CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 09:56

Bộ LĐ-TB&XH cùng doanh nghiệp gỡ khó

Lắng nghe, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp

Mở đầu buổi đối thoại, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, sau hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp cộng đồng các doanh nghiệp cuối tháng 4/2016 tại TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, Hội đồng Tiền lương Quốc gia phối hợp cùng  Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội... đã tổ chức nhiều chuyến đi trực tiếp gặp gỡ các doanh nghiệp, để nghe các vướng mắc liên quan trong việc thực hiện pháp luật xung quanh các lĩnh vực tiền lương, bảo hiểm, chính sách lao động việc làm.

Hiện nay nước ta đã hội nhập sâu rộng quốc tế, cùng với việc Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành cuối năm 2015, Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… đòi hỏi phải điều chỉnh, sửa đổi một số văn bản pháp luật phù hợp với các cam kết quốc tế. Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, dự kiến năm 2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng vừa tạo thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, vừa giúp quản lý nhà nước lĩnh vực lao động việc làm tốt hơn.

 Cũng theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, sau khi Bộ luật Lao động năm 2012 (sửa đổi) và các Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (sửa đổi), Luật Việc làm, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật An toàn vệ sinh lao động… được Quốc hội khóa XIII ban hành, có hiệu lực thực thi, bên cạnh những mặt tích cực, cũng còn một số vướng mắc trong quá trình thực thi đối với doanh nghiệp. Nhìn chung các văn bản luật do Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu, soạn thảo trình Chính phủ và được Quốc hội  xem xét ban hành, đã hoàn thiện hơn, môi trường làm việc, các chế độ làm việc cho người lao động tốt hơn. Thế nhưng, phía người sử dụng lao động, quá trình  thực thi gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc...

Thứ trưởng Phạm Minh Huân trao Bằng khen của Bộ LĐ-TB&XH cho một số cá nhân và Cty, doanh nghiệp tiêu biểu trong thực hiện pháp luật lao động giai đoạn 2011 - 2015.

Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhìn thẳng vào một số vướng mắc trong pháp luật lao động hiện nay. Ví dụ về quy định thời giờ làm thêm nên thay đổi như thế nào, nên qui định năm hay theo tuần, hay tháng? Đây là vấn đề khó, một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đã kiến nghị lên Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi ngay từ năm 2013. Việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với mục đích để sau những năm tháng làm việc, khi nghỉ hưu người lao động được nhận mức lương hưu cao hơn, điều đó buộc phải tăng dần mức đóng bảo hiểm xã hội. Nhưng cũng đồng nghĩa với tăng chi phí cho doanh nghiệp, trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu vừa và nhỏ, sức cạnh tranh chưa cao. Đó là những mâu thuẫn nảy sinh từ thực tiễn vận hành của doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cần nắm bắt, nghiên cứu, sửa đổi. Tinh thần là vấn đề nào thuộc trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH có thể giải đáp, cần làm ngay, nhóm vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ sẽ báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng tháo gỡ trong thời gian tới”.

Doanh nghiệp cần chủ động gắn kết hơn với Bộ

Sau khi nghe đại diện lãnh đạo các Vụ: Pháp chế, Lao động - Tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Cục Việc làm, Cục An toàn lao động giới thiệu và hệ thống lại một số điểm mới trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các văn bản luật. Các doanh nghiệp đã thẳng thắn nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các văn bản luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, về an toàn lao động…

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam bày tỏ: “Thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã nỗ lực nghiên cứu, ban hành các nghị định, thông tư giúp các doanh nghiệp dệt may rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số văn bản ban hành còn chưa bám sát thực tiễn vận hành, ví dụ qui định về mức lương tối thiểu, và quy định thỏa ước lao động tập thể, qui định về đình công đúng luật...”. Kiến nghị và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Cẩm cho rằng, cần nghiên cứu, ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn sát thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp hơn, không nên để có một vấn đề, nhưng khi áp dụng, doanh nghiệp phải nghiên cứu tới 3 nghị định hướng dẫn...

Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May cũng đề xuất: “Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội cho phép nới rộng thời giờ làm thêm của người lao động. Với các doanh nghiệp dệt may, hiện nay đa phần đều để người lao động làm thêm vượt khung quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 (qui định 200 - 300 giờ/năm), và chỉ có như vậy, mới đáp ứng đơn hàng và đặc thù mùa vụ của ngành dệt may...”.Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên cũng cho rằng: “Nếu qui định thời giờ làm thêm như luật, thu nhập của người lao động chỉ đạt khoảng 4 triệu đồng/tháng. Thực tế, năm 2015 thu nhập bình quân của người lao động ở công ty may Hưng Yên đạt mức 7,5 triệu đồng/tháng, cũng từ  việc làm thêm giờ...”. Theo ông Dương, nên nghiên cứu và quy định làm thêm giờ theo tháng hơn là qui định theo năm và nên để doanh nghiệp và người lao động cùng thỏa thuận vấn đề này.

Một loạt câu hỏi, thắc mắc từ các doanh nghiệp xung quanh các nhóm vấn đề: Tiền lương tối thiểu, trợ cấp thôi việc, ký hợp đồng với chuyên gia nước ngoài, khám sức khỏe định kỳ, qui chuẩn đo lường môi trường làm việc, sử dụng hóa chất trong công nghiệp, xử lý vi phạm của người lao động… đã được lãnh đạo Vụ Lao động - Tiền lương, Cục An toàn lao động, Cục Việc làm, Thanh tra Bộ giải đáp tại buổi đối thoại, đã phần nào giúp doanh nghiệp hiểu và nắm rõ hơn pháp luật lao động.

Kết luận buổi đối thoại, Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định: Bộ LĐ-TB&XH cầu thị, tiếp thu xem xét, nghiên cứu khi sửa đổi Bộ luật Lao động trong năm 2017 theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, nhưng vẫn bảo đảm tính đồng bộ giữa Luật Lao động và các văn bản pháp luật khác. “Quá trình nghiên cứu, sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH rất mong các ý kiến đóng góp từ thực tiễn vận hành của các công ty, doanh nghiệp, đặc biệt khi soạn thảo các nghị định hướng dẫn. Cộng đồng doanh nghiệp cần gắn kết, chủ động hơn với các đơn vị chức năng của Bộ để được giải đáp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn kịp thời”.

MINH HOÀNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh