Par Index 2019: Bộ LĐ-TB&XH nằm trong top 9 bộ, ngành đạt chỉ số cải cách hành chính cao nhất
- Tây Y
- 22:16 - 19/05/2020
Sáng 19/5, Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số CCHC năm 2019 (PAR Index 2019) của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019 (SIPAS 2019). Phó Thủ tướng Thường trực, Trưởng ban Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị.
Đối tượng xác định chỉ số CCHC năm 2019 cấp Trung ương gồm 19 bộ, cơ quan ngang bộ (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ). Trong đó 2 cơ quan đặc thù là Ủy ban Dân tộc và Thanh tra Chính phủ có thực hiện đánh giá nhưng không xếp hạng chung với 17 bộ, cơ quan ngang bộ còn lại. Ở địa phương, đánh giá, xếp hạng cả 63 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngân hàng Nhà nước đứng đầu về CCHC
Nhóm A, đạt kết quả Chỉ số CCHC trên 90%, bao gồm 3 đơn vị: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp. Nhóm B, đạt kết quả Chỉ số CCHC từ trên 80% đến dưới 90%, gồm 14 đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Nội vụ; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Công Thương; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Xây dựng; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Y tế và Bộ Giao thông Vận tải.
Giá trị trung bình Chỉ số CCHC của 17 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2019 là 85.63%, tăng 2.95% so với năm 2018 (giá trị trung bình năm 2018 là 82.68%). Năm 2019 không có Bộ nào có kết quả chỉ số CCHC dưới 80%. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đạt chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất với kết quả là 95.40%. Bộ GTVT có kết quả chỉ số CCHC thấp nhất với giá trị 80.53%.
Khoảng cách giữa các Bộ đạt chỉ số CCHC năm 2019 cao nhất (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) với Bộ có kết quả chỉ số CCHC năm 2019 thấp nhất (Bộ GTVT) là 14.87% (năm 2018 khoảng cách này là 15.44% và năm 2017 là 20.23%). Điều này cho thấy các Bộ đã có nhiều sự cải thiện về điểm số, phản ánh những nỗ lực cải cách mạnh mẽ của nhiều bộ, ngành trong năm vừa qua.
Kết quả Chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố được phân theo 3 nhóm như sau: Nhóm A, đạt kết quả chỉ số từ 90% trở lên, gồm 01 tỉnh (Quảng Ninh). Nhóm B, đạt kết quả chỉ số từ 80% - dưới 90%, gồm 43 tỉnh, thành phố. Nhóm C, đạt kết quả chỉ số từ 70% - dưới 80%, gồm 19 tỉnh, thành phố. Theo đánh giá, chỉ số CCHC 2019 của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả đạt giá trị trung bình là 81.15%, cao hơn 4.23% so với giá trị trung bình năm 2018 (đạt 76.92%) và là kết quả cao nhất trong 4 năm gần đây.
Chú trọng đẩy mạnh ứng dụng CNTT, CCHC
Thực hiện phương châm hành động của Chính phủ kiến tạo, tiến tới Chính phủ điện tử, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thời gian qua công tác CCHC phải gắn với ứng dụng CNTT, đổi mới phong cách phục vụ và thực hiện văn hóa công sở là một khâu đột phá của toàn ngành LĐ-TB&XH.
Theo Thứ trưởng Lê Quân, năm 2019 Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục đạt được nhiều kết quả trong CCHC. Trong đó, việc ứng dụng CNTT được triển khai đồng bộ trong quản lý điều hành và trong cung cấp dịch vụ công: Bộ tiếp tục triển khai rà soát cắt giảm các điều kiện và thủ tục, hoàn thiện thể chế về lao động xã hội và giáo dục nghề nghiệp.Cùng với đó, Bộ quan tâm đến trả lời ý kiến cử tri và nhân dân, doanh nghiệp; lắng nghe ý kiến người dân và doanh nghiệp qua các kênh, mạng xã hội và điều tra xã hội học; tổ chức nhiều diễn đàn và đối thoại, tuyên truyền chính sách... chú trọng công tác nâng cao chất lượng công chức, tăng cường cơ chế phối hợp, hợp tác, giao việc và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.
"Năm 2019, Bộ đã ra mắt cổng tiếp nhận và xử lý kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, ra mắt và sử dụng ứng dụng SOS kết nối và hỗ trợ người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, ra mắt trang quản lý văn bằng số, cổng thông tin kết nối doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp", Thứ trưởng Lê Quân cho biết.
Năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quan tâm đến hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm mạnh hơn các thủ tục và điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực GDNN, đi làm việc ở nước ngoài, bảo hiểm xã hội và việc làm; xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh, đẩy mạnh sử dụng sổ BHXH điện tử, triển khai toàn diện quản lý GDNN trực tuyến và triệt để quản lý văn bằng chứng chỉ số, phát triển các sàn giao dịch việc làm điện tử, ra mắt và sử dụng App Molisa 5S...
Trước đó, ngày 6/12/2019, hệ thống thông tin của Bộ với Người dân và Doanh nghiệp được xây dựng tại địa chỉ http://bovoinddn.molisa.gov.vn đã chính thức được khai trương, hướng tới việc: Giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy trong việc tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị, hỏi đáp chính sách của người dân, doanh nghiệp, cử tri và đại biểu Quốc hội, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, trung thực; Lập và quản lý hồ sơ điện tử của các phản ánh, kiến nghị, hỗ trợ công tác quản lý, điều hành của Bộ trong giao tiếp người dân và doanh nghiệp; lập báo cáo thống kê và phân tích phản ánh, kiến nghị phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ hàng năm; Thực hiện kết nối, liên thông Hệ thống với Hệ thống Bộ với người dân và doanh nghiệp của Chính phủ, với các đơn vị liên quan phục vụ chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ, tiến tới áp dụng chữ ký số trên Hệ thống Bộ với người dân và doanh nghiệp.
Cũng trong năm 2019, Bộ LĐ-TB&XH duy trì, đẩy mạnh truyền thông về CCHC của Bộ, ngành trên nhiều phương tiện, bằng nhiều cách thức (trong đó nổi bật là truyền thông về cải cách TTHC lĩnh vực người có công trên kênh VTV1 các ngày 21, 22/1/2019 tại chuyên mục CCHC và lĩnh vực an toàn lao động trên kênh VTV1 ngày 19/8/2019); ký kết Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền (ngày 30/10 tại Hà Nội) về chủ trương, chính sách, pháp luật, thông tin về lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, bào hiểm thất nghiệp, quản lý lao động giữa (Cục Việc làm) của Bộ với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Xây dựng, triển khai thí điểm ứng dụng kết nối trên thiết bị di động giữa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với Bộ và hỗ trợ khẩn cấp (SOS).
Phân tích giá trị trung bình của các chỉ số thành phần theo từng lĩnh vực của chỉ số Par Index 2019 cho thấy, có 6/7 chỉ số thành phần có giá trị trung bình tăng hơn so với năm 2018, trong đó: Chỉ số thành phần "Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC" có giá trị tăng cao nhất là 7.06% (từ 87.65% năm 2018 lên 94.71% năm 2019). Chỉ số thành phần "Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ" có giá trị trung bình thấp nhất, là 79.16%; tuy nhiên, kết quả Chỉ số thành phần này của năm 2019 đã tăng 3.9% so với năm 2018 (từ 75.26% lên 79.16%). Chỉ số thành phần "Cải cách TTHC" tăng so với năm 2018, đạt 84.69%. Các chỉ số thành phần "Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước" (đạt 89.76%) và "Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức" (đạt 84.38%) đã tăng lên đáng kể so với năm 2018.