THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:55

Cần tuyên truyền mạnh để người lao động hiểu rõ Luật Bảo hiểm xã hội

 

Để tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người lao động, hỗ trợ doanh nghiệp ổn định tình hình, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, trong quá trình tổ chức thực hiện cần lưu ý một số nội dung sau:

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ hợp thứ 8 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, trong quá trình xây dựng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các cơ quan chức năng đã tiến hành lấy ý kiến rộng rãi của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, các Bộ, ngành và địa phương. Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 có nhiều nội dung quy định theo hướng đảm bảo tốt hơn quyền tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng thời gian hưởng chế độ thai sản, bổ sung quy định hưởng chế độ thai sản đối với lao động nam có vợ sinh con, tăng mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện,..

Công nhân đình công vì chưa hiểu rõ Luật BHXH

Thứ hai, về Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đối với bảo hiểm xã hội một lần cần tuyên truyền, giải thích để người lao động hiểu rõ những lợi ích của quy định này so với trước đây, cụ thể:

- Quy định này nhằm khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội, tích lũy thời gian đóng bảo hiểm xã hội để có thể hưởng lương hưu hàng tháng khi đủ điều kiện về thời gian tham gia và tuổi nghỉ hưu nhằm đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần.

- Khi người lao động chưa hết tuổi lao động mà chấm dứt hợp đồng lao động phải nghỉ việc thì được giải quyết trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm để có việc làm mới.

- Khi người lao động trở lại làm việc thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được tính cộng dồn thời gian đã tham gia để được hưởng lương hưu.

- Trường hợp không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để đủ điều kiện hưởng lương hưu với nhiều quy định mới tạo thuận lợi cho người lao động như bổ sung phương thức đóng một lần cho nhiều năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay khi hết tuổi lao động; căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước đây vẫn được bảo lưu và cộng dồn với thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

- Khi người lao động được hưởng lương hưu hàng tháng thì quỹ bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế cho người lao động (khoản 4 Điều 18, khoản 2 Điều 84 của Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 12, Điều 13 của Luật Bảo hiểm y tế).

- Người lao động trong thời gian bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội nếu từ trần thì thân nhân được hưởng chế độ tử tuất bao gồm: trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người lao động chết (Điều 66); nếu đóng đủ 15 năm trở lên mà chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hàng tháng (Điều 67); nếu chưa đủ 15 năm đóng thì thân nhân được nhận trợ cấp tuất một lần bằng mức trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (Điều 69 của Luật Bảo hiểm xã hội).

Như vậy, trong bất cứ trường hợp nào thì người lao động đều có lợi hơn so với nhận bảo hiểm xã hội một lần.

Công văn của Bộ LĐ-TB&XH gửi UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị giải quyết vụ đình công tại Công ty TNHH PouYuen

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo an ninh trật tự, tạo điều kiện để người lao động sớm trở lại làm việc. Đối với các kiến nghị, phản ánh của người lao động liên quan đến các nội dung quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, đề nghị tổng hợp và phản ánh kịp thời về Bộ LĐ-TB&XH để nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

Điều 60. Bảo hiểm xã hội một lần

1. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo qui định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

b) Ra nước ngoài để định cư;

c) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo qui định của Bộ Y tế;

d) Trường hợp người lao động qui định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 2 của Luật này khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu.

2. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:

a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;

c) Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo qui định tại khoản 2 Điều này không bao gồm số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, trừ trường hợp theo qui định tại điểm c khoản 1 Điều này.

4. Thời điểm tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần là thời điểm ghi trong quyết định của cơ quan bảo hiểm xã hội.

T.Huyền

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh