủ tuổi nghỉ hưu…

Hai bên mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội thời gian tới

Hai bên mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội thời gian tới

Chia sẻ về lĩnh vực việc làm và bảo hiểm thất nghiệp, ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết: Chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm ở Việt Nam. Theo đó, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH cũng đang trình hồ sơ Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó có sửa đổi về chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

Cũng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cùng lãnh đạo các đơn vị trong Bộ LĐ-TB&XH đã giải đáp nhiều câu hỏi của các đại biểu đoàn Lào về việc tham mưu xây dựng và giám sát thực hiện chính sách BHXH, chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chính sách và cơ chế xác định tiền lương tối thiểu thông qua Hội đồng Tiền lương quốc gia…

Lãnh đạo hai Bộ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Lãnh đạo hai Bộ và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Kết thúc buổi làm việc, Đoàn công tác của Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào đã gửi lời cảm ơn chân thành đến Bộ LĐ-TB&XH, đồng thời mong muốn hai Bộ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực lao động và phúc lợi xã hội, góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt - Lào tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

THÙY HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh