CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:18

Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp ký kết phối hợp xây dựng văn bản pháp luật

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp luật giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp giai đoạn 2018-2022 là cơ sở pháp lý quan trọng để hai Bộ thực hiện nhiệm vụ chính trị.

 

Phát biểu tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để thực hiện nhiệm vụ chung của Chính phủ cũng như hai ngành góp phần xây dựng chính phủ kiến tạo, vì nhân dân. Nhiều năm qua, sự phối hợp của hai Bộ vẫn được tiến hành theo công việc, có hiệu quả nhất định nhưng trong chừng mực nào đó chỉ khi nào cần mới trao đổi. Vì thế, để khắc phục những hạn chế đó, hôm nay hai Bộ ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp luật giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp giai đoạn 2018-2022.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng Lê Thành Long ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp luật giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp giai đoạn 2018-2022.

 

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý Nhà nước 14 lĩnh vực, có trách nhiệm phục vụ từ những cháu nhỏ nằm trong bụng mẹ cho đến những người đang nằm trong lòng đất. Trong số 14 lĩnh vực từ: Lao động, việc làm, xuất khẩu lao động, giáo dục và nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo trợ xã hội, trẻ em, bình đẳng giới…. Trong đó trực tiếp thực hiện chi trả 13 triệu đối tượng là người có công và đối tượng bảo trợ xã hội. “Công việc của Bộ đa lĩnh vực nhưng những việc này liên quan sát sườn đến người dân. Chỉ một chủ trương chính sách chưa đúng sẽ tác động rất lớn, rất nhanh đến xã hội, nhưng nếu chủ trương được xây dựng đúng sẽ tạo đồng thuận rất cao”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bộ Trưởng Lê Thành Long đánh giá cao những nội dung ký kết hợp tác giữa hai Bộ.

 

Bộ trưởng lấy ví dụ, ngày 1/1/2018 sắp tới, theo quy định mới sẽ có những thay đổi trong cách tính BHXH cho lao động nam, nữ rất nhạy cảm. Hay như chính sách thờ cúng liệt sĩ sẽ động chạm rất lớn, nhanh và trực tiếp đến đối tượng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, xây dựng thể chế quan trọng hàng đầu trong quản lý hành chính nhà nước. Trong số 8 nội dung ký kết phối hợp giữa hai Bộ là những vấn đề mang tính chất khung, là cơ sở pháp lý nhưng quan trọng hơn là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý giữa hai Bộ, hai ngành. Các đơn vị nên có cơ chế thường xuyên trao đổi.

Bộ trưởng mong muốn: “Đây là chương trình phối hợp triển khai có hiệu quả, phấn đấu là chương trình phối hợp mẫu mực giữa hai Bộ, tạo chuyển biến tốt trong xây dựng pháp luật nói chung và an sinh xã hội nói riêng”.

 

Bộ trưởng Lê Thành Long phát biểu tại Lễ ký kết.

 

Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Lê Thành Long đánh giá, nội dung ký kết giữa hai Bộ xuyên suốt hầu hết các lĩnh vực công tác của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp và đây là chương trình phối hợp toàn diện. Trước đây, hai Bộ đã từng ký thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực con nuôi.

“Việc ký kết Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp luật giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp giai đoạn 2018-2022 quy định trách nhiệm và nghĩa vụ các bên để thực hiện một cách toàn diện, tạo cơ sở pháp lý nhắc việc chính thức cho hai Bộ, hai ngành chỉn chu hơn, chuẩn hơn. Với thỏa thuận ký kết giúp nhiệm vụ chính trị hai ngành tốt hơn và phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ: Bắt đầu từ xây dựng thể chế tốt để triển khai nhiệm vụ ngành tốt hơn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của hai Bộ”, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh.

 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ ký kết.

 

Tại Lễ ký kết, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp thống nhất xây dựng Chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp luật giai đoạn 2018-2022 nhằm mục đích tăng cường sự phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tư pháp (sau đây gọi chung là hai Bộ) trong việc thực hiện công tác pháp luật nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác pháp luật của ngành Ngành LĐ-TB&XH; Hoàn thiện thể chế, xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức pháp chế, đội ngũ những người làm công tác pháp chế tại Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH; Chương trình phối hợp là căn cứ để hai Bộ xây dựng kế hoạch cụ thể hằng năm theo chương trình, chức năng, nhiệm vụ của từng bộ Bộ và chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ công tác pháp luật.

 

Quang cảnh Lễ ký kết.

 

Theo đó, trong giai đoạn 2018-2022, hai Bộ tăng cường phối hợp nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung nhiệm vụ về xây dựng pháp luật; Phổ biến, giáo dục pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Về công tác nuôi con nuôi, quốc tịch, hộ tịch; Công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; Công tác hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; Công tác quản lý, đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; Công tác pháp chế; Ứng dụng công nghệ thông tin. Về tổ chức thực hiện, Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) là đơn vị đầu mối, tham mưu cho lãnh đạo hai Bộ trong việc đôn đốc triển khai thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Chương trình này; các Tổng cục, Cục, Vụ và đơn vị liên quan của hai Bộ căn cứ chức năng của mình, trực tiếp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao.

VÂN KHÁNH - MẠNH DŨNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh