CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:22

Bộ KHĐT đề xuất áp dụng BOT cho dự án trên 1.200 tỷ đồng

 

ảnh minh họa

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) vừa tổ chức Hội nghị tham vấn các nhà đầu tư để phục vụ xây dựng Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Một trong những vấn đề được quan tâm nhất chính là quy mô dự án áp dụng PPP.

Bộ KHĐT cho rằng hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của phía Chính phủ. Do vậy, quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm lựa chọn được những dự án xứng đáng để đầu tư theo hình thức này, tránh đầu tư dàn trải mang lại hiệu quả không cao. Hơn nữa, chi phí giao dịch của các dự án PPP cũng khá cao, do đó nếu thực hiện PPP cho dự án nhỏ thì dẫn đến không hiệu quả. Dự án với quy mô đủ lớn mới có tính hấp dẫn nhà đầu tư.

Với phân tích này, Bộ KHĐT đề xuất 2 phương án:

Phương án 1: Áp dụng quy mô dự án tối thiểu để đầu tư theo hình thức PPP. Với việc áp dụng hạn mức này, Luật chỉ quy định chung một quy trình dự án, đảm bảo rõ ràng, đơn giản, thống nhất, không cần thiết kế cho dự án ở các quy mô khác nhau như hiện nay. Trong đó, chỉ đầu tư PPP đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 1.200 tỷ đồng trở lên là hạn mức thấp nhất của các dự án nhóm A theo phân loại tại dự thảo Luật đầu tư công sửa đổi (phương án đã được lấy ý kiến rộng rãi thời gian qua), đồng thời cũng như kinh nghiệm quốc tế chỉ thực hiện dự án PPP đối với dự án quy mô đủ lớn (khoảng 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng). Bên cạnh đó, chỉ đầu tư PPP đối với dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên, đây là mức thấp nhất đối với dự án nhóm B.

Phương án 2: Giữ nguyên như quy định hiện hành là không quy định quy mô dự án tối thiểu để được áp dụng PPP, có quy trình riêng cho dự án quy mô nhỏ để đảm bảo được chuẩn bị thực hiện một cách kinh tế với chi phí hợp lý.

Tại Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH ngày 21/10/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo quan điểm xây dựng Luật là “Đối với các dự án đường bộ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, chỉ áp dụng đối với các tuyến đường mới để bảo đảm quyền lựa chọn cho người dân, không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu”. Do đó, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai các dự án BOT giao thông trong thời gian qua, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ KHĐT đề xuất quy định nguyên tắc áp dụng hợp đồng tại Luật PPP.

Cụ thể, chỉ lựa chọn áp dụng loại hợp đồng có cơ chế thu phí từ người sử dụng đối với dự án PPP đầu tư, xây dựng mới và người dân có hơn một sự lựa chọn khi sử dụng dịch vụ. Đối với các dự án nâng cấp, cải tạo, áp dụng loại hình hợp đồng nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư (không thu phí từ người sử dụng)…

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Đức Trung khẳng định, mục tiêu xây dựng luật hiệu quả, có tính khả thi, ổn định cao và có hiệu lực pháp lý lâu dài, tránh tình trạng thay đổi về hệ thống quy phạm pháp luật về PPP trong thời gian qua.

Đa số ý kiến của các nhà đầu tư đánh giá cao và mong muốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam. Các nhà đầu tư cũng đánh giá các dự án đầu tư theo PPP có nhiều yếu tố tích cực như: sự sáng tạo của nhà đầu tư, dự án được thực hiện nhanh chóng, chất lượng, hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, ông Trung cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cũng đồng tình với quan điểm cho rằng, với cơ chế hiện nay, rất nhiều dự án trong lĩnh vực PPP, đặc biệt là các dự án về giao thông, tỷ lệ sử dụng vốn vay lớn, nhất là vốn vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến chi phí đầu tư dự án cao. Do vậy, nếu loại bỏ được nguyên nhân này sẽ dẫn đến chi phí hợp lý cho đầu tư dự án.

Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, Bộ KHĐT sẽ nghiên cứu, tổng hợp các nội dung được kế thừa từ Nghị định về đầu tư theo hình thức PPP, kinh nghiệm từ quá trình triển khai thực hiện các dự án PPP và ý kiến của các nhà đầu tư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến xác định phạm vi, quy mô dự án, hợp đồng, bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, quyết toán hợp đồng, việc kiểm tra thường xuyên, kiểm tra đột xuất trong quá trình thực hiện dự án…, ông Trung nêu rõ./.



PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh