CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:33

Bộ LĐ-TB&XH đứng thứ 7 trong Top bộ, ngành đạt chỉ số Cải cách hành chính cao nhất năm 2020

Chiều 24/6, tại Trụ sở Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến "Công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2020" của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Bộ LĐ-TBXH đứng thứ 7 trong Top bộ, ngành đạt chỉ số Cải cách hành chính cao nhất năm 2020 - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì Hội nghị.

"Đội sổ" bảng xếp hạng là Bộ GD&ĐT

Kết quả năm 2020 các bộ cho thấy Top đầu là: Ngân hàng Nhà nước; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp tiếp tục là 3 đơn vị đạt kết quả Chỉ số PAR INDEX trên 90%.

Nhóm thứ hai, đạt chỉ số từ trên 80% đến 90%, gồm 14 Bộ, ngành: Bộ Ngoại giao; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); Bộ Xây dựng;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ;

Rồi đến Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng cuối bảng, là hai bộ đội "sổ" bảng xếp hạng năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt Chỉ số PAR INDEX năm 2020 cao nhất ở năm thứ sáu liên tiếp với kết quả là 95,88%, cao hơn 12,64% so với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị có kết quả Chỉ số PAR INDEX thấp nhất với giá trị 83,24%.

Không có đơn vị nào có Chỉ số CCHC dưới 80%.

Bộ LĐ-TBXH đứng thứ 7 trong Top bộ, ngành đạt chỉ số Cải cách hành chính cao nhất năm 2020 - Ảnh 2.

Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, giá trị trung bình Chỉ số PAR INDEX của 17 bộ, cơ quan ngang bộ đạt được là 87,56%, tăng 1,93% so với năm 2019.

Đồng thời tăng 12,18% so với năm 2012, năm đầu tiên sử dụng công cụ Chỉ số để đánh giá cải cách hành chính của các bộ, các tỉnh. Chỉ số PAR INDEX năm 2020 đạt giá trị trung bình cao nhất trong 9 năm triển khai xác định Chỉ số Cải cách hành chính.

So sánh kết quả giữa năm 2019 và 2020 thì có 15/17 bộ đạt Chỉ số PAR INDEX tăng cao hơn so với năm 2019. Trong đó, tăng nhiều nhất là Bộ Giao thông vận tải (+5.40%).

Hai bộ có kết quả Chỉ số PAR INDEX giảm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (-2,19%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (- 1%).

Ghi nhận sự bứt phá của khu vực Đông Nam Bộ, tăng 3.86%

Với các tỉnh, thành phố, chỉ số CCHH năm 2020 được chia thành 3 nhóm.

Nhóm A, đạt kết quả từ 90% trở lên, gồm 2 tỉnh thành (là Quảng Ninh, Hải Phòng). Đây là năm thứ 4 liên tiếp Quảng Ninh đứng đầu bảng xếp hạng PAR Index.

Nhóm B, kết quả từ 80% đến dưới 90%, gồm 56 tỉnh thành. 

Nhóm C, kết quả từ 70% đến dưới 80%, gồm 5 tỉnh thành.

Theo đánh giá, Chỉ số CCHC 2020 của các địa phương có kết quả đạt giá trị trung bình là 83.72%, cao hơn 2.57% so với giá trị trung bình năm 2019 (đạt 81.15%) và đạt giá trị cao nhất trong 5 năm gần đây.

So sánh kết quả của 63 địa phương cho thấy, có 38 đơn vị đạt Chỉ số CCHC cao hơn giá trị trung bình của cả nước. 

Đáng chú ý, năm 2020 có 58 địa phương đạt Chỉ số CCHC trên 80%, trong khi đó, năm 2019 chỉ có 44 tỉnh thành và năm 2018 chỉ có 9 tỉnh thành thuộc nhóm này; không có địa phương nào đạt kết quả dưới 70%.

Có 58 tỉnh, thành phố có kết quả Chỉ số tăng cao hơn so với năm 2019. Địa phương tăng điểm cao nhất là Bến Tre (+9.42%), tăng thấp nhất là Thái Bình (+0.70%).

Bộ LĐ-TB&XH: Cải cách hành chính có nhiều bước tiến vượt bậc

Với kết quả công bố trên, năm 2020 ghi nhận Bộ LĐ-TB&XH tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng so với năm ngoái, (từ vị trí thứ 9 năm 2019, năm 2020 xếp thứ 7), tiếp tục giữ vững vị trí trong Top 10 liên tiếp trong mấy năm qua.

Với chỉ số cải cách hành chính (Par Index) 2020 đạt 86,27%, đây là năm thứ 3 liên tiếp Bộ LĐ-TB&XH có bước tiến mạnh về chỉ số Cải cách hành chính.

Như vậy, trong nhiệm kỳ (2016 - 2020), công tác cải cách hành chính đã có bước tiến vượt bậc (từ vị trí cuối bảng 19/19 năm 2015 lên vị trí 12/19 năm 2017, rồi thăng hạng ngoạn mục lên vị trí thứ 9 năm 2019, và năm nay tiếp tục tăng hai bậc lên vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng Par index).

Điều này cho thấy, quyết tâm cao của lãnh đạo Bộ và toàn ngành, thực hiện phương châm hành động của Chính phủ kiến tạo, tiến tới Chính phủ điện tử, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thời gian qua công tác CCHC phải gắn với ứng dụng CNTT, đổi mới phong cách phục vụ là một trong những khâu đột phá của toàn ngành LĐ-TB&XH.


Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh