Bộ LĐ-TB&XH hoàn thành hầu hết các nhiệm vụ Chính phủ giao
- Tây Y
- 00:28 - 20/05/2017
Quang cảnh buổi làm việc giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn
Tổ Công tác của Thủ tướng yêu cầu làm rõ 8 vấn đề
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm trưởng đoàn. Cùng tham dự buổi làm việc có các thành viên Tổ công tác của Thủ tướng và các Vụ chức năng thuộc Văn phòng Chính phủ. Về phía Bộ LĐ-TB&XH có Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các Thứ trưởng cùng đại diện một số đơn vị thuộc Bộ.
Bộ LĐ-TB&XH được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 483 nhiệm vụ, hầu hết đã hoàn thành đúng tiến độ (đã hoàn thành: 373 nhiệm vụ; đang thực hiện 110 nhiệm vụ - trong đó, trong hạn: 107 nhiệm vụ). Chỉ có 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành đúng hạn.
Trong 3 nhiệm vụ chưa hoàn thành đúng hạn này của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng có cả nguyên nhân khách quan: “Đơn cử như việc giám định ADN nhằm xác định danh tính liệt sĩ khó khăn, vì còn liên quan tới Bộ Quốc phòng và nhiều cơ quan khác”.
Ngoài ra, hai nhiệm vụ quá hạn là việc xây dựng dự thảo nghị định về cai nghiện tự nguyện và xử lý tồn động hồ sơ đề nghị xác nhận người có công cũng có những lý do chủ quan và khách quan. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị, từ nay tới cuối năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH cần gửi sớm kết quả thực hiện về Văn phòng Chính phủ theo quy trình.
Theo đó, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH làm rõ 8 vấn đề: Chính sách người có công (NCC); Dạy nghề; Lao động (LĐ) việc làm và tiền lương; Ngược đãi, xâm hại trẻ em; Công tác quản lý các cơ sở cai nghiện; ATVSLĐ; xuất khẩu LĐ và sự kiện kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Thương binh- liệt sỹ.
Về chính sách với NCC, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, vẫn còn nhiều trường hợp kê khai đề nghị hưởng chính sách nhưng chưa được hưởng hoặc hưởng chưa đầy đủ. Vẫn còn tình trạng hồ sơ giả, cán bộ ở cơ sở lợi dụng quyền hạn để trục lợi… Thủ tướng đã chỉ đạo yêu cầu Bộ khẩn trương, nghiên cứu đề xuất đề án cải cách chính sách với NCC, đánh giá toàn diện, đề xuất sửa đổi căn bản chính sách, đặc biệt quan tâm đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Người có công.
“Về vấn đề LĐ việc làm và tiền lương, Thủ tướng yêu cầu Bộ hết sức quan tâm tình trạng thất nghiệp dù tỉ lệ thất nghiệp hiện chỉ khoảng 4%, tình trạng thiếu việc làm, vấn đề việc làm cho sinh viên ra trường… Cần có hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để cung cấp cho xã hội, Đồng thời, vấn đề quản lý các cơ sở cai nghiện; Việc quản lý Nhà nước với đối tượng nghiện ma túy là rất phức tạp...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Cuối cùng, Thủ tướng nhắc nhở năm 2017 là kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, ý nghĩa rất lớn, mang tính chất tri ân, đề nghị Bộ sớm đề xuất để tổ chức các hoạt động kỷ niệm xuyên suốt, tạo động lực cho toàn dân chăm lo, tri ân NCC.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cho biết, thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị lãnh đạo Bộ quan tâm, làm rõ 8 vấn đề nêu trên. “Bộ LĐ-TB&XH rất quan trọng, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ về chính sách an sinh xã hội, Bộ đã làm tốt rồi nhưng Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu cao hơn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị Bộ LĐ-TB&XH, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đã lần lượt giải trình, làm rõ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Cho biết về nhiệm vụ chưa hoàn thành đúng hạn, liên quan đến việc hoàn thiện, ban hành quy trình giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, ông Đào Ngọc Lợi, phó cục trưởng NCC giải trình, do nguyên nhân khách quan.
“Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là vấn đề mang tính khoa học, công nghệ và là vấn đề mới, phức tạp, trong quá trình tổ chức triển khai xây dựng, do có một số lý do khách quan nên tới nay vẫn chưa hoàn thành, Bộ đang chỉ đạo Cục NCC phối hợp với Cục Khoa học quân sự (Bộ Quốc phòng) giải quyết dứt điểm việc bàn giao hồ sơ nghiên cứu Đề tài để tiếp tục thực hiện nghiên cứu, ban hành Quy trình xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin theo quy định”, ông Lợi nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế và xác định đây là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm
Cho biết tình trạng truy thu kinh phí hưởng sai chính sách, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng khẳng định việc truy thu gặp khó khăn từ nhiều phía. Qua thanh tra, đa số các hồ sơ này đã thực hiện cách đây 30 - 40 năm, nhiều trường hợp phát hiện thì đã chết hoặc bệnh hiểm nghèo hoặc đang thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
"Về nguyên tắc, đã hưởng sai thì phải thu hồi, nhưng quyền có cho thu hồi hay không lại không thuộc thẩm quyền của Bộ LĐ-TB&XH. Thanh tra Bộ đã đề xuất với Bộ trưởng trình Thủ tướng đối với từng trường hợp và địa phương cụ thể”, ông Nguyễn Tiến Tùng nêu thực trạng.
Trong khi đó, cũng theo ông Tùng, các trường hợp các hộ nghèo và cận nghèo rất khó khăn, quan điểm của thanh tra Bộ đề nghị không thu hồi, vì chúng ta đang có chính sách hỗ trợ người nghèo. “Qua năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, thanh tra Bộ đã phát hiện 74 tỉ đồng tiền hưởng sai chế độ người có công. Tuy nhiên thực tế chỉ truy thu được hơn 10 tỉ đồng”.
Tốc độ xử lý và trả lời các vấn đề khá nhanh trong số các Bộ, ngành
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ LĐ-TB&XH luôn xác định nhiệm vụ xây dựng thể chế và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật liên quan đến các lĩnh vực thuộc ngành LĐ-TB&XH là nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
Khẳng định sự nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cũng cho rằng ngoài việc đảm bảo tiến độ, Bộ LĐ-TB&XH luôn chú trọng đảm bảo nội dung và xây dựng đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chú trọng hoàn thiện thể chế và xác định đây là 1 trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Tiến Tùng
Báo cáo về hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2017 là năm đền ơn đáp nghĩa. Đến nay, chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm cấp quốc gia này, 18 nhiệm vụ lớn nhỏ đã được phân công... "Từ 1- 31/7, mỗi ngày phải ít nhất 1 hoạt động diễn ra"- Bộ trưởng thông tin.
Về XKLĐ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2016, đạt con số kỷ lục lên đến 126 ngàn người XKLĐ, vượt 26% kế hoạch đề ra. Cùng với đó, cũng chưa năm nào Bộ chấn chỉnh quyết liệt hoạt động đưa LĐ đi xuất khẩu như vừa qua. "Bộ đã giao Thanh tra xử phạt, thu hồi giấy phép 5 doanh nghiệp XKLĐ sai phạm để chấn chỉnh các doanh nghiệp XKLĐ".
Về một số nhiệm vụ tuy Bộ đã hoàn thành nhưng quá hạn so với thời gian được giao, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải thích, một số nhiệm vụ được giao có nội dung phức tạp, nhiều vấn đề mới, nhạy cảm cần phải phối hợp với các Bộ, ngành liên quan; đôi khi không thể hoàn thành đúng hạn do phải chờ ý kiến của các cơ quan.
Một số văn bản giao nhiệm vụ có thời hạn quá gấp, khi về đến Bộ không còn nhiều thời gian để triển khai nên không thể đảm bảo tiến độ theo yêu cầu. Theo đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị nên có khoảng thời gian hợp lý để triển khai có hiệu quả các nội dung.
“Với 8 nhiệm vụ truyền đạt của Thủ tướng, là các vấn đề lớn, trọng tâm, thậm chí là những vấn đề bức xúc của ngành. Suốt 1 năm qua ngành đã quyết liệt, có chuyển động, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc”, Bộ trưởng Dung thừa nhận.
Do đó, Bộ trưởng cho rằng, buổi làm việc này là cơ hội để Bộ đề xuất, phối hợp với các Bộ, thông qua tổ công tác, đến với chính phủ, đến với các Bộ ngành, để cùng nhau phối hợp, hoàn thành nhiệm vụ. Với tinh thần đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, chủ trương của Bộ là: “Nói thẳng, nói thật, làm được đến đâu nói đến đó”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả đạt được, sự nghiêm túc cũng như tinh thần thẳng thắn, cởi mở trong buổi làm việc giữa Tổ công tác và Bộ LĐ-TB&XH.
Cùng với đó, Bộ trưởng Dũng cũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ với tỷ lệ nợ đọng nhiệm vụ Chính phủ giao thấp nhất trong số các bộ, ngành, tỷ lệ nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành chỉ chiếm 0,58%. Tốc độ xử lý và trả lời các vấn đề khá nhanh trong số các Bộ, ngành.
“Tôi đánh giá rất cao việc triển khai các nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng giao cho Bộ LĐ-TB&XH thực hiện trong hơn 1 năm qua. Nhiệm vụ rất nhiều nhưng Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung xây dựng nhiều chương trình, dự thảo, như: 19 nghị định, 19 dự quyết định, 2 chỉ thị, 53 thông tư. Đây là một khối lượng văn bản rất lớn và có sự cố gắng rất lớn. Chúng tôi sẽ tổng hợp những kết quả trên để báo cáo Thủ tướng Chính phủ” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.